Nỗi đau mất mát ẩn sau giai điệu ngọt ngào

22/11/2020 08:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 9 vừa qua, ARMY - cộng đồng người hâm mộ BTS - cũng như đông đảo người nghe nhạc châu Á đã vô cùng hồ hở khi ca khúc Dynamite của BTS đứng đầu BXH Billboard Hot 100 của Mỹ.

BTS họp báo quảng bá ‘BE’: RM giải thích tại sao ‘Life Goes On’ khác với ‘Dynamite’

BTS họp báo quảng bá ‘BE’: RM giải thích tại sao ‘Life Goes On’ khác với ‘Dynamite’

Trưa 20/11, BTS tổ chức họp báo toàn cầu ở Seoul trước khi phát hành album mới BE. Họ đã thảo luận về ý nghĩa đằng sau các bài hát, kinh nghiệm làm việc trong hậu trường album và lý do tại sao họ lại đưa vào một “skit” lần đầu tiên sau 3 năm.

Đây là bước tiến rất lớn cho hành trình âm nhạc phương Đông tiến sâu vào phương Tây. Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ trước, vào năm 1963, đã có một nghệ sĩ châu Á khác - và là đầu tiên - làm được điều này. Đó là ca sĩ Kyu Sakamoto với ca khúc Sukiyaki.

Khi đó, đây không chỉ là bước tiến về mặt âm nhạc, mà còn là bước chuyển của cả một dân tộc.

Từ Đông sang Tây

Ca khúc Sukiyaki (Ue o Muite Aruko, Ngước nhìn khi bước đi), phát hành năm 1961, được thu âm bởi giọng ca trữ tình Kyu Sakamoto, khi đó mới 19 tuổi. Tuy ít tuổi nhưng Sakamoto đã là người từng trải, cả trong cuộc sống lẫn sự nghiệp.

Sakamoto sinh năm 1941 tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Tuổi thơ của anh trôi qua trong cảnh bom đạn, công ty của bố bị quân chiếm đóng Mỹ đóng cửa và khi lên 15 thì bố mẹ ly dị. Nhưng âm nhạc cũng tới với anh từ rất sớm. Sakamoto ca hát từ nhỏ và bắt đầu chơi guitar thời trung học.

Năm 16 tuổi, anh tham gia ban nhạc pop Nhật Bản The Drifters. Sakamoto không hài lòng với vị trí giọng hát phụ của nhóm nên thường xảy ra đấu đá với các thành viên khác. Bước đột phá lớn của anh với tư cách thành viên ban nhạc là khi hát tại lễ hội âm nhạc thường niên Western Carnival ở Nichgeki Hall. Sau một cuộc cãi vã với 2 thành viên khác, Sakamoto rời nhóm vào tháng 11/1958, sau nửa năm gia nhập.

Trong một thời gian ngắn, Sakamoto quay lại với việc học nhưng lại sớm tham gia ban nhạc khác rồi bỏ học để tập trung vào sự nghiệp. Tháng 6/1959, ban nhạc Paradise King của anh ký được hợp đồng thu âm với JVC và phát hit lớn Kanashiki Rokujissai vào tháng 8/1960. Thừa thắng xông lên, họ tung ra một số ca khúc khác cũng rất phổ biến. Chính nhờ điều này, Sakamoto có được hợp đồng với Toshiba và rời Paradise King để theo đuổi sự nghiệp solo.

Chú thích ảnh
Kyu Sakamoto trên bìa đĩa đơn “Sukiyaki”

Sự nghiệp solo của Sakamoto khởi đầu với chính bản tình ca Ue O Muite Aruko, viết bởi người viết lời Rokusuke Ei và nhà soạn nhạc Hachidai Nakamura. Ca khúc được phát lần đầu trên chương trình giải trí Yume de Aimasho của đài NHK vào ngày 16/8/1961 và lập tức trở thành hit cực lớn. Nó vẫn giữ danh hiệu đĩa bán chạy nhất cho tới tháng 1/1962, sau 5 tháng phát hành.

Nhưng đột phá lớn hơn của ca khúc là vào năm 1963, sau chuyến thăm Nhật Bản của Louis Benjamin, giám đốc điều hành công ty thu âm Anh Pye. Sau vài lần nghe ca khúc, Benjamin quyết định mang nó về Anh. Vì lo lắng rằng tựa đề quá khó phát âm hoặc khó nhớ với người nói tiếng Anh, Ue O Muite Aruko đã được đổi tên đơn giản thành Sukiyaki, theo tên món thịt bò nấu chín của người Nhật mà người Anh rất quen thuộc. Tựa mới nghe vừa hấp dẫn, vừa đậm chất Nhật, nhưng chẳng liên quan gì tới ca khúc!

Bất ngờ, Sukiyaki bán rất chạy ở Anh, cả ở phiên bản không lời lẫn bản gốc. Năm 1963, học tập Pye, hãng thu âm Capitol đã phát hành Sukiyaki ở Mỹ với tựa đề mới và bán được hơn 1 triệu bản, giúp nó giữ vị trí No.1 Billboard Hot 100 trong 3 tuần (ngang với Dynamite của BTS hiện nay) vào tháng 6/1963!

Sau đó, nó tiếp tục đứng đầu BXH ở nhiều quốc gia khác và hiện là một trong những đĩa đơn bán chạy nhất thế giới mọi thời đại với hơn 13 triệu bản. Nó cũng được rất nhiều ca sĩ khắp thế giới hát lại, gặt hái được nhiều thành công mới, trong đó có bản của Susan Boyle qua tên gọi The First Star, thuộc album Someone To Watch Over Me (2011). Sukiyaki cũng là ca khúc được các nghệ sĩ Nhật Bản ở New York chọn để hát chung trực tuyến giữa thời kỳ cách ly do Covid-19 năm 2020.

Đắng cay phía sau một tình ca

Với đông đảo khán giả, Sukiyaki có lẽ chỉ đơn thuần là một ca khúc buồn man mác, có lẽ là về một tình yêu đã ra đi. Hình ảnh hiện lên là một người đang lang thang cô quạnh một mình trong đêm, ngẩng cao mặt để lệ khỏi rơi xuống trong nỗi thương nhớ về những ngày vui đã qua. Hạnh phúc sao mà xa vời ngoài tầm với nhưng vẫn còn ở đó những niềm hy vọng. Tất cả hòa lẫn trong giai điệu jazz pop, giọng ca da diết, dàn nhạc ấm áp cùng nhiều tiếng huýt sáo có chút lạc quan. Ngay cả tại thời điểm đó, âm thanh của nó cũng có vẻ lỗi thời nhưng do đó, tạo cảm giác xa vắng, hoài niệm.

Nhưng sự thật về Sukiyaki hoàn toàn không phải vậy.

Ian Condry, giảng viên văn hóa Nhật Bản tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng Sukiyaki vượt qua rào cản ngôn ngữ bởi nó tác động tới thần kinh cảm xúc. Nhưng hầu hết khán giả Mỹ có lẽ không nhận ra là việc ca khúc như biểu tượng của sự trở lại sân khấu thế giới của Nhật Bản như thế nào.

Chú thích ảnh
Thành công của ca khúc “Sukiyaki” được coi như biểu tượng của sự trở lại sân khấu thế giới của Nhật Bản

“1963 là khi Nhật Bản trở lại sân khấu thế giới sau sự tàn phá của Thế chiến II” - theo ông Condry. “1964 là Olympic Tokyo. Và nền kinh tế Nhật Bản đang mở rộng ra toàn cầu và do đó, theo một cách nào đó, ca khúc giống như một sự ẩn dụ thú vị cho sự mở rộng toàn cầu của Nhật Bản trên trường quốc tế”.

Kyu Sakamoto đúng là gương mặt đại diện cho Nhật Bản thời hậu chiến này: Một thần tượng pop 21 tuổi sáng sủa. Nhưng Condry nói rằng ẩn dưới ca khúc là một câu chuyện đau buồn và mất mát. “Người viết lời Rokusukay Ey đang nhìn lại thất bại của phong trào biểu tình ở Nhật Bản” - ông nói.

Cuối thập niên 1950, tại Nhật Bản có rất nhiều cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện liên tục của quân đội Mỹ tại đây. Hàng chục ngàn người đã đổ ra đường tuần hành nhưng chính phủ lại đi trước, ký hiệp ước an ninh. Bản thân tác giả Rokusuke Ei đã viết Sukiyaki trên đường về nhà sau một cuộc biểu tình như vậy.

Theo Condry, trải nghiệm đó đã khiến nhiều thanh niên Nhật Bản vỡ mộng về biểu tình. Vì vậy, trong ca khúc Sukiyaki, ông nghe thấy niềm khao khát một khởi đầu mới.“Đi dọc đường, ngước nhìn, để nước mắt không chảy khỏi mắt/ Tôi nhìn lại một ngày Xuân trong đêm đơn côi này” - Condry trích lại lời ca khúc. “Một vận may vượt trên những tầng mây/ Một vận may vượt trên bầu trời/ Thế nên, tôi ngước lên và mong chờ, tưởng tưởng một vận may trong tương lai”.

“Đây thật sự là ca khúc về nỗi buồn khi nhìn lại, nhưng cũng là mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn” - Condry phân tích tiếp. “Theo một cách nào đó, điều này giúp giải thích về sự vô tận của kiểu tình cảm đó”.

Vì vậy, trong khi Sukiyaki là về phong trào chống Mỹ thất bại tại Nhật Bản, giai điệu ngọt ngào và man mác của nó lại trở thành No.1 tại Mỹ vào mùa Hè năm 1963 như thế.

Vài nét về ca sĩ Kyu Sakamoto

Sau thành công quốc tế của Sukiyaki, Sakamoto đã có chuyến lưu diễn thế giới từ mùa Hè năm 1963 tới đầu năm 1964. Trong số các quốc gia ông tới có Mỹ, Đức và Thụy Điển. Trong thời gian ở Mỹ, ông đã được mời tới những chương trình truyền hình ăn khách nhất xứ cờ hoa.

Sau Sukiyaki, Sakamoto còn có một ca khúc khác lọt BXH Mỹ là China Nights (Shina No Yoru) ở vị trí No.58 năm 1963. Album tiếng Mỹ duy nhất của ông, Sukiyaki And Other Japanese Hits đạt tới vị trí No.14 trên BXH Billboard Pop Albums năm 1963 và ở trên BXH này suốt 17 tuần.

Tại Thế vận hội mùa Hè 1964, gương mặt của ông cũng được truyền hình nước ngoài săn đón. Năm 1968, Sakamoto và Hachidai Nakaruma tham dự cuộc thi hát quốc tế Festival Internacional da Cancao ở Rio de Janeiro với ca khúc Sayonara, Sayonara và về ở vị trí thứ 7. Năm 1985, ông qua đời trong một vụ tai nạn máy bay khi đang bay tới Osaka dự sự kiện.

Thư Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm