Nhạc sĩ Ngọc Châu: Tôi đang phòng thủ

02/03/2010 08:45 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Có duyên với mùa Xuân khi tên tuổi của Ngọc Châu được gắn với: Thì thầm mùa Xuân, Chiều Xuân,… nhưng cũng đã khá nhiều mùa Xuân trôi qua mà dường như anh thì vẫn còn “chìm trong giấc ngủ đông dài” khi đã 5 năm nay không cho ra mắt một tác phẩm mới nào. Bảo anh “lười” thì anh không nhận mà chỉ tự nhận là mình đang trong thời kỳ phòng thủ.

Lùi để tiến

* Ca khúc cuối cùng anh công bố là ca khúc gì và cách đây bao lâu?

- Ca khúc cuối cùng tôi công bố là Thức dậy đi trong đĩa Ban mai xanh của ca sĩ Khánh Linh. Đĩa này ra đời cũng được khoảng 5 năm rồi.

* Anh có nghĩ mình “ngủ đông quá lâu” không?

- Suốt 5 năm vừa qua tôi vẫn làm công việc liên quan đến âm nhạc, chỉ là không chú trọng đến lĩnh vực sáng tác ca khúc. Không ai có thể “chạy” mãi được, tôi coi khoảng thời gian vừa rồi là quãng nghỉ để trải nghiệm cuộc sống lấy vốn sáng tác. Cá nhân tôi nghĩ trong một cuộc chiến đấu có lúc mình tiến công thì cũng có lúc mình phải phòng thủ. Công việc sáng tác này không thể cứ một mình mình một chiếu, phải biết quan sát để học hỏi và để thay đổi mình cho mới hơn những gì mình đã làm trước đó.

* Phải thay đổi! Anh mong muốn mình sẽ thay đổi như thế nào?

- Những ca khúc của tôi được mọi người biết đến như: Thì thầm mùa Xuân, Chiều Xuân, Ban mai xanh,… hầu hết đều được viết khi tôi ở độ tuổi đôi mươi. Giờ không thể viết những bài nhí nhảnh vui tươi như thế nữa, vì nó không còn hợp với tình cảm của mình hiện nay. Viết về tình yêu đơn thuần thì dễ thôi, nhưng viết sao cho mới hơn thì không dễ. Ngoài tình yêu thì còn rất nhiều vấn đề khác ngoài xã hội mà mình trăn trở. Nhưng để đưa những suy nghĩ đó vào âm nhạc thì quả thực là khó. Biết là thế nhưng tôi vẫn muốn làm.

* Anh bằng lòng với sự “rút lui thầm lặng” của mình trong quãng thời gian vừa qua chứ?

- Bằng lòng thì không phải, nhưng cuộc sống là phải vậy. Có thời điểm mình ồ ạt ra rất nhiều bài, nhưng có thời điểm cũng chỉ nên ra để cầm cự thôi. Hơn nữa, thị hiếu âm nhạc thay đổi thường xuyên, mình cũng phải dừng lại để quan sát xem mọi người đang nghe cái gì, đang nghĩ cái gì để mà làm chứ. Tôi nghĩ bây giờ mình có thể lùi nhưng là lùi để mà tiến.

Lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay đang thiếu bản sắc dân tộc

* Trong suốt quãng nghỉ để quan sát vừa qua anh thấy điều gì đáng nói từ thị trường nhạc Việt?

- Tôi thấy những năm qua nhạc Việt có một lớp các nhạc sĩ trẻ khá năng nổ. Họ có được lợi thế hơn thời của chúng tôi là được sống trong môi trường nhạc nhẹ từ nhỏ đến lúc trưởng thành nên họ làm nhạc nhẹ cũng dễ dàng hơn lứa chúng tôi. Thời chúng tôi thì tất cả đều phải mày mò vì lúc bấy giờ khái niệm nhạc nhẹ chưa được hình thành rõ nét. Nhưng bù lại lớp chúng tôi luôn làm việc “một cách kỹ lưỡng và độc lập” do đó mà những sáng tác của thế hệ tôi có lẽ mang bản sắc Việt nhiều hơn, đây là thứ mà lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay đang thiếu. Đôi khi nghe nhạc của họ tôi thấy nó cũng na ná giống nhạc Hàn, nhạc Thái,… Mà cái nguy hiểm là ở chỗ họ làm việc này rất vô thức. Bởi như nhạc Hàn Quốc, dễ nghe dễ thuộc như vậy, nhưng họ làm hoàn toàn có tính toán để phù hợp với công nghệ showbiz của họ. Chúng ta không thể bát nháo vay mượn mãi như thế, nếu tình trạng này kéo dài thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khán giả.

* Nhân nói đến lớp các nhạc sĩ trẻ, có cái tên nào gây cho anh ấn tượng không?

- Mấy năm gần đây sân chơi Bài hát Việt đã phát hiện ra rất nhiều tài năng mới cho nhạc Việt. Tôi nghĩ nhìn vào sân chơi này là thấy đủ những mảng màu của lĩnh vực sáng tác ca khúc hiện nay. Một số cái tên mà tôi thấy có triển vọng như: Thành Vương, Nguyễn Đức Cường, Duy Hùng, Lưu Thiên Hương,…

* Anh mong muốn gì ở những lớp nhạc sĩ trẻ này?

- Cá nhân tôi thì vẫn thích một thứ âm nhạc mang đậm tính Á Đông một chút. Nói là mong muốn thì hơi quá nhưng tôi chỉ hy vọng rằng các nhạc sĩ của ta sẽ có thể làm nên một dòng chảy âm nhạc mang đậm tính Việt Nam. Cao xa hơn là mong muốn dòng nhạc của chúng ta sẽ được biết đến trên thế giới như một dòng chảy riêng biệt.

* Theo góc nhìn của cá nhân anh, nhạc Việt trong năm 2010 liệu có khởi sắc hơn những năm vừa qua không?

- Để dự báo thì rất khó, nhưng nhìn từ sân chơi Bài hát Việt sẽ thấy trong năm nay chắc chắn sẽ không có đột phá gì ở lĩnh vực sáng tác ca khúc. Tôi nghĩ đây cũng là điều hết sức bình thường, vì trong quá trình phát triển cũng phải có những lúc đi lên đi xuống. Mấy năm qua chương trình Bài hát Việt mở ra, giống như người ta mở một cái nút chai, bao nhiêu tích tụ dồn nén của các nhạc sĩ đã đổ ra ào ạt. Lực lượng sáng tác thì có hạn, cũng phải đến lúc cạn đi chứ.

Không muốn làm âm nhạc một cách xô bồ

* Đếm lại những ca khúc của anh đã trình làng thì thấy dường như anh là nhạc sĩ “lười sáng tác nhất” trong lớp của anh thì phải?

- Quả thực là tôi viết ít. Tôi không rõ các nhạc sĩ khác thế nào, tôi thì luôn tôn trọng tư duy sáng tạo của bản thân, hơn nữa tôi không muốn làm âm nhạc một cách xô bồ. Nếu cứ viết đều đặn mà bài nào cũng ná ná về cả nội dung lẫn âm nhạc và cả cách phối khí, thể hiện thì tôi chọn cách chỉ cần viết một bài thôi. Như vậy là quá đủ để thể hiện kỹ năng nghề nghiệp với người nghe, hoặc với đồng nghiệp rồi. Viết nhiều mà không có gì mới hơn thì viết làm gì? Bởi như thế thì gọi gì là sáng tạo nghệ thuật nữa.

* Theo lẽ thông thường, nếu quá lâu anh không xuất hiện thì người ta sẽ quên anh!

- Tôi biết là như vậy nhưng chả biết làm thế nào được. Tôi thấy ngay cả những nhạc sĩ kỳ cựu thì cuối cùng cũng chỉ đọng lại một hai bài, còn người mà dồi dào thì hiếm đấy. Với tôi công việc làm âm nhạc là rất khó khăn và đáng trân trọng. Nếu “hùng hục viết” chỉ để cố gắng níu kéo tên tuổi của mình hay là để tô đậm nó thì tôi chịu, tôi không làm được như vậy!

* Nhưng nếu anh cứ “từ từ mà tiến” như hiện nay, liệu có hợp lý không khi tuổi sung sức nhất của anh sắp đi qua rồi?

- Công việc sáng tác này chỉ trừ khi sức khỏe không cho phép nữa thì mới thôi chứ nó không có ngưỡng về hưu cho nên mình cứ tự nhiên sống để mà viết. Không việc gì phải sốt ruột! Tôi không thấy lo lắng gì về chuyện tuổi tác. Chưa bao giờ trong đầu mình có suy nghĩ về chuyện thời sung sức của mình đã đi qua hay chưa.

* Vậy bao giờ thì Ngọc Châu “thức dậy”?

- Nghề này là nghề nói vui thì giống việc “kiếm củi ba năm đốt một giờ”, mình cứ gom góp cảm xúc đến khi nào thành “một đống củi to” thì đốt đùng một cái. Theo nguồn mạch ấy thì lúc cảm xúc tới mình có thể cho ra đời rất nhiều bài nhưng ngược lại cũng có lúc "cạn vốn”, nói vậy cho vui, chẳng qua là cảm xúc chưa đủ độ chín, bảo đặt bút viết thì tôi không thể viết được. Do đó nói bao giờ tôi “thức dậy” thì quả thực khó, vì cảm xúc thì đến tự nhiên không báo trước, khi có cảm xúc thì cứ thế là đặt bút viết thôi.

Bài và ảnh: Việt Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm