Nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải: 'Chạm tới biển' - chạm vào bản ngã

24/10/2014 09:49 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm video art “Chạm tới biển” của hai nghệ sĩ thị giác Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải là một trong bốn phim đang được Viện trao đổi Văn hóa - Giáo dục Việt nam tại Mỹ (IVCA) giới thiệu và chiếu tại các trường đại học lớn của Mỹ. Trước đó, “Chạm tới biển” từng tham gia triển lãm tại Singapore Biennale 2013 và nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng đương đại Singapore.

Chạm tới biển là một video art 3 kênh màu dài 21 phút 30 giây chứ không phải là một phim tài liệu hay phim chính luận liên quan đến biển. Công chúng có thể tìm hiểu thêm về bộ phim này trong chương trình chiếu phim và thuyết trình với chủ đề Đối diện với đại dương do Viện Trao đổi văn hóa - giáo dục Việt Nam tại Mỹ thực hiện trong 3 tuần đầu tháng 10 năm nay ở một số trường đại học ở vùng Đông Bắc Mỹ, hoặc có thể truy nhập vào địa chỉ http://ivce.org/event.php?menueventid =ME00000015 để có thêm thông tin. Đây là bản dựng lại bản video art 3 kênh màu trước đây.

* Các anh có thể chia sẻ thêm về việc Bảo tàng đương đại Singapore sưu tập Chạm tới biển?

- Tác phẩm Chạm tới biển được copy thành 7 ấn phẩm. Bảo tàng đương đại Singapore đã sưu tập bản 1/7.

* Hai anh có thể chia sẻ về việc chọn bối cảnh cho bộ phim?   

- Bộ phim là một hành trình trở về nơi chôn rau cắt rốn của chúng tôi ở Quảng Bình bằng đường thủy. Vì thế, chúng tôi chọn vùng bờ biển trải dọc từ Huế (nơi chúng tôi đang sống) đến Quảng Bình (là quê của chúng tôi để làm bối cảnh phim. Tuy nhiên, do dự án này thực hiện trong 6 tháng nên bối cảnh bộ phim được thay đổi liên tục.


Hai nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải cùng các tác giả trong chương trình giới thiệu và chiếu phim Đối diện với đại dương tại Mỹ

* Chạm tới biển là một câu chuyện kết nối ký ức quá khứ với hiện tại và tương lai của hai anh em song sinh. Vậy nó có gợi mở điều gì về cuộc sống ngoài đời của hai anh không?

- Trong cuộc sống, hai anh em chúng tôi luôn song hành với nhau, kể cả trong sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi cùng chia sẻ ý tưởng, cùng tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật, nên đương nhiên, Chạm tới biển cũng là một cuộc song hành trong nghệ thuật của anh em chúng tôi. Trong bộ phim này, hai nhân vật giả tưởng đang trong hành trình tìm lại nhau, tìm lại bản ngã của chính mình, đồng thời cũng là hành trình tìm về quê hương bản quán của mình.

* Vậy trong quá trình thực hiện bộ phim này, hai anh đã tìm được bản ngã của mình như thế nào?

- Chúng tôi đã nhìn thấy chúng tôi trong đó vừa như là một thực thể thống nhất, lại vừa mang tính tách biệt nhưng bổ khuyết cho nhau.

* Tôi có cảm giác bộ phim nhấn mạnh vào những chi tiết ẩn dụ, và đi sâu vào tâm thức con người qua việc hợp nhất rồi chia ly. Từ đâu các anh có ý tưởng để thực hiện bộ phim? Và hành trình chuyển từ ý tưởng thành một tác phẩm nghệ thuật như bộ phim này là như thế nào?

- Chúng tôi sinh vào ngày 3/4/1975. Và 27 ngày sau thì đất nước Việt Nam được thống nhất. Điều này có nghĩa là khi anh em chúng tôi sinh ra thì đất nước vẫn còn phân ly Bắc - Nam và anh em chúng tôi là người miền Bắc. Nhưng bây giờ thì chúng tôi cùng sống và sáng tạo nghệ thuật ở thành phố Huế, một nơi thuộc miền Nam trước đây. Vì thế mà chúng tôi thường tự hỏi: Nếu như đất nước chúng ta chưa được thống nhất thì bây giờ chúng tôi là ai, đang làm gì và cho ai?


Hình ảnh trong video art Chạm tới biển

* Tác phẩm là một thông điệp bằng hình ảnh. Không gian của tác phẩm mở rộng ra biên độ tự do, không giới hạn. Vậy sinh viên Mỹ đã đón nhận thông điệp của hai anh như thế nào?

- Khi chúng tôi đưa phim sang trình chiếu ở các trường đại học Mỹ, nhiều sinh viên cũng hỏi chúng tôi rằng thông điệp thực sự của bộ phim là gì? Chúng tôi nói rằng tùy theo cách hiểu của mỗi người, phim có thể là một sự trở về, một sự tưởng niệm với những người đã ngã xuống trên biển cả trong cuộc mưu sinh và mưu cầu tự do của mình và cũng là hành trình tìm về quê nhà của chính anh em chúng tôi.

Sinh viên ở các trường đại học rất thú vị khi xem tác phẩm Chạm tới biển.

* Tình yêu nước, tấm lòng tận hiến cho nghệ thuật của hai anh không chỉ thể hiện qua bộ phim này, mà còn qua các hoạt động nghệ thuật đương đại của hai anh ở Huế nói riêng và ở khu vực miền Trung nói chung. Với tinh thần không ngại khó và một bầu nhiệt huyết, các anh mong muốn đóng góp những gì? Cho ai?

- Ngoài sáng tác nghệ thuật tự thân, chúng tôi còn dành nhiều thời gian để điều hành và phát triển New Space Art Foundation. Đó là một trung tâm hỗ trợ phát triển và sáng tạo nghệ thuật không chỉ cho giới làm nghệ thuật ở cố đô Huế, ở Việt Nam mà còn cho những nghệ sĩ thế giới muốn trải nghiệm và sáng tạo nghệ thuật ở nơi chúng tôi đang sống.

* Dường như trong những ngày mang phim sang chiếu ở Mỹ, các anh vẫn đang thực hiện một dự án nghệ thuật mới?

- Vâng. Đó là một dự án nghệ thuật mang tên “365 ngày”. Chúng tôi bắt đầu dự án này từ ngày 14/2/2014 và sẽ kết thúc vào ngày 14/2/2015. Đây là một dự án đa phương tiện, nhưng lại bắt đầu bằng nhiếp ảnh. Mỗi ngày hai anh em chúng tôi đều cùng nhau chụp ảnh, ít nhất là 100 ảnh và nhiều nhất là 900 ảnh. Mỗi ngày chúng tôi triển lãm một bức ảnh trên Facebook cá nhân. Ngoài ra còn có 6 cuốn sách do nghệ sĩ làm. Mỗi cuốn thực hiện trong hai tháng. Hiện tại chúng tôi sắp hoàn thành cuốn thứ 4, gồm 60 bức ảnh do anh em chúng tôi chọn. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức sắp đặt toàn bộ trang phục mà chúng tôi đã sử dụng trong dự án này và sau cùng là một video stop motion một kênh màu dài 365 phút.

* Xin cảm ơn hai nghệ sĩ.

Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm