'Mốt' tiêu hủy... tác phẩm của các nghệ sĩ lớn

03/07/2015 06:19 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ hãng thu âm của nữ ca sĩ quá cố Amy Winehouse mới thừa nhận đã tiêu hủy một số bản ghi âm thử của cô. Như vậy, kho lưu trữ tác phẩm của Winhouse sẽ không đầy đủ như người ta tưởng. Việc này cũng đưa tên tuổi cô gia nhập một CLB đông đảo các nghệ sĩ có nhiều tác phẩm bị tiêu hủy.

Amy  hiện đang được quan tâm trở lại, sau khi bộ phim tài liệu mang tên cô, đang được giới thiệu với công chúng. Tuy nhiên, phim không nhắc đến một khía cạnh quan trọng trong cuộc đời ngắn ngủi của Winehouse: những bản ghi âm thử (demo).

Bị người khác kiểm soát, tiêu hủy tác phẩm

Đây là những bản ghi âm đầu tiên, không được chau chuốt và thường không được nghệ sĩ quan tâm tới. Nhưng sau khi họ qua đời, người ta thường tìm lại và đưa chúng vào các album được phát hành sau đó.

Trước khi phim tài liệu Amy được phát hành, ông chủ hãng thu âm của nữ ca sĩ tuyên bố đã đích thân tiêu hủy hết các bản ghi âm thử, để đảm bảo chúng không thể xuất hiện trên thị trường.

Hành động trên có thể khiến fan phẫn nộ. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, nghệ sĩ bị tiêu hủy tác phẩm. Trong làng văn, vô số bản thảo viết tay đã bị ném vào lửa. Điển hình là Cassandra, chị gái của nữ văn sĩ Anh Jane Austen (1775-1817 - tác giả những tác phẩm nổi tiếng như Kiêu hãnh & Định kiến; Lý trí & Tình cảm - đã đốt nhiều bức thư của Jane gửi cho bà. Cassandra cũng tiêu hủy nhiều bản thảo viết tay của em gái. Nguyên nhân do Cassandra có thời gian dài sống bên Jane nên bà tự cho mình quyền người kiểm soát toàn bộ những thứ liên quan tới em. Nhiều fan của Jane không bao giờ tha thứ cho Cassandra vì những hành động trên.


Nhiều bản ghi âm thử của Amy Winehouse đã bị tiêu hủy, để chúng không thể xuất hiện trên thị trường

Động cơ tiêu hủy tác phẩm của một nghệ sĩ thường không rõ rệt và luôn gây nên những câu hỏi về quyền sở hữu. Một trong những ví dụ gây tranh cãi nhất là trường hợp của nhà văn Anh Ted Hughes, người tuyên bố đã đốt một bức ảnh của nhà thơ Mỹ Sylvia Plath, chỉ vài tháng trước khi bà tự vẫn. Nguyên nhân do Hughes không muốn con cái của Plath nhìn thấy bức ảnh.

Những người ủng hộ nữ quyền và giới phê bình coi đây là hành vi kiểm soát quá mức. Họ nhận thấy Hughes còn thể hiện hành vi này trong cách tuyển chọn, biên tập những bài thơ trong hợp tuyển thơ lớn nhất của Plath, mang tựa đề Ariel.

Tự tay tiêu hủy tác phẩm vì chán chường

Nhiều khi chính các nghệ sĩ cũng tự hủy bỏ tác phẩm của mình. Trong gần 2 năm kể từ khi tung ra cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh (1951), nhà văn Mỹ JD Salinger không đưa bất cứ tác phẩm mới nào tới nhà xuất bản. Suốt 50 năm sống trong im lặng, ông chỉ viết cho riêng mình, rồi thường xé toạc các trang viết nằm trong những cuốn sổ ghi chép mà ông luôn mang theo rồi đốt chúng.

Còn danh họa Pháp Claude Monet, thị lực giảm sút, mắc chứng trầm cảm và cầu toàn là những yếu tố khiến ông xé nhỏ 30 bức tranh, ngay trước khi chúng được đem đi triển lãm vào năm 1908. Vợ ông, bà Alice, từng than vãn về việc chồng rất thiếu tự tin. “Ngày nào Monet cũng đâm thủng các bức tranh. Thật đau buồn… Cách ông ấy đối xử với thành quả của 8 năm làm việc thật không công bằng chút nào!" - bà từng viết.

Thật may là Monet không phá hủy toàn bộ các bức tranh của mình và nhờ vậy mà người yêu hội họa vẫn còn được chiêm ngưỡng bộ tranh vẽ hoa súng của ông. Đây là bộ tranh thuộc trường phái ấn tượng nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Vậy chuyện gì xảy ra khi hành động tiêu hủy tác phẩm không diễn ra theo đúng mong muốn của nghệ sĩ? Đối với Tupac Shakur, ngôi sao rap Mỹ đã bị bắn chết hồi năm 1996, các album gắn với tên tuổi anh được phát hành nhiều hơn cả khi anh còn sống. Có thể nói người ta đã lợi dụng cái chết đầy bi kịch của anh để phát hành album một cách “vô tội vạ”.

Hay khi album Michael được phát hành 18 tháng sau khi Vua pop Michael Jackson qua đời, gia đình khẳng định trong một số nhạc phẩm không hề có giọng ca của ông.

Tương tự, nhà văn gốc Do Thái Franz Kafka thường đốt các trang viết của mình. Trước khi qua đời hồi năm 1924, ông đã viết thư cho Max Brod, người bạn đồng thời là chuyên gia xuất bản của mình, yêu cầu “đốt hết tất cả những gì mà tôi để lại”. Tuy nhiên, Brod đã không thực hiện di nguyện của nhà văn và chỉ 1 năm sau đã cho phát hành cuốn The Trial, tiếp đến là The CastleAmerika. Mới đây, một tòa án ở Israel đã ra phán quyết, rằng các bản thảo của nhà văn phải được đưa vào Thư viện Quốc gia Israel.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm