Làm phim về thầy giáo Nguyễn Tất Thành

20/04/2009 10:43 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Ngay sau Đừng đốt - bộ phim Nhà nước đặt hàng ra mắt công chúng vào ngày 29/4 tới, Hãng phim Hội Điện ảnh nhận tiếp “đơn đặt hàng” sản xuất bộ phim Nhìn ra biển cả với nhân vật chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kịch bản đoạt giải Nhì của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát tại Cuộc thi kịch bản điện ảnh hưởng ứng đợt phát động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” do Cục Điện ảnh VN tổ chức.

* Chị nói có “lý do” khi chọn giai đoạn Bác Hồ làm thầy giáo ở trường Dục Thanh để sáng tác. Vậy lý do ấy là gì?
 
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

- Có hai lẽ. Một là nhiều mảng đời về Bác thấy mọi người viết đã nhiều rồi, khai thác nhiều rồi. Riêng ở mảng phim truyện nhựa từ trước đến nay mới có 3 bộ phim làm về Bác như: Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông 46, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Mỗi phim mỗi vẻ... Riêng giai đoạn Bác làm thầy giáo ở trường Dục Thanh thì dường như chưa mấy ai để ý khai thác sâu đến mức viết thành một KB (như tôi vừa làm). Hai là, Nguyễn Tất Thành ngày đó là một thầy giáo trẻ đã dạy dỗ, thương yêu, gắn bó và gần gũi, hết lòng với các học sinh của mình trong bối cảnh lịch sử lúc đó còn cực kỳ khó khăn (dưới thời vua quan triều Nguyễn và chế độ bảo hộ của thực dân Pháp). Tấm gương tận tụy, hết lòng mở mang trí đức cho học sinh của thầy Nguyễn Tất Thành cũng là để cho hôm nay chúng ta soi vào học tập. KB không chỉ có thế, cạnh đó còn khắc họa hình ảnh một số nhà chí sĩ yêu nước thương nòi sáng lập ra trường Dục Thanh và ảnh hưởng của họ không nhỏ đối với việc hình thành nhân cách, ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Bác sau này...

* Đề tài về Bác Hồ và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một đề tài lớn, rất nhiều người muốn thử sức và mong muốn thành công nhưng kết quả là vẫn chưa có nhiều bộ phim ấn tượng về Bác. Chị nghĩ đâu là nguyên nhân và Nhìn ra biển cả có gì mới?

- Nguyên nhân thì có nhiều. Thứ nhất đây là đề tài khó (rất khó một khi viết về một lãnh tụ nói chung, hay về Bác nói riêng). Thứ hai là tư liệu thì nhiều nhưng làm sao viết không sai sử liệu mà vẫn có khoảng không cho sáng tạo... Đúng là chênh vênh như đi trên dây... Thứ ba, viết về đề tài này sẽ bị sức ép rất lớn. Vì tình yêu với Bác đã ăn sâu trong lòng hầu hết mọi người từ bao nhiêu năm nay nên nếu viết cái gì không đúng sự thực sẽ gây dị ứng.

Tôi cố gắng viết thật dung dị không lên gân lên cốt. Cố gắng khắc họa thầy Nguyễn Tất Thành dung dị như bao người thầy khác nhưng lại cũng không giống những người thầy bình thường khác dù khi ấy Người còn rất trẻ. Có lẽ cái khác (cái mới) là ở chỗ này chăng? Tôi chọn quãng thời gian Người ở trường Dục Thanh vì ngày ấy Bác mới mười tám, đôi mươi, rất trẻ đẹp, lại lịch lãm và dung dị. Hình ảnh ấy sẽ dễ thể hiện hơn và diễn viên đóng cũng dễ hấp dẫn hơn. Bên cạnh thầy Nguyễn Tất Thành còn một số nhân vật học sinh - học trò của thầy - khoảng 12 đến15 tuổi, khắc họa lứa tuổi này ở trong phim cũng rất thích... vui và hóm hỉnh, nghịch ngợm nữa... (học trò thời nào chả giống nhau dù đó là những học trò của những năm đầu thế kỷ 20)! Nhóm nhân vật này cũng góp phần làm cho bộ phim sinh động hơn, đa dạng và hấp dẫn hơn.
 
Lớp học được sắp đặt đúng như khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn dạy học tại trường Dục Thanh. Ảnh chụp Khu di tích trường Dục Thanh.

* Nếu là đặt hàng thì kinh phí tối đa có thể xin được và cần thiết để làm bộ phim này là bao nhiêu và việc triển khai xin kinh phí được tiến hành đến đâu?

- KB Nhìn ra biển cả không nhiều bối cảnh hoành tráng nhưng lại khá công phu vì phải tạo dựng lại hoàn toàn cảnh trí, đạo cụ, phục trang của những năm đầu thế kỷ 20. Nhất là phải dùng phim trường để dựng lại toàn bộ bối cảnh trường Dục Thanh, Ngọa du sào... Có một số cảnh đông người: cuộc biểu tình lớn năm 1908 chống sưu cao thuế nặng của bà con nông dân, tiểu thương ở Huế mà Nguyễn Tất Thành tham gia... Chuyện phim trải dài khắp khu vực Nam Trung bộ: Huế, Quy Nhơn - Bình Định và tất nhiên đậm đặc nhất là ở trường Dục Thanh - Phan Thiết. Kinh phí dự kiến cho phim này không lớn như những phim làm về chiến tranh nhưng cũng phải nhỉnh hơn những phim thông thường khác.

* Được biết, Hãng phim Hội Nhà văn VN cũng có kịch bản Hành trình qua ba bể - đề tài về Bác Hồ được đưa vào sản xuất ở diện đặt hàng. Đó có phải là “áp lực” cho nhà sản xuất khi phải cạnh tranh về mặt đề tài? Bởi, cả 2 đều là Hãng phim của Hội nghề nghiệp, có xuất phát điểm về hạ tầng cơ sở như nhau...?

- Xuất phát điểm giống nhau nhưng hạ tầng cơ sở Hãng phim Hội Điện ảnh có hơi... bị thua Hãng phim Hội Nhà văn một tí, nhất là về diện tích mặt bằng và về mặt... nhân sự. Có người đã từng “chê” chúng tôi là Hãng chỉ có... 2 người - một GĐ và một PGĐ (kiêm nhiệm)! Lẽ ra cần phải khen là “bộ máy” của chúng tôi gọn nhẹ mới đúng. Thực ra, đứng bên cạnh chúng tôi là cả một đội ngũ đặc biệt tinh nhuệ hơn 1.000 hội viên đủ các lĩnh vực chuyên môn của Hội Điện ảnh. Một lực lượng lao động sáng tạo hùng hậu mà khi cần vào việc là ai cũng sẵn sàng). Nhờ thế mà chúng tôi mới (đã) làm nên chuyện. “Một người lo bằng kho người làm” các cụ vẫn từng nói thế và thực tế cũng đã chứng minh như thế. Bây giờ có nhiều hãng làm phim về Bác càng tốt. Bao nhiêu cũng không đủ ca ngợi công lao to lớn của Người đối với đất nước ta, nhân dân ta. Miễn sao phim phải hay, phải hấp dẫn và xúc động lòng người.

* Cảm ơn chị!

Nguyệt Nhi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm