'La Cumparsita' - Bản tango thời đại

31/10/2020 08:42 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Tin được không khi một thanh niên 19 tuổi lại là người đứng sau bản tango đình đám và được thu âm nhiều nhất lịch sử? Đó chính là chuyện xảy ra vào năm 1916, khi cậu thiếu niên Gerardo Hernan “Becho” Matos Rodriguez rụt rè đưa bảnnhạc khiêm tốn của mình cho huyền thoại tango Roberto Firpo.

'Bang Bang' - bài hát phá tan mọi ranh giới về văn hóa

'Bang Bang' - bài hát phá tan mọi ranh giới về văn hóa

Một ca khúc đình đám của một trong những nữ nghệ sĩ nổi bật, đứng top đầu các BXH trên khắp thế giới, bán được tới hơn 3 triệu bản;thế nhưng, lại thường xuyên bị nhầm “nhân dạng”. Vô số người tưởng nó là của người này người kia hát, thậm chí, là gốc tiếng Italy, tiếng Pháp. Đó là thực tế về Bang Bang (My Baby Shot Me Down) của Cher.

“Chưa nói yêu nhau mà lòng đã đau/ Chưa nói mê say mà tình đã bay/ Chưa biết môi em mà hồn đã quên/ Đã qua một đêm…” - đó là phần lời Việt quen thuộc của La Cumparsita tại Việt Nam - phần lời Việt do nhạc sĩ Phạm Duy đặt, với tựa đề bài hát là Vũ nữ thân gầy.

Khởi đầu của một nhạc sĩ trẻ

Gerardo Rodriguez sinh ngày 28/3/1897, ở Montevideo (Uruguay), là con trai của một chủ quán rượu có tiếng ở địa phương. Vào quãng thời gian sáng tác La Cumparsita, anh đang học kiến trúc và bản nhạc này anh viết trên cây dương cầm của Liên đoàn Sinh viên Uruguay.

Bản tango mang tên Cuộc diễu hành nhỏ. Sau khi sáng tác xong, anh muốn có người thẩm định ca khúc này. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi đó cậu sinh viên Uruguay mới vừa bước chân vào con đường âm nhạc và dự định bỏ trường kiến trúc để toàn tâm làm nhạc sĩ. Một lý do khác là Rodriguez quá rụt rè để tự biểu diễn ca khúc của mình. Chính vì thế, Rodriguez đã nhờ bạn dẫn tới chỗ nhà soạn nhạc - nhạc trưởng danh tiếng Roberto Firpo - người đang có mặt tại địa phương.

Như Firpo sau này nhớ lại, đêm định mệnh đó là vào 8/2: “Một đêm ở The Giralda, phòng trà cổ điển nổi tiếng tại Montevideo, một cậu bé - dễ mến nhưng hơi rụt rè - tới chỗ tôi và hỏi liệu có thể nói chuyện với tôi vài phút không… Cậu bé đưa cho tôi một bản nhạc rất giản dị. Đó là La Cumparsita. Tôi chơi thử trên dương cầm và thích nó. Sau một chút điều chỉnh trên bản nhạc, tôi đã tung nó ra công chúng và được đón nhận hết mình, vừa bởi nó vốn là bản tango vĩ đại vừa vì tác giả của nó là một cậu bé ở Montevideo”.

Chú thích ảnh
Gerardo Hernan “Becho” Matos Rodriguez, tác giả “La Cumparsita”

Thật ra, Firpo không tới mức choáng váng bởi ca khúc nhưng nhìn thấy nhiều tiềm năng trong nó. Ca khúc ban đầu gồm 2 phần và Firpo đã thêm vào phần thứ 3 với các yếu tố lấy từ những bản tango dang dở năm 1906 của ông là La Gaucha Manuel và Curda Completa để tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh. Tuy vậy, sự hưởng ứng của khán giả vẫn khiến Rodriguez vô cùng hởi lòng hởi dạ, cảm thấy nó là bước đánh dấu sự xuất hiện của anh như một nhạc sĩ.

“Rodriguez bước đi quanh quanh như một nhà vô địch” - Firpo kể nhiều năm sau. “Nhưng bản tango đã bị rơi vào lãng quên và nó chỉ bắt đầu thành công khi được Enrique Maroni và Pascual Contursi đặt lời”.

Thật vậy, khi trở về Buenos Aires (Argentina), Firpo lại chơi nó ở các quán cà phê và thành công ở Montevideo tiếp diễn. Hơn nửa năm sau, vào tháng 11/1916, ông ghi âm ca khúc cho hãng ghi âm Odeon. Tuy nhiên, La Cumparsita chỉ nằm ở mặt B và thu được thành công ít ỏi.

Cuộc đời thứ hai

Cuộc đời thứ hai của La Cumparsita bắt đầu vào năm 1924, khi nó được biểu diễn trong vở kịch A Program Of A Night Club. Trong vở kịch này - với sự tham gia của Juan Ferrrari, Enrique Maroni và Pascual Cortusi - những bản tango bị lãng quên lần lượt được vang lên và La Cumparsita thuộc số đó, với ca từ thất tình đi vào lòng người. Ca khúc cũng bị đổi tên thành Si Supieras (Nếu em biết) mà không có sự đồng ý của Rodriquez nhưng bù lại, phiên bản này lập tức trở thành hit.

Có lẽ chính Rodriguez cũng quên mất tác phẩm đầu tay của mình. Anh bất ngờ phát hiện ra cuộc đời thứ hai của nó khi đang ở Paris với tư cách Lãnh sự Uruguay ở Đức. Trưởng dàn nhạc Francisco Canaro đã nói với Rodriquez rằng “các dàn nhạc đang phát cuồng vì nó như thế nào, rằng Paschal Contursi và Enrique P.Maroni đã sáng tác một cảnh rất đẹp và điều chỉnh bản nhạc để Carlitos hát nó cho Gardel với thành công phi thường”.

Chú thích ảnh
Một góc trưng bày kỷ vật về “La Cumparsita” tại Bảo tàng Montevideo, được xây trên nền quán The Giralda

Không chỉ thế, La Cumparsita còn đi rất sâu vào quần chúng. Khắp mọi nơi, người ta chơi nó làm vũ điệu kết thúc buổi tối như một truyền thống. Uruguay coi nó là “quốc ca” văn hóa và đại chúng theo luật năm 1997. Rất nhiều bộ phim đình đám thời đó như Sunset Boulevard (1950) và Some Like It Hot (1959) hay đương đại như Alice 1990), Harry Potter And The Prisoner Of Azkaban (2004)và cả Tom And Jerry đã đưa ca khúc vào phim. Nó thậm chí còn lên tầm chính trị khi vào Thế vận hội Sydney 2000, đội tuyển Argentina đã ra sân trên nền nhạc La Cumparsita, gây phản đối từ chính Chính phủ Uruguay. Với những ai ngày nay đi tập tango, gần như 100% sẽ gặp La Cumparsita.

“Tôi ngay lập tức bị mê hoặc” - bậc thầy soạn nhạc người Uruguay Hector Passarella nhớ về kỷ niệm lần đầu nghe La Cumparsita trên đài năm lên 6. “Điều khiến nó diệu kỳ nằm ở chính sự đơn giản vô cùng. Nhưng đồng thời, lại rất sâu sắc. Có một trực giác tâm linh trong cách nó ra đời, và đó là điều khiến nó biểu cảm nhường ấy, gây được tiếng vang nhường ấy. Nó cũng là lý do tại sao mỗi người lại biểu diễn nó theo một cách khác nhau”. Với Passarella, La Cumparsita là “quốc ca tango” của nhân loại.

Nhưng cũng từ sự thành công khổng lồ này (với hơn 2.700 phiên bản ở nhiều ngôn ngữ và phong cách - tính tới nay), cuộc chiến giành bản quyền của La Cumparsita cũng bắt đầu. Rodriquez về sau cũng sáng tác phần lời cho ca khúc với nội dung “cuộc diễu hành của những thống khổ bất tận quanh một sinh vật đau khổ sắp chết vì buồn rầu” nhưng mọi người lại thường nghe bản Si Supieras. Phải sau 2 thập kỷ tranh đấu, Rodriquez cuối cùng mới lấy lại được tên gốc La Cumparsita. Canaro đã ra thỏa thuận ràng buộc vào năm 1948 để chấm dứt các vụ kiện. Di sản của Contursi và đối tác Enrique Maroni sẽ nhận 20% bản quyền, trong khi 80% còn lại thuộc về di sản của Rodriguez. Các bản nhạc sau này sẽ phải in theo bản của Rodriguez, vốn ít được biết tới hơn.

Sau La Cumparsita, Rodriguez cũng viết nhạc cho nhiều vở kịch, chỉ huy dàn tango của riêng mình ở Montevideo. Nhiều bản tango khác của ông cũng lần lượt ra đời nhưng không bản nào vượt qua được bản nhạc giản dị thời mới bước chân qua ngưỡng cửa âm nhạc của ông.

Còn tiếp

Bản tango đầy quyến rũ

La Cumparsita được biết tới rộng rãi tại Việt Nam qua bản lời Việt Vũ nữ thân gầy của Phạm Duy. Bản Việt hóa này đã được nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện như Thanh Lan, Thanh Thảo và đặc biệt là Khánh Ly. Ca từ của Vũ nữ thân gầy không giống với nguyên tác của Rodriguez, cũng chỉ giống bản Si Supieras ở tinh thần hoài nhớ quá khứ. Nó nói về một nàng vũ nữ thân gầy.

Tuy nhiên, ca khúc lại nằm trong số những bản chuyển ngữ mà nhạc sĩ Phạm Duy tâm đắc nhất. Lý do là bởi ca từ chất chứa nét gì đó rất Á đông, rất Việt Nam, dù tới từ một đất nước, văn hóa xa lạ.

Nhưng khác với những bản nhạc ngoại khác, La Cumparsita còn được nhiều người Việt Nam biết đến với phiên bản hòa tấu, nó là bản nhạc tango được ưa chuộng vào bậc nhất tại các vũ trường. Giai điệu có đoạn thì tiết tấu mạnh mẽ với những dấu lặng ngay đầu ô nhịp, có đoạn phóng khoáng, bay bổng tạo nên sự tương phản đầy quyến rũ…

Thư Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm