I’ll Never Smile Again của Ruth Lowe: Cô gái mở đường cho huyền thoại Sinatra

05/12/2020 07:11 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 27/7/1940, I’ll Never Smile Again trở thành No.1 đầu tiên trên BXH Các bản thu âm bán lẻ bán chạy nhất cả nước của Billboard - BXH âm nhạc chính thức đầu tiên của Mỹ và chính là tiền thân của Hot 100 sau này. Phía sau mọi thành công đều có một câu chuyện, với I’ll Never Smile Again, đó là sự sang trang cho một huyền thoại âm nhạc.

Machine Gun Kelly giành quán quân đầu tiên trên Billboard 200

Machine Gun Kelly giành quán quân đầu tiên trên Billboard 200

Theo Billboard, nam rapper Machine Gun Kelly đã giành được album quán quân đầu tiên trên bảng xếp hạng (BXH) Billboard 200 với Tickets To My Downfall.

Bỏ qua tất cả những số liệu thống kê cơ học, điều lớn lao mà I’ll Never Smile Again mang lại chính là mở đường cho huyền thoại Frank Sinatra.

Nỗi đau của cô gái người Canada

BXH ca khúc danh giá nhất thế giới Billboard Hot 100 tới nay đã ra đời cách đây 8 thập niên, vinh danh 1.114 No.1 - là những ca khúc đình đám nhất tại Mỹ, nhưng thật bất ngờ khi No.1 đầu tiên của nó lại tới từ một cô gái trẻ người Canada. Cô gái đó là Ruth Lowe.

Lowe sinh ra ra Toronto, Canada vào ngày 8/12/1914. Cô khởi nghiệp trong vai trò người quảng cáo các ca khúc thanh thiếu niên, chơi dương cầm tại các cửa hàng âm nhạc ở Toronto để giúp tăng doanh số bán bản nhạc. Nhưng đó không đơn thuần là thú vui nghệ thuật của một cô gái trẻ: Cha qua đời năm cô 16 tuổi và cô trở thành người phải mang đồ ăn về cho mẹ và em gái. Là một người yêu âm nhạc, quảng cáo nhạc không phải là một việc tệ, nhưng dù thế nào, tiền bạc mang về chẳng nhiều nhặn. Thế nên, vào buổi tối, cô phải chơi dương cầm đệm cho ca sĩ ở các hộp đêm tại Toronto và hát trong bộ ba Shadows on CKNC.

Năm 1936, khi Lowe 21 tuổi đang làm việc ở Song Shop tại Toronto thì nhóm nhạc nữ của Ina Ray Hutton - The Melodears - tới thành phố diễn và bất ngờ vào phút cuối phải tìm người thay thế dương cầm thủ bị bệnh. 2 yêu cầu được đưa ra: Phải là một người đẹp tóc vàng và biết chơi dương cầm. Ina Ray cùng nhóm tình cờ đi qua Song Shop và nhận thấy quý cô Lowe đáp ứng cả 2 yêu cầu này. Lowe có được hợp đồng biểu diễn như thế.

Chú thích ảnh
Chân dung người phụ nữ mở đường cho thành công vĩ đại của Sinatra - Ruth Lowe

Và thế là Lowe, từ một cô gái nhỏ ở Toronto, nay đi khắp nơi lưu diễn. Năm 1938, cô phải lòng phóng viên âm nhạc người Chicago tên Harold Cohen. Họ có hạnh phúc viên mãn nhưng chỉ trong… 1 năm. Trong một ca phẫu thuật thông thường, Cohen bất ngờ qua đời vì suy thận. Quá đau đớn, Lowe rời nhóm The Melodears và trở về quê nhà Toronto, trong căn hộ tầng 3 của gia đình ở đối diện công viên Christie Ptts, nơi cô ngày ngày nhìn thấy các cặp đôi trẻ tay trong tay dạo bước.

Một ngày nọ, cô nói với em gái rằng cô sẽ không bao giờ cười nữa khi không còn Harold. Và, ngay trong giai đoạn đau đớn đó, máu nghệ sĩ trong cô vẫn tràn trề. Vào một đêm của tháng 6/1939 đó, cô đã ngồi xuống bàn và viết: “Em sẽ không bao giờ cười nữa. Cho tới khi em được cười với anh”. Đó chính là mở đầu của bài hát I’ll Never Smile Again.

Mở đường cho Frank Sinatra

Công chúng lần đầu được nghe I’ll Never Smile Again trên chương trình Music By Faith của đài CBC, do Percy Faith - một người Canada khác cũng rất thành công ở phía Nam biên giới - cải soạn và chỉ huy. Năm đó (1939), huyền thoại jazz người Mỹ Tommy Dorsey đang ở Toronto để chơi ở Triển lãm Quốc gia Canada và lưu lại Royal York. Nhờ vài mối quan hệ - em gái June của Ina Ray Hutton hát cùng nhóm Pied Pipers có quan hệ với Dorsey - Lowe có cơ hội hòa âm cùng người đàn ông tiếng tăm này.

Nhiều tháng sau, trở lại New York, Dorsey đã cho dương cầm thủ của mình một bước lên mây. Cùng năm đó, năm 1940, ban nhạc Sentimental Gentleman của ông có giọng ca mới, một chàng gầy gò tới từ New Jersey. Đó chính là Frank Sinatra. Sinatra nhớ lại về lần đầu nghe I’ll Never Smile Again: “Chúng tôi đang diễn tập vào một chiều thứ Bảy, trên sân thượng của khách sạn Astor thì Tommy yêu cầu Joe Bushkin chơi ca khúc. Tôi nhận thấy mọi người bỗng đột nhiên im bặt, cả dàn nhạc ngồi lặng đi khi ông ấy chơi. Có một cảm giác kỳ quái lan truyền, như thể tất cả chúng tôi đều biết đây sẽ là một hit rất, rất lớn và đó là một ca khúc đáng yêu”.

Chú thích ảnh
Sau “I’ll Never Smile Again”, Lowe còn viết cho Sinatra một hit lớn khác mà ông sẽ mang theo xuống mồ

Thế là, Dorsey yêu cầu saxophone Freddie Stulce cải soạn ca khúc. Ngày 23/4/1940, khi ban nhạc có 20 phút rảnh rỗi sau khi kết thúc buổi thu âm và không còn ca khúc nào nữa, Stulce nói: “Chà, tôi đã cải soạn xong ca khúc của cô gái ở Canada”.

“Thế hãy thử xem nào” - Dorsey nói. Và họ đã thử. Khi Sinatra nhìn thấy có cây đàn celesta ở góc phòng, ông đã gợi ý Joe Bushkin, dương cầm thủ, chèn nó vào những chỗ cần thiết. Tiếng celesta - kỳ quái và thanh tao - đã làm nên bản thu.

Ban nhạc của Dorsey đã làm nên cái mà học giả Sinatra Will Friedwald gọi là “tốc độ rùa bò” - nó chậm một cách nhức nhối, không chỉ chậm hơn nhạc swing, những bản ballad nhịp cố định hay thậm chí là ballad chậm, mà nó còn chậm hơn bất cứ thứ gì thời điểm đó.

Tuy nhiên, nó lại có hiệu quả: Sự “kỳ quái” của nó thật đau lòng. Thay vì dùng mẫu AABA thông thường - chủ đề chính, lặp lại, phần giữa và trở lại chủ đề chính - thì nó là ABAC. Nó được viết đẹp và tự tin tới độ chẳng ai màng tới cấu trúc. I’ll Never Smile Again không chỉ là No.1 đầu tiên của Billboard, nó còn giữ vị trí này trong 12 tuần! Và hơn thế, rộng cửa cho một huyền thoại ra đời: Frank Sinatra.

Có nhiều giả thuyết cho thành công đình đám của I’ll Never Smile Again. Có lúc, người ta cho sự nổi tiếng này là nhờ tin đồn lan rộng rằng người chồng quá cố của Lowe là một phi công chết khi tham chiến ở châu Âu. Năm 1940, nên nhớ rằng, Canada đang tham chiến nhưng Mỹ thì không. Tin đồn này ăn sâu tới độ trong phim tài liệu kỷ niệm 100 năm Sinatra; ở giai đoạn cuối đời, bản thân Frank đã đề cập tới chuyện Lowe là vợ góa của một phi công người Canada.

Tuy sự thật không phải như vậy, nhưng theo một nghĩa rộng hơn, bản ballad về tình yêu và mất mát, nỗi cô quạnh đau đớn từ cuộc đời góa bụa, đã đi vào lòng người Mỹ đang trong giai đoạn bấp bênh giữa bắt đầu Thế chiến II với cuộc chiến của chính họ. Nó thành công không chỉ bởi nó là giai điệu về mất mát, tình yêu tan vỡ, mà còn bởi nó cho thấy sự mong manh trong tất cả những mối tình thời chiến.

Vì đóng góp của Sinatra cho No.1 đầu tiên này, Dorsey đã thưởng anh 25 USD. Nhưng giá trị thật sự mà I’ll Never Smile Again mang lại không thể nào đo đếm được. Không lâu sau đó, ban nhạc xuất hiện trong phim Las Vegas Nights và Sinatra đã hát ca khúc trên màn ảnh lớn.

Sinatra sau này đã ghi âm I’ll Never Smile Again theo lối rất tăm tối khác với Gordon Jenkins vào những năm 1950, và lần nữa vào thập niên 1960 và 1970. Ngay khi còn trẻ, Sinatra đã hiểu rõ được sức mạnh của ca khúc nhỏ bé này. Nó chính là điểm tựa, để ông nâng bổng cả sự nghiệp vĩ đại sau này.

Nụ cười khép lại

Bất chấp thành công ngoài sức tưởng tượng của I’ll Never Smile Again, Lowe không theo đuổi cuộc đời hào nhoáng của một nhạc sĩ mà quyết định trở thành vợ một nhà môi giới chứng khoán ở Toronto, cùng nhau chăm sóc và nuôi dạy con cái. Nhưng 3 năm sau I’ll Never Smile Again, trước sự nhờ vả của Sinatra, Lowe đã viết thêm một hit khác, dùng để khép lại các buổi hòa nhạc, là Put Your Dreams Away. Vẫn mang một vẻ man mác như “tiền bối” nhưng ca khúc lần này sáng lên hy vọng và lạc quan về tương lai. Sinatra đã giữ 2 báu vật này cho tới cuối sự nghiệp.

Vào ngày 13/6/1971, ở tuổi 55, Sinatra chán nản với ngành công nghiệp âm nhạc nên đã quyết định tổ chức “hòa nhạc nghỉ hưu”. Trong hàng ngàn ca khúc từng hát, ông chỉ chọn ra 1 tá có nhiều ý nghĩa nhất, trong đó có I’ll Never Smile Again.

Khi quay trở lại, đây tiếp tục là ca khúc ông hát tới khi qua đời. Còn khi ông qua đời vào năm 1998, một trong những ca khúc đầu tiên người ta bật trong tang lễ là I’ll Never Smile Again, như một lời từ biệt, và sau đó là Put Your Dreams Away, như một nụ cười sau cuối.

Thư Vĩ

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm