Giải BAFTA 2021: Anthony Hopkins – 'Gừng càng già càng cay'

13/04/2021 18:40 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Tại lễ trao giải BAFTA 2021 (London, tối 11/4 theo giờ địa phương), Anthony Hopkins đã trở thành ngôi sao lớn tuổi nhất đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong lịch sử giải thưởng điện ảnh nổi tiếng nhất Anh quốc.

'Nomadland' thắng lớn tại lễ trao giải điện ảnh BAFTA 

'Nomadland' thắng lớn tại lễ trao giải điện ảnh BAFTA 

Tác phẩm "Nomadland" của nữ đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Chloe Zhao đã giành chiến thắng lớn tại lễ trao giải thưởng điện ảnh BAFTA diễn ra vào rạng sáng 11/4 theo giờ Việt Nam.

Ở tuổi 83, diễn viên gạo cội xứ Wales không có mặt tại lễ trao giải vì một lý do độc đáo: Ông không mong đợi chiến thắng nên đã đi ở xứ Wales và dành thời gian cho thú vẽ tranh của mình.

Chiến thắng không mong đợi

“Chiến thắng này thật tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được vinh danh một cách đầy bất ngờ” - Hopkins nói về giải BAFTA thứ 4 của mình. “Tôi thật sự kinh ngạc khi đang ngồi vẽ tranh và bỗng thấy những tiếng cổ vũ vang lên bên cạnh mình như trong một trận bóng đá”.

Trong The Father (Người cha), bộ phim giúp ông giành giải thưởng năm nay, Hopkins hóa thân vào vai một người cha từ chối mọi sự trợ giúp từ con gái mặc cho tuổi tác bắt đầu làm ông lú lẫn. Khi cố gắng hiểu rõ hoàn cảnh của mình, ông bắt đầu nghi ngờ những người thân yêu, nghi ngờ tâm trí và sự tồn tại của chính mình.

Chú thích ảnh
Sir Anthony Hopkins trong phim “The Father”

Trước đó, sau Liên hoan phim Sundance hồi đầu năm, tờ Vanity Fair mô tả màn diễn xuất của Hopkins trong phim The Father “vô cùng xuất sắc, và nó giúp bạn hiểu tại sao Hopkins có được sự kính trọng tuyệt đối trong bấy lâu nay”.

Có thể khẳng định rằng Hopkins là diễn viên vĩ đại bậc nhất trong thế hệ của mình. Bất cứ ai theo dõi Anthony Hopkins trên Instagram đều biết ông là người đa tài. Ngoài nghiệp diễn xuất, ông còn đam mê cầm cọ vẽ, sáng tác nhạc, viết văn. Nhiều người được thấy Hopkins hồn nhiên chơi piano cho chú mèo cưng Niblo trong ngôi nhà của ông ở Malibu hay thấy Hopkins “ngốc nghếch” thể hiện điệu nhảy Drake trên TikTok; bắt chước giọng của các ngôi sao phim hành động Slyvester Stallone và Arnold Schwarzenegger...

Còn trong điện ảnh, Hopkins nổi tiếng về sự chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cho các vai diễn. Trong các cuộc phỏng vấn, Hopkins luôn nói rằng một khi chấp nhận tham gia dự án nào đó, ông luôn đọc lời thoại của mình nhiều lần nếu cần (đôi khi lên đến 200 lần) cho đến khi lời thoại trở nên tự nhiên với ông, để ông có thể “nói lời thoại mà không cần suy nghĩ”.

Hopkins giữ cho trí nhớ của mình luôn dẻo dai bằng cách học thuộc lòng những thứ như thơ và Shakespeare. Cụ thể, khi quay phim Amistad của Steven Spielberg (1997), Hopkins đã khiến cả ê-kíp làm phim kinh ngạc khi nhớ hết bài phát biểu dài 7 trang trong phòng xử án và chỉ cần quay một lần.

Chú thích ảnh
Anthony Hopkins trong xưởng vẽ Tara Arroyave của mình tại nhà riêng ở Malibu

Diễn viên vĩ đại nhất trong thế hệ của mình

Philip Anthony Hopkins CBE sinh ngày 31/12/1937, là con trai của một thợ làm bánh. Mẹ Hopkins đã khuyến khích con trai theo đuổi con đường âm nhạc và mua cho ông một cây đàn piano khi còn nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Âm nhạc & Kịch nghệ Hoàng gia xứ Wales năm 1957, Hopkins được đào tạo tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu Hoàng gia ở London, và sau đó được Laurence Olivier mời tham gia Nhà hát Quốc gia Hoàng gia vào năm 1965. Tuổi trẻ và đầy tham vọng, Hopkins nhanh chóng nổi danh.

Trong cuốn tự truyện của mình, Olivier nhớ lại việc phải giao vai Edgar trong The Dance Of Death (Vũ điệu tử thần) của Strindberg cho Hopkins vì mình bị đau ruột thừa: “Một diễn viên trẻ mới với triển vọng đặc biệt tên là Anthony Hopkins đã đóng thay tôi vai Edgar mà không gặp chút khó khăn gì”.

Chú thích ảnh
"The Hopkins Family" – bức tranh do Anthony Hopkins vẽ về gia đình mình

Tại sân khấu này, Hopkins đã xuất hiện trong King Lear, vở kịch Shakespeare yêu thích của ông. Rồi, theo “tiếng gọi” của Hollywood, Hopkins quyết định từ giã sân khấu và vở kịch sân khấu cuối cùng mà ông tham gia diễn xuất là vở M. Butterfly ở West End vào năm 1989. “Tôi không hối hận khi rời khỏi rạp hát. Tôi cảm thấy mình không thể đứng mãi trên sân khấu” - Hopkins trả lời trong một bài phỏng vấn.

Năm 1968, Hopkins giành được sự công nhận trong điện ảnh, với vai Richard the Lionheart trong The Lion In Winter. Vào giữa những năm 1970, Richard Attenborough, đạo diễn 5 bộ phim có sự tham gia của Hopkins, đã gọi ông là “diễn viên vĩ đại nhất trong thế hệ của mình”.

Năm 1991, Hopkins đóng vai Hannibal Lecter trong The Silence Of The Lambs - vai diễn đã đem về cho ông giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Ông đã thể hiện lại vai diễn trong phần tiếp theo của nó là Hannibal Red Dragon tiền truyện.

Đa tài

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2002, Hopkins tuyên bố “âm nhạc mới là mối tình đầu tiên của tôi”.

Năm 1986, Hopkins phát hành đĩa đơn mang tên Distant Star. Nhạc phẩm này đã lọt vào vị trí thứ 75 trong bảng xếp hạng đĩa đơn của Anh. Năm 2007, Hopkins tuyên bố tạm thời giã từ màn ảnh để lưu diễn vòng quanh thế giới. Hopkins đã soạn nhạc thính phòng, với sự hợp tác của Stephen Barton, và đã cho ra đời những tác phẩm như The Masque Of Time, được công diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Dallas hồi tháng 10/2008, và Schizoid Salsa.

Chú thích ảnh
Một bức tranh do Anthony Hopkins vẽ

Hồi tháng 1/2012, Hopkins phát hành album nhạc cổ điển gồm 9 nhạc phẩm mang tên Composer. Album này đã được Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố Birmingham trình diễn và phát hành trên CD qua đài phát thanh Classic FM của Vương quốc Anh.

“Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ dương cầm và nhờ sự may mắn và tình cờ mà tôi đã trở thành một diễn viên” - Hopkins nói và cho biết khi nhỏ ông còn thích vẽ và luôn hào hứng với ý tưởng trở thành một họa sĩ vẽ tranh biếm họa. “Tôi đã gặp một người đàn ông từ Western Mail, anh ta là một nghệ sĩvẽ tranh biếm họa và anh ta nói rằng nếu muốn trở thành họa sĩ cần phải có kỹ năng tuyệt vời. Vì vậy tôi đã từ bỏ ý định cầm cọ vẽ…”.

Sau khi nghe lời tuyên bố đó, Hopkins đã mất nửa thế kỷ để cầm lại cọ vẽ nhờ sự khuyến khích từ người vợ thứ 3 của ông - Stella Arroyave. Hopkins kể, sau khi nhìn thấy những nét vẽ nguệch ngoạc mà ông vẽ trên kịch bản phim của mình, vợ ông đã nói: “Anh nên vẽ, cứ làm đi”.

“Với âm nhạc cũng vậy. Arroyavenghe thấy tôi chơi một bản nhạc và nói: Chà, anh phải tiếp tục. Vì vậy, tôi đã sáng tác. Arroyave sau đó gửi bản nhạc cho André Rieu (nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Hà Lan) và ông ấy đã chơi bản nhạc của tôi. Kể từ đó, tôi bắt đầu sáng tác nhiều hơn”.

Nhiều bức tranh của Hopkins là những tác phẩm theo trường phái biểu hiện đầy ám ảnh. Ngoài ra còn có tranh phong cảnh. “Tôi không được học vẽ đến nơi đến chốn và tôi không thể ngồi trong một lớp học nghệ thuật để vẽ một quả táo” - Hopkins từng chia sẻ. “Lúc đầu, tôi nghĩ tôi không thể vẽ. Nhưng dường như tôi nghe thấy có ai đó nói: Thôi, cứ tự nhiên đi, sẽ không ai tống bạn vào tù nếu bạn vẽ xấu”.

Và cứ thế, Hopkins vẫn chuẩn bị cẩn thận cho các vai diễn mới song song với việc vẽ tranh, chơi piano, viết kịch bản phim lấy bối cảnh ở xứ Wales… “Hãy cứ tươi vui và thoải mái, đó là tất cả những gì bạn có thể làm” - Hopkins nói.

Trailer phim "The Father":

Bộ sưu tập giải thưởng

Trong sự nghiệp sáng chói của mình, Anthony Hopkins đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm 1 giải Oscar, 4 giải BAFTA, 2 giải Emmy và giải thưởng Cecil B. DeMille. Năm 1993, ông được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vì những hoạt động phục vụ nghệ thuật. Hopkins đã được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood vào năm 2003 và vào năm 2008, ông nhận được Học bổng BAFTA cho thành tựu trọn đời từ Học viện Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh.

Bên cạnh đó, Hopkins đã được đề cử 5 giải Oscar cho các bộ phim: The Remains Of The Day (1993), Nixon (1995), Amistad (1997), The Two Popes (2019) và The Father (2020).

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm