Gia tăng cấp độ toàn cầu của 'Làn sóng Hàn'

28/09/2021 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Với tấm hộ chiếu ngoại giao màu đỏ do đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trao, các siêu sao K-pop BTS đã hạ cánh tại New York (Mỹ) hôm 20/9 để tham dự kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ). Đó là một sự kiện đặc biệt, để chúng ta nhìn lại câu chuyện về “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc những năm qua.

'Dynamite' của BTS lọt Top 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone

'Dynamite' của BTS lọt Top 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone

BTS một lần nữa làm nên lịch sử khi có mặt trong danh sách danh giá nhất của tạp chí âm nhạc uy tín hàng đầu thế giới.

Tại kỳ họp này, BTS đã có những phát biểu về biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, tiêm chủng và các vấn đề mà thế hệ thanh niên hiện nay phải đối mặt. Họ cũng mang tới phiên bản mới của MV Permission to Dance, được quay ngay tại khuôn viên của trụ sở LHQ.

Chuyến đi đặc biệt

Lần thứ 3 có mặt tại trụ sở LHQ, không ai có thể phủ nhận sức hút đến từ 7 idol đình đám. Thống kê ghi nhận hơn 1 triệu khán giả đã theo dõi trực tiếp thời khắc họ đứng trên bục phát biểu để truyền tải thông điệp về hy vọng và sức mạnh cho thanh thiếu niên toàn thế giới.

Thành viên Jungkook cho biết anh cảm thấy “rất đau lòng” khi các chuyến lưu diễn của nhóm cũng như nhiều sự kiện lớn khác dành cho giới trẻ bị hủy bỏ.

Chú thích ảnh
BTS phát biểu tại trụ sở chính LHQ năm 2021

“Tôi rất buồn khi biết các lễ nhập học và lễ tốt nghiệp phải bị hủy bỏ” - anh nói - “Đó đều là những khoảnh khắc mà bạn muốn lưu lại kỷ niệm trong cuộc sống và việc bỏ lỡ chúng chắc hẳn khiến các bạn rất buồn”.

Giống như Greta Thunberg 3 năm trước hay Malala Yousafzai vào năm 2013, các thành viên BTS đã tận dụng cơ hội đứng trước những nhà lãnh đạo thế giới để bày tỏ một cách rõ ràng về cảm giác của một người trẻ ngày nay. Họ trải lòng về cảm giác "hoang mang và rắc rối" phải chịu đựng trong 2 năm qua, kể lại nỗi buồn mà nhiều người hâm mộ đã cảm thấy khi chứng kiến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời bị hủy bỏ và mô tả "cảm giác sợ hãi xâm lấn" chính họ.

Nhưng đến cuối cùng, một thông điệp nổi bật được ban nhạc xứ kim chi nhấn mạnh: Họ mong tất cả sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn thời đại, và không muốn thế hệ trẻ bị coi là những người “lạc lối” vì Covid-19.

Kim Seokjin, được biết đến với nghệ danh Jin, bày tỏ: “Thay vì “thế hệ lạc lối”, một cái tên thích hợp hơn sẽ là “thế hệ của sự chào đón”. Bởi lẽ thay vì sợ hãi sự thay đổi, thế hệ này sẽ nói “chào đón” rồi tiếp tục tôi luyện để tiến về phía trước”.

Chú thích ảnh
BTS mặc hanbok cách tân, biểu diễn hit “IDOL” cho chương trình “The Tonight Show Starring Jimmy Fallon”

Nhìn chung, trong khuôn khổ chuyến đi lần này, BTS đã làm tốt 2 vai trò mà họ được kỳ vọng. Đó là việc thu hút sự quan tâm của giới trẻ với kỳ họp cấp cao của ĐHĐ LHQ, đồng thời thay mặt họ nói lên tâm tư trước các nhà lãnh đạo thế giới.

Đây cũng không phải lần đầu tiên nhóm góp sức cho tổ chức liên Chính phủ này. Trước đó, vào năm 2018, BTS được công nhận là những người có tầm ảnh hưởng toàn cầu và được mời tới trụ sở LHQ để chia sẻ về chiến dịch Love Myself (Yêu bản thân) nhằm chấm dứt nạn bạo lực thanh thiếu niên. Sau đó, họ trở lại vào năm 2020 với một bài phát biểu trực tuyến truyền cảm hứng trong bối cảnh thế giới lao đao vì sự xuất hiện của dịch Covid-19.

Cảm hứng bất tận cho xứ kim chi

Sự hiện diện của nhóm nhạc K-pop đình đám tại một trong những diễn đàn chính trị lớn nhất thế giới có thể coi là hiện thân của "sức mạnh mềm" thông qua ngoại giao văn hóa, điều mà chính phủ Hàn Quốc đã không ngừng khuyến khích và thúc đẩy trong những năm qua.

Nói cách khác, Bangtan Sonyeondan (BTS) với 7 thành viên - Kim Namjoon, Kim Seokjin, Min Yoongi, Jung Hoseok, Park Jimin, Kim Taehyung, Jeon Jungkook - đã trở thành một trong những minh chứng thành công hơn cả của "làn sóng Hallyu" hay còn là "làn sóng Hàn Quốc" - khái niệm chỉ sự phổ biến toàn cầu của các mặt hàng xuất khẩu văn hóa đại chúng từ quốc gia này như K-pop (nhạc), K-drama (phim) cùng nhiều sản phẩm giải trí khác.

Chú thích ảnh

Dù ban đầu chỉ giới hạn ở Đông Á, sự gia tăng trên cấp độ toàn cầu của “làn sóng Hallyu” đã đánh dấu cột mốc mới với văn hóa Hàn Quốc. Nó đã phát triển từ những gì được yêu thích trong khu vực thành xu hướng giải trí trên khắp thế giới, với phương tiện truyền thông xã hội và internet đóng vai trò to lớn trong quá trình lan truyền.

Thành công của BTS là điều chưa từng có đối với một nhóm nhạc K-pop và là một ví dụ cho thấy "sức mạnh mềm" của Hàn Quốc đã vượt qua ranh giới văn hóa, đồng thời giúp đất nước này tiếp cận và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nghèo đói, phát triển bền vững… như thế nào.

Nhìn lại cả quá trình, ngay khi ra mắt năm 2013, BTS đã trở thành nhóm nhạc đầu tiên đứng đầu BXH Mỹ với 3 album trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ sau giai đoạn thống trị của The Beatles.

Những gì họ đạt được không chỉ là thành tích riêng mà còn tạo động lực cho nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và châu Á. Việc đĩa đơn tiếng Anh Dynamite giúp BTS chiếm ngôi đầu Billboard và phá vỡ nhiều kỷ lục vào năm ngoái là ví dụ sinh động, cho thấy khán giả yêu thích K-pop và nghệ sĩ châu Á hoàn toàn có thể làm nên chuyện trên BXH vốn được xem là nơi thống trị tuyệt đối của các nghệ sĩ phương Tây.

BTS cũng biểu diễn tại một số địa điểm nổi tiếng nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch của quê hương, với một tòa nhà chọc trời ở Seoul trở thành bối cảnh cho màn trình diễn tại Grammy năm 2021, hay thắp sáng Cung điện Gyeongbokgung với hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) khi xuất hiện trong chương trình giải trí của Jimmy Fallon.

Thực ra 7 idol nhà Bighit Music không phải là những nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên được quốc tế công nhận. Chúng ta không thể phủ nhận thành tích của thế hệ tiền bối, ví dụ như Psy với Gangnam Style. Nhưng rõ ràng là thành công của BTS, với cộng đồng hâm mộ (ARMY) ước tính lên tới 90 triệu người hiện diện ở nhiều quốc gia, đã đóng vai trò đáng kể trong việc phổ biến văn hóa đương đại của Hàn Quốc ra toàn thế giới, đồng thời mở đường cho các nghệ sĩ đồng hương khác vươn ra sân khấu thế giới.

Mang lại nguồn thu 3,6 tỷ USD/năm cho Hàn Quốc

Ảnh hưởng của BTS đối với nền kinh tế Hàn Quốc cũng là điều khó có thể bỏ qua. Theo Viện nghiên cứu Hyundai, nhóm nhạc ước tính mang lại hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm. Ngoài doanh thu bán nhạc, vé xem biểu diễn và hàng hóa liên quan, con số trên cũng phản ánh chiều đi lên của lượng khách du lịch đến quốc gia này nhờ mối quan tâm đến 7 thành viên. Từ đồ ăn Hàn Quốc, địa điểm du lịch, đến quần áo và mỹ phẩm, bất cứ thứ gì BTS quảng cáo đều đạt được sự công nhận ngay lập tức nhờ mạng xã hội và chúng thường nhanh chóng “cháy hàng” sau đó.

(Còn tiếp)

Duy An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm