Đại siêu phẩm... suýt xóa sổ hãng phim 20th Century Fox

11/06/2013 13:48 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) -Ngày 21/5 vừa qua, các con của Elizabeth Taylor và Richard Burton đã chủ trì buổi chiếu lại phiên bản phục chế của đại siêu phẩm điện ảnh Cleopatra tại LHP Cannes 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt bộ phim (12/6/1963) tới đây.

Ngày 22/5, hãng 20th Century Fox đã phát hành giới hạn phiên bản này ở 200 rạp trên thế giới. Theo đó là bộ đĩa Blu-ray đánh dấu cột mốc tròn nửa thế kỷ của bộ phim (1963 – 2013).

Dưới đây là những con số biết nói, và những câu chuyện ít người biết đến về bộ phim suýt nữa xoá sổ hãng phim lừng danh 20th Century Fox!

Những chuyện bên lề tiết lộ sau 50 năm

Hợp đồng của Elizabeth Taylor cho bà quyền chọn đạo diễn. Khi đạo diễn Rouben Mamoulian rút lui, Liz chỉ chấp thuận 2 người ngồi ghế đạo diễn: George Stevens và Joseph L.Mankiewicz. Stevens khi ấy đang vướng bộ phim The Greatest Story Ever Told, nên Mankiewicz là sự lựa chọn duy nhất.

Nhạc sĩ Alex North được chọn soạn nhạc nền cho bộ phim sau khi Christopher Mankiewicz, con trai của đạo diễn Joseph L.Mankiewicz, đề nghị bố Joseph chọn Alex vì ông rất xuất sắc khi soạn nhạc nền cho bộ phim sử thi La Mã, Spartacus (1960).

Kịch bản Cleopatra hoàn chỉnh dày cộm như cuốn danh bạ điện thoại thành phố Beverly Hills!

Quá trình sản xuất tốn kém phải cần nhiều gỗ xẻ và nguyên liệu thô tới mức, vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm trên khắp nước Ý.

Sau mỗi ngày quay dài, Joseph L.Mankiewicz thường lui ngay về phòng riêng để tiếp tục viết lại kịch bản. Lúc đầu ông đã xin nghỉ một thời gian để viết lại cho xong kịch bản nhưng Hãng 20th Century-Fox đã lún sâu vào nợ nần tới mức họ không thể cho phép trì hoãn thêm nữa trong quá trình sản xuất. Làm việc dưới những điều kiện căng thẳng này, Mankiewicz phải được tiêm thuốc hàng ngày để ông có thể tỉnh táo làm việc liên tục vào ban ngày và tiêm loại thuốc khác vào ban đêm để giúp ông ngủ ngon.




Đạo diễn Joseph L.Mankiewicz bị sa thải trong giai đoạn biên tập/hậu kỳ. Nhưng vì thực sự không có kịch bản phân cảnh (Mankiewicz vừa viết kịch bản vừa quay phim), nên Hãng 20th Century-Fox nhận ra rằng chỉ có Mankiewicz mới có thể ráp nối các cảnh lại với nhau. Ông được mời trở lại để hoàn tất dự án.

Khi quay cảnh xa giá lộng lẫy hoành tráng của nữ hoàng Cleopatra tiến vào thành Rome, hàng ngàn diễn viên quần chúng kéo một chiếc kiệu khổng lồ ở phim trường Cinecitta (Ý), đã kêu trời, khi đạo diễn Mankiewicz dừng quay cảnh đó giữa chừng, lệnh cho mọi người và chiếc kiệu trở về vạch xuất phát để quay lại cảnh đó - nguyên do, lọt vào ống kính máy quay là một diễn viên quần chúng đang tranh thủ… bán kem Ý Gelato cho các bạn diễn quần chúng khác, trong cái nóng oi bức của mùa hè Roma!

Để ánh sáng có thể chiếu trực tiếp vào nhân vật Cleopatra. Cảnh Cleopatra tiến vào Rome và cảnh đoàn tùy tùng đi phía trước long xa của bà, đã được bấm máy cách nhau đến vài tháng. Dẫn tới việc cậu bé người Mỹ đóng vai đứa con trai 4 tuổi của nữ hoàng đã cao lớn hơn trong thời gian bộ phim trì hoãn, nên phải thay bằng cậu bé người Italy!

Một nhóm nữ diễn viên quần chúng đóng vai các người hầu và nô tì của Cleopatra đình công để yêu cầu được bảo vệ khỏi các nam diễn viên quần chúng “có máu dê” của Italy, vì ngón tay của họ hay véo mông phụ nữ. Hãng phim phải thuê một vệ sĩ đặc biệt để bảo vệ các nữ diễn viên quần chúng này.

Khi đoàn phim cho xây bối cảnh thành phố Alexandria cổ đại tại đô thị Anzio (Ý), vài công nhân xây dựng bị thiệt mạng do một quả mìn sót lại từ Thế chiến thứ nhất phát nổ.

Lúc đầu Ai Cập từ chối cho phép Elizabeth Taylor vào nước này vì bà theo đạo Do Thái. Họ thay đổi quyết định sau khi nghĩ đến hàng triệu USD mà bộ phim sẽ đem lại.

Gần cuối quá trình sản xuất, nhà sản xuất Walter Wanger bị sa thải khỏi bộ phim. Cleopatra đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp điện ảnh của ông.

Nam diễn viên Roddy McDowell (đóng xuất sắc vai hoàng đế Octavian Augustus), nhưng không được đề cử giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, do sai sót đáng tiếc của hãng 20th Century-Fox ghi nhầm ông thủ vai nam chính thay vì vai nam phụ. Khi hãng này đính chính và đề nghị Viện Hàn lâm sửa lại thì bị từ chối, với lý do các lá phiếu đã lỡ in rồi. Hãng Fox sau đó phải đăng một lá thư công khai xin lỗi McDowell trên báo chí.

Trong số các yêu cầu của Elizabeth Taylor, có yêu cầu bộ phim phải được quay bằng hệ thống máy quay Todd-AO với phim nhựa khổ lớn. Bà sở hữu bản quyền của hệ thống này với tư cách là quả phụ của Michael Todd. Điều này đồng nghĩa với việc Taylor được trả thêm tiền.

Cleopatra bị xem là một trong những nhân tố dẫn đến sự cáo chung của loại phim sử thi La Mã hoành tráng rất được Hollywood ưa chuộng từ cuối thập niên 1950.

Những con số biết nói

Lúc đầu Cleopatra được hình dung là một dự án khiêm tốn có kinh phí 2 triệu USD và do Joan Collins thủ vai chính. Tuy nhiên, ngay khi Elizabeth Taylor được phân vai, bộ phim bị biến thành một bộ phim sử thi đồ sộ tốn kém đến 44 triệu USD và mất gần 3 năm quay. Nếu được điều chỉnh theo thời giá hiện nay, thì đây là một trong những bộ phim tốn kém nhất được thực hiện. Kinh phí 44 triệu USD của bộ phim tương đương 297 triệu USD theo thời giá năm 2007.

Cát-sê một triệu USD mà Liz Taylor đòi là mức thù lao chưa từng có vào thời đó, nhưng đã được Hãng Fox chấp thuận. Năm 1959, buổi lễ ký hợp đồng thủ vai Cleopatra trở thành một sự kiện lịch sử, và Elizabeth Taylor trở thành ngôi sao Hollywood đầu tiên nhận thù lao một triệu USD chỉ cho một bộ phim.

Hợp đồng của Liz Taylor quy định rằng thù lao kỷ lục một triệu USD của bà phải được tính như sau: 125.000 USD/tuần cho 16 tuần quay, cứ một tuần quay lố là phải thêm 50.000/tuần, cộng thêm 10% doanh thu (không tính điểm hòa vốn). Khi bộ phim được khởi quay lại tại Rome vào năm 1961, bà đã bỏ túi hơn 2 triệu USD. Tổng cộng, bà thu về 7 triệu USD (tương đương khoảng 29 triệu năm 2009), một con số khổng lồ, nhờ tham gia bộ phim này.

Bộ phim được khởi quay vào năm 1960 tại Anh. Nhưng thời tiết khắc nghiệt ở đó đã quật ngã Liz khiến đoàn phim phải ngưng quay mấy tháng liền, bởi Liz xuất hiện trong hầu hết các cảnh quay. Ngày 3/1/1961, đạo diễn Rouben Mamoulian bỏ cuộc. Khi đạo diễn Joseph L.Mankiewicz tiếp quản, đoàn phim phải chuyển sang Roma (Ý) và quay lại từ đầu, và Hãng Fox đã mất trắng 5 triệu USD mà chưa làm được trò trống gì!

Tất cả các bối cảnh và đạo cụ công phu và cầu kỳ của bộ phim đều phải được xây dựng 2 lần. Trong đó, riêng bối cảnh đồ sộ của thành phố Alexandria cổ đại, nhà thiết kế sản xuất John DeCuir đã phải xây đến 3 lần!

194.800 USD chi phí cho trang phục của Elizabeth Taylor trong phim này là cao nhất từ trước tới nay dành cho một vai diễn (tính trượt giá đến nay). Trong số 65 bộ trang phục của nữ hoàng Cleopatra (một kỷ lục), có một bộ được làm bằng vàng 24 carat.

79 bối cảnh được xây dựng cho bộ phim.

26.000 bộ trang phục được tạo ra cho bộ phim.

Chiếc thuyền rồng của Cleopatra tốn khoảng 2 triệu USD theo thời giá ngày nay.

Vào giai đoạn đỉnh điểm của sự chi tiêu ngông cuồng, bộ phim này từng có mức chi tiêu đến 70.000 USD/ngày.

Tàu thuyền được dùng cho cảnh mô tả hạm đội của Cleopatra nhiều tới mức, nó được mô tả vui là hãng 20th Century-Fox… có hạm đội lớn thứ 3 trên thế giới!

Quảng trường La Mã được xây tại trường quay Cinecitta to gấp 3 lần kích thước của quảng trường La Mã thật.

Tổng cộng 10 người nhận giải Oscar Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất (màu) cho bộ phim này (7 người chỉ đạo mỹ thuật, 3 người trang trí bối cảnh; đây là số lượng người đông nhất cùng đoạt một giải Oscar trong một hạng mục.

Đây là phim đầu tiên trong số 11 bộ phim chiếu rạp mà Elizabeth Taylor và Richard Burton đóng chung với nhau sau này.

Đạo diễn Joseph L.Mankiewicz đã hy vọng bộ phim sẽ được phát hành như là 2 bộ phim riêng lẻ, Caesar and Cleopatra và sau đó là Anthony and Cleopatra. Mỗi phần dài xấp xỉ 3 giờ đồng hồ. Nhưng Darryl Zanuck, chủ tịch mới của Hãng Fox, cho rằng chuyện “phim giả tình thật” của Elizabeth Taylor và Richard Burton đang “sốt” trong công chúng nên họ sẽ chỉ xem phần 2 chứ không xem phần 1. Do đó bộ phim ra rạp đã bị hãng phim cắt xén xuống còn chỉ hơn 4 giờ đồng hồ. Theo đạo diễn Joseph L.Mankiewicz, nhiều cảnh hay nhất đã bị cắt và bị mất từ 90 - 120 phút các đoạn phát triển tính cách nhân vật và chuyện phim.

Đạo diễn Joseph L.Mankiewicz gọi bộ phim này là bằng “3 bộ phim gian truân mà tôi từng thực hiện”. Ông không bao giờ tự hào về Cleopatra và chỉ nhận làm vì nể bạn thân của mình là Elizabeth Taylor. Thậm chí có lúc, ông còn yêu cầu bỏ tên mình ra. Tuy nhiên, ông được trả thù lao đến 3 triệu USD, một mức thù lao cao chưa từng có vào thời đó dành cho một đạo diễn.

Chiến dịch tiếp thị của Hãng Fox thành công tới mức bộ phim cháy vé suốt 4 tháng liên tiếp. Doanh thu ban đầu của bộ phim tại Bắc Mỹ là 48 triệu USD, cao nhất năm 1963. Tuy nhiên, Hãng Fox chỉ được chia 24 triệu USD trong số tiền ấy (nửa kia là của rạp).

Năm 1966 và năm 1973, Đài truyền hình ABC trả cho Hãng Fox mức giá kỷ lục 5 triệu USD cho 2 lần chiếu bộ phim, một hợp đồng mà cuối cùng cũng đưa bộ phim vào điểm hòa vốn. Hãng Fox “đóng sổ sách kế toán” của Cleopatra, qua đó giữ bí mật tất cả những lợi nhuận của bộ phim trong tương lai để tránh trả cho những ai có thể đã được hứa hẹn trả tỷ lệ phần trăm của lãi ròng.

Bị hầu hết mọi người xem là một trong những bộ phim thất bại nhất mọi thời đại về doanh thu, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác: Cleopatra thu hồi được vốn bất chấp chi phí lớn kinh khủng, nhưng không phải thu hồi vốn ngay mà phải mất vài năm, mặc dù là một trong những bộ phim đạt doanh thu cao nhất thập niên 1960. Suốt một thời gian dài, Hãng 20th Century Fox phải áp dụng các biện pháp quyết liệt cắt giảm chi phí mới có thể tồn tại.

Đạo diễn Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm