Chuyến đi không cuối cùng

01/01/2015 14:15 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Trên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần số 24 (ra ngày 13/6/2014), nhà làm phim Nguyễn Thị Thắm lần đầu tiên chia sẻ về đứa con chị đã “thai nghén” suốt 5 năm -Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm: phim là hành trình ý nghĩa nhất của cuộc đời tôi - thethaovanhoa.vn). Lúc đó chúng tôi không tin được là bộ phim sẽ vượt qua “số phận xếp kho” của các phim tài liệu để đến với đông đảo công chúng nhờ nỗ lực không mệt mỏi của công ty Blue Production.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (gọi tắt là Chuyến đi…) được làm theo phong cách tài liệu trực tiếp, kéo dài từ năm 2009 đến 2014. Phim từng tham gia LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6 (6/2014) và nhiều LHP tài liệu tại Pháp, Mỹ, Myanmar, Taiwan, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines... Phim được giải thưởng Special Mention tại LHP Chopshot Festival (Indonesia).

Hoạt động trình chiếu, theo Blue Productions, còn nhằm góp phần ủng hộ chương trình Ngày vì quyền con người (10/12) và ủng hộ quyền bình đẳng giới tính tại Việt Nam.

Người “ghi chép thế sự”

Nếu nói về những niềm vui của phim Việt trong năm 2014, ở khía cạnh thương mại phải kể đến Victor Vũ, Charlie Nguyễn… khi mà họ đã làm ra được những phim có doanh thu hàng triệu USD. Điều này có thể không mang lại lợi ích trực tiếp cho khán giả và nền điện ảnh, nhưng sẽ là động lực để thu hút nhiều nhà đầu tư, tài trợ vào cuộc, hệ quả lâu dài rất tốt, sẽ có nhiều phim được đầu tư bài bản xuất hiện. Còn ở khía cạnh dấn thân cho phim ảnh thì Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Thị Thắm… lại đáng ngưỡng mộ, vì họ đã chọn đi con đường khó hơn, nơi chỉ nhờ niềm đam mê và sự sáng tạo mới giúp họ chiến thắng áp lực.


Chị Phụng và chị Hằng giúp Thắm làm phim để mọi người hiểu và thông cảm với cuộc đời của họ, dường như họ đã làm được điều đó. Thế nhưng chính họ đã không còn dịp để xem phim về cuộc đời mình

Trong 4 tên tuổi vừa kể, con đường của Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Nguyễn Hoàng Điệp tương đối thênh thang và có nhiều hoa hồng, hoặc ở khía cạnh doanh thu/tiền đầu tư, hoặc ở khía cạnh giải thưởng. Phim tài liệu thời nào cũng nhiều về số lượng, nhưng luôn chịu thiệt thòi về mặt khán giả và sức quảng bá. Con đường của Nguyễn Thị Thắm càng thách thức hơn khi bản thân gần như gắn liền với phim, từ chuyện bỏ tiền túi cho đến những hy sinh khác về đời sống, công việc… Làm phim nghệ thuật hay thương mại độc lập đã khó, làm phim tài liệu độc lập càng khó hơn gấp bội. Nhưng cũng phải thấy rằng, phim tài liệu mà mất đi tính độc lập và “tự trị” thì sẽ mất đi ý nghĩa chân chính của nó.

Ngay cả về danh xưng, gọi Nguyễn Thị Thắm là đạo diễn thì chỉ “gượng ép” vậy thôi, chứ với phong cách tài liệu trực tiếp này, thật khó gọi là đạo diễn. Các LHP phim tài liệu quốc tế thường rất chú trọng điều này, nên luôn chú thích rõ phim nào có khái niệm “đạo diễn” (director), “biên kịch” (screen writer) - như thường thấy ở Việt Nam, còn phim nào thì không. Xem Chuyến đi… sẽ thấy đây là phim không cần “biên kịch” và không có “đạo diễn” - như xu hướng chung của quốc tế - nên Nguyễn Thị Thắm chỉ là “người thực hiện” (realization, hoặc: realisation), theo nghĩa “ghi chép thế sự”, “thực hành một kế hoạch”. Còn bản chất câu chuyện và nhân vật đã vậy, đâu có diễn mà cần đạo diễn. Với thể loại tài liệu trực tiếp, yếu tố “ghi chép thế sự” càng phải được tôn trọng nhiều hơn, để làm sao người quay phim “không tác động đến cuộc sống của các nhân vật”.  

Không dừng lại

“Với tôi, đây có lẽ mới là bất ngờ lớn nhất về cô gái trẻ. Bộ phim dài 86 phút đã làm tôi bật khóc vì cả nội dung và sự bất ngờ về đạo diễn. Có lẽ cuộc đời chị Phụng được kể lại không chỉ đòi hỏi sự nhạy cảm, tinh tế của một đạo diễn mà còn cả sự dấn thân, liều lĩnh, cộng với một chút máu phiêu lưu”, diễn viên Hồng Ánh, đại diện của Blue Productions chia sẻ.

Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1984), tốt nghiệp đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP.HCM năm 2007, và các khóa học về phim khác. Những phim mà Thắm đã thực hiện là Chào con chào baby (2005), Ông và cháu (2006), Xe ôm (2011)... Hiện Thắm đang ôm ấp những dự án tài liệu trực tiếp khác, cũng xoay quanh những người bên lề và dưới đáy xã hội. Có một dữ kiện cũng cần nhắc lại là chị Phụng và chị Hằng (hai nhân vật chủ đạo trong Chuyến đi…) đã không kịp xem cái phim của Thắm, khi giữa năm 2011 họ chết vì bệnh AIDS. Cả nước hiện có bao nhiêu đoàn lô-tô, hội chợ, “sơn đông mãi võ”… giống đoàn của chị Phụng và chị Hằng, hẳn hàng trăm, một cái phim như Chuyến đi… chẳng thể phản ánh được diện mạo một phần hiện thực, nhưng chắc chắn nó đã kể lại được “những mảnh đời riêng” đầy xúc động. Lắng nghe và chia sẻ được một phần - dù rất nhỏ - nỗi đau của nhân thế không phải là điều dễ dàng.

“Ban đầu mình nghĩ đơn giản lắm, chỉ cần theo đoàn đi đến chỗ này chỗ kia, ghi lại các sự kiện quanh đó. Nhưng càng tiếp xúc với các nhân vật cũng như chứng kiến công việc của họ, mình khám phá ra nhiều bất ngờ. Mình thấy dù mẫu số chung là buồn, cùng lang bạt theo một đoàn hội chợ qua những miền quê nghèo nhưng mỗi người lại có những câu chuyện tâm tư khác nhau. Bản thân mình cũng xuất hiện nhiều câu hỏi, nhiều giả thiết buộc mình cần thêm thời gian để trả lời”, Nguyễn Thị Thắm từng chia sẻ như vậy.

Thắm kể rằng cô có hơn 60 giờ dữ liệu đã quay, ngồi xem để cắt dựng còn 86 phút là điều cực kỳ khổ tâm. Đối với phim tài liệu trực tiếp, việc cắt dựng phải đảm bảo hai điều quan trọng: Thứ nhất, dù thời gian trong phim rất ngắn so với đời thật, nhưng làm sao phải giữ cho được cảm giác lê thê của đời sống và cốt cách của nhân vật. Vì cuộc đời và phim vốn khác xa nhau, phim cần hành động và kịch tính, còn cuộc đời có khi bình lặng, chẳng có gì suốt cả năm. Thứ hai, làm sao để người xem vừa cảm nhận được sự lê thê, thậm chí vô nghĩa của đời người (nhất là những người như chị Phụng) bằng một tiết tấu đủ nhanh, đủ hấp dẫn, kẻo họ bỏ về trước khi hiểu câu chuyện. Thành công của Chuyến đi… vì nó đã chạm đến được hai điều này một cách tự nhiên, gần gũi, nhưng cũng mãnh liệt, bất ngờ.

“Mình vẫn sẽ tiếp tục với tinh thần của tài liệu trực tiếp nhưng sẽ chú ý nhiều hơn về phong cách cá nhân. Làm sao để vẫn là nhà làm phim tài liệu trực tiếp nhưng mình khác những nhà làm phim tài liệu trực tiếp khác”, Nguyễn Thị Thắm nói.

Nằm ngoài dự kiến, ban đầu Blue Productions muốn chiếu 16 suất, mỗi suất chừng một, hai trăm vé đã tốt rồi. Tính đến nay, họ đã chiếu được 20 suất, với hơn 4.600 vé được bán ra. Các ngày 29 - 30 - 31/12 tại L’Espace (Hà Nội) sẽ có thêm ít nhất 9 suất chiếu, với 200 vé/suất, đến ngày 16/12, họ đã bán hơn 100 vé qua mạng. Đây là tín hiệu vui cho các phim tài liệu độc lập nói chung.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm