Ca khúc 'Under Pressure' của Queen và David Bowie: Cuộc 'đối đầu' của những thiên tài

27/02/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ca khúc này suýt nữa không được ra đời. Nhưng sao có thể để dở dang khi ta có ở phía này - Queen, chủ nhân những tuyệt phẩm khiến đám đông phát cuồng bởi giai điệu dậm dật, tiếng guitar như muốn xuyên thủng bầu trời của Brian May và giọng hát chói chang của Freddie Mercury.

'Don't stop me now' của Queen: Ca khúc mang lại nhiều hạnh phúc nhất

'Don't stop me now' của Queen: Ca khúc mang lại nhiều hạnh phúc nhất

Năm 2021 bắt đầu với những di sản không ai mong muốn của năm 2020. Mặc dù những thông tin tích cực về vắc xin Covid-19 có thể giúp mọi người phấn chấn hơn đôi chút, nhưng sẽ không thừa chút nào khi để âm nhạc lên tinh thần. Thật hữu ích là khoa học có thể giúp ta chọn những bản nhạc này.

Phía kia lại là David Bowie, chú tắc kè hoa vĩ đại của nhạc rock, người vào đầu những năm 1980 đã tung ra hàng loạt album tối tăm, thách thức, không thật sự bá chủ những BXH phổ thông nhưng lại vô cùng quyến rũ với những kẻ ưa phiêu lưu.

Như vẫn thường xảy ra khi những tài năng lớn với cá tính mạnh gặp nhau: Không ai muốn lùi bước. Thế là, một cuộc chiến đã nổ ra, cả ở trong và ngoài Under Pressure (Dưới áp lực) như thể chưa có đủ áp lực trong âm nhạc.

Phiêu trong phòng thu

Câu chuyện về Under Pressure bắt nguồn từ nơi mà tất cả các câu chuyện hay nên bắt đầu và là nơi hầu hết các bộ phim James Bond đều tìm về như nguồn cội: Ở một vùng núi tuyết Thụy Sĩ. Vào thời điểm đó, Queen đang thu âm album phòng thu thứ 10 của nhóm Hot Space trong phòng thu Mountain ở Montreux, Thụy Sĩ, thì David Bowie ghé qua tán ngẫu. Như mọi khi trong quãng thời gian này, Bowie tới với rất nhiều thuốc và một kế hoạch.

Bowie lúc đó đang ở cùng phòng thu để thu âm ca khúc chủ đề cho phim kinh dị Cat People - không phải là sản phẩm đáng nhớ lắm trong sự nghiệp lừng lẫy của ông. Tuy nhiên, khi nhận ra Freddie Mercury và bạn nhạc đang ở cạnh sát sườn như vậy, ngôi sao Starman không thể kìm lòng nên chỉ vài giờ sau khi tới phòng thu, ông liền ghé qua thăm Queen.

Chú thích ảnh
Bìa đơn giản của đĩa đơn “Under Pressure”

Trong cuốn Is This The Real Life?: The Untold Story Of Freddie Mercury And Queen, tay trống của Queen, Roger Taylor, nhớ về màn hợp tác không thể cản phá của thế kỷ 20 này. “Một đêm, David tới và chúng tôi chơi vài ca khúc của người khác cho vui, chỉ ngẫu hứng vậy thôi” - Taylor kể. Thật là hình ảnh đẹp khi những nghệ sĩ lớn vui vẻ bên nhau nhưng ngay lập tức, suy nghĩ nghiêm túc nảy lên khi David nói: “Ngốc quá đi, sao chúng ta không tự viết một bài?” và thế là, một phần lịch sử nhạc pop mở ra.

Họ đã bắt đầu bằng bản nhạc đệm. “Khi nhạc đệm hoàn thành, David nói: OK, hãy vào phòng hát và hát theo cách chúng ta nghĩ giai điệu sẽ tới - bất cứ gì nảy ra trong đầu - và chúng tôi sẽ tổng hợp giọng hát từ đó” - Brian May nhớ lại - “Và đó là tất cả những gì chúng tôi làm. Một số trong những ngẫu hứng này, bao gồm phần mở đầu đáng nhớ của Mercury, sẽ tồn tại trong bản hoàn thành. Bowie cũng nhấn mạnh rằng anh và Mercury không nên nghe người kia hát gì, hoán đổi các phiên khúc một cách mù quáng, điều giúp ca khúc giống như là cắt và dán”. (Tuy nhiên, nhà sản xuất Reinhold Mack hé lộ rằng Bowie đã lén nghe Mercury hát và tới lượt mình, đưa ra lời phản bác).

Với Queen, đó là điều hoàn toàn mới lạ nhưng Bowie đã là người tiên phong cho lối sáng tác này. Mọi người vào phòng thu mà không có ý tưởng gì trước, không có lấy một nốt nhạc và đơn giản là phiêu theo nhạc đệm.

Cuộc đối đầu tuyệt vời và khủng khiếp giữa Queen và David Bowie:

Cuộc đối đấu giữa những thiên tài

Người ta có thể nhận thấy ngay cuộc đối đầu nảy lửa giữa David Bowie và Freddie Mercury, được thúc đẩy bởi tiếng bass đáng kinh ngạc của John Deacon - thứ xứng đáng với tất cả mọi lời khen ngợi - và có lẽ là bởi cả nhiều cồn và thuốc. Ta có một bên là Mercury cuồng nhiệt gào thét không nên lời và một bên là Bowie nghiêm trang, tách biệt.

Under Pressure có thể nói là cuộc chiến ý chí giữa 2 người đàn ông, hoặc ít nhất là giữa các nhân vật mà họ đang hóa thân. Bowie nổi tiếng là tiếng nói của diệt vong, đã đi thẳng vào vấn đề: “Áp lực đè lên tôi/ Đè lên bạn/ Dù có ai muốn”. Trong khi đó, Mercury đóng vai nạn nhân đau đớn, với hy vọng giải thoát: “Xin cầu cho ngày mai/ Tôi sẽ được tới gần hơn với Chúa” nhưng nhanh chóng bị dập tắt bởi tuyên bố như gáo nước đá của Bowie: “Thật kinh hoàng khi biết thế giới này là thế nào/ Hãy xem những người bạn tốt phải gào lên: Xin hãy tha cho tôi”. Bất chấp những lời thủ thỉ xuống nước của Mercury, Bowie chế nhạo: “Cứ đi tìm kiếm tình yêu đi/ Nhưng nó đã bị lợi dụng và hủy hoại”. Ngay sau đó là tiếng kêu xé lòng của Mercury: “Tại sao?”, được Bowie đáp lại trên đỉnh của âm nhạc: “Sự điên dại cười phá trước áp lực đè ta tan nát”.

Không chỉ đấu nhau trong ca khúc, có một cuộc đối đầu thật sự giữa Bowie và Queen ngoài đời. “Thật rất khó, bởi vì ở đây đã có bốn gã trai thần đồng mà David thì đủ thần đồng cho cả hội rồi” - May nhớ lại.

Chú thích ảnh
Queen và Bowie là bằng chứng về sự biện chứng của âm nhạc khi những thiên tài học hỏi nhau và cùng chiến thắng

Đầu tiên, May nhớ Bowie đã tiến về phía Deacon yêu cầu: “Không, đừng chơi như vậy” nhưng Deacon cũng cứng đầu không kém: “Sao cơ? Tôi mới là người chơi bass, đúng không? Đây là cách tôi chơi!” Đó là một cuộc đối đầu khó khăn và phải có ai chịu lùi bước. Tới lượt May, “cuối cùng tôi đã lùi bước, điều rất bất thường với tôi”.

Nhưng cuộc chiến vẫn chưa dừng lại đó. Bowie áp đặt ý chí nghệ thuật của mình vào hầu hết các quyết định. Ngay cả tiêu đề ban đầu là People On The Streets cũng đã được đổi thành Under Pressure. Bowie còn lao vào phòng mix và có một cuộc chiến khốc liệt với Mercury ở đó. Bowie được cho là đã tranh cãi dữ dội để đoạn cải biên yêu thích của mình được ưu ái, tới mức đe dọa sẽ giữ ca khúc lại để tự phát hành. Một người rất rắn nhưng May thừa nhận Bowie rất có tầm nhìn! (Hãy nhớ rằng Bowie sinh năm 1947, kém Mercury một tuổi).

Với tất cả những tranh cãi nảy lửa như vậy, Under Pressure rơi vào tình trạng giống như cái tên của nó: Áp lực cho cả đôi bên. Nhưng sau cùng, cũng như Mercury hát trong ca khúc: “Chúng ta không thể cho bản thân mình một cơ hội nữa sao?/ Tại sao ta không thể cho tình yêu thêm một cơ hội?”, đôi bên đã cho nhau cơ hội, và nhờ đó, tự cho mình một cơ hội mới. Một chiến thắng kép cho cả hai.

Under Pressure đã thành công vang dội khi đứng No.1 BXH Anh năm 1981. Thành công này đã mở đường cho Bowie chuyển sang những âm thanh dễ tiếp cận hơn trong album đình đám Let’s Dance năm 1983. Có lẽ, ông cần Queen để mở rộng đôi tai và tiềm năng và có lẽ Queen cần chút a-xít của Bowie trong thông điệp của họ. Trong ký ức của May, đây là một màn hợp tác “tuyệt vời và khủng khiếp” nhưng “trong tâm trí tôi giờ nhớ tới những điều tuyệt vời hơn là khủng khiếp”.

Trong album Hot Space, Under Pressure được miêu tả là “bản nhạc rock quái vật nổi bật” cũng như “một ca khúc pop cực kỳ mạnh mẽ và sâu lắng”. Nó được giới phê bình đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất của cả Queen và Bowie. Ca khúc là cái tên quen thuộc trong những danh sách ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Trong khi nhiều nhạc phẩm thịnh hành cùng thời đã đi vào quên lãng, Under Pressure vẫn vang vọng tới ngày nay, như một lời nhắc nhở về chiến thắng của tình yêu chân chính.

Kỷ niệm của Bowie và Mercury

Vào đầu thập niên 1980, việc 2 siêu sao kết hợp với nhau là chuyện khá phổ biến. Những kết hợp đáng chú ý khác có thể kể tới là Paul McCartney và Stevie Wonder trong Ebony And Ivory, Diana Ross và Lionel Richie trong Endless Love cũng như Kenny Rogers và Dolly Parton trong Islands In The Stream.

Under Pressure đánh dấu lần đầu Queen hợp tác với một nghệ sĩ khác. Ca khúc được chơi trực tiếp ở tất cả các hòa nhạc của Queen từ năm 1981 tới khi họ ngừng lưu diễn. Bowie cũng biểu diễn nó năm 1992 tại Wembley để tôn vinh Mercury, với số tiền thu được sẽ quyên cho các bệnh nhân AIDS.

Thú vị là Bowie và Mercury từng gặp nhau hàng chục năm trước khi họ thu âm Under Pressure. Vào thời Bowie có hàng chuỗi đĩa đơn thất bại, đi hát ở các quán rượu, Mercury đã hâm mộ ông. Khi Bowie tới trường đại học diễn, Mercury liền hăng hái giúp dựng sân khấu. Năm 1969, Bowie đang đi chợ Kensington thì dừng chân ở quầy bốt của Alan Mair mà Mercury là người bán hàng thuê. Bị hấp dẫn bởi những đôi bốt sành điệu nhưng Bowie lại không có tiền. Và thế là, anh chàng làm thuê Mercury đã biếu không cho Bowie đôi bốt mà ông không đủ tiền mua!

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm