Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 6): 'Mr Moonlight'- cuồng loạn một cách nghiêm túc

13/10/2019 17:58 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Vào đầu tháng này, nhân kỷ niệm 50 năm phát hành, Abbey Road của The Beatles một lần nữa trở lại vị trí No.1 trên BXH Album của Anh. Cách đây gần 50 năm, cũng album này đã gây bão với 17 tuần liên tiếp đứng No.1. Khoảng cách 49 năm 252 ngày cho một album trở lại No.1 đã được Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận. Còn ghi nhận của giới mộ điệu là gì? Điều này rõ ràng chẳng phải bàn.

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 5): 'Space Oddity' - nỗi cô đơn khi du hành vũ trụ

Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ (Kỳ 5): 'Space Oddity' - nỗi cô đơn khi du hành vũ trụ

Nasa Moon Tunes, một tuyển tập gồm 186 ca khúc đã được NASA lựa chọn từ gợi ý của cư dân toàn Trái đất sẽ theo chân các phi hành gia trên hành trình trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

Với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ, trải dài nhiều thế hệ khán giả, vượt qua nguy cơ bão hòa thường giết chết những ca khúc thời vụ, không khó hiểu khi nhạc của The Bealtes thường được chọn là đại diện cho nhân loại trước không gian bao la.

Không phải của The Beatles

Across The Universe của Tứ Quái đã được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chọn là ca khúc đầu đầu tiên phát sóng thẳng vào không gian sâu, với đích đến là sao Bắc Cực (Ca khúc này đã được giới thiệu ở Kỳ 1 chuyên đề Ca khúc đã và sắp đưa vào vũ trụ). Lần này, trong tuyển tập 186 ca khúc NASA Moon Tunes sẽ theo chân các phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2024, không thể thiếu Across The Universe. Bên cạnh đó, còn có một ca khúc khác khá đặc biệt, khác hẳn về nguồn gốc và vị trí so với Across The Universe nhưng thể hiện tài năng của The Bealtes ở một khía cạnh khác, là Mr. Moonlight.

Chú thích ảnh
Chân dung Roy Lee Johnson, tác giả của “Mr. Moonlight”

Trong một thời gian dài, Mr. Moonlight từng được coi là phần không thể thiếu được của các buổi diễn của Tứ Quái vì nó mang tới cho John Lennon cơ hội thể hiện giọng hát bùng nổ của mình trên sân khấu. Tuy nhiên, nhiều Beatlemania khó tính lại không ủng hộ ca khúc này lắm. Quả là phản ứng khác lạ so với các sản phẩm của nhóm nói chung nhưng không phải là không có lý do: Đây không phải nhạc gốc của The Bealtes. Thế nhưng, nhìn lại lịch sử mà nói, nó có những đóng góp quan trọng trong sự thành công của nhóm.

“Tôi nghĩ chúng tôi từng nói từ những ngày đầu rằng mình sẽ chẳng thể đi tới đâu được trừ khi trở nên khác biệt”, Paul McCartney nhớ lại, “bởi khi không phải gốc, bạn dễ bị mắc kẹt. Chúng tôi phải chơi theo lối chưa ai từng”.

Do tính cạnh tranh khốc liệt, khi “có hàng triệu nhóm nhạc lúc đó, những nhóm như chúng tôi, có chất blue và vô danh”, như McCartney nói, nên nhóm phải đi tìm những chất liệu thú vị và làm mới nó theo cách chưa ai từng, để “ai cũng phải xem, phải bắt chước”. Mr. Moonlight là một trong số đó.

Chú thích ảnh
The Beatles năm 1964, khi mới chập choạng bước những bước đầu của một ngôi sao quốc tế

Ca khúc được The Beatles chú ý khi đó chỉ nằm ở mặt B của đĩa đơn do nhóm Dr. Feelgood and The Interns ghi âm vào năm 1962 và ngay cả mặt A là Dr. Feelgood cũng chẳng gây được tiếng vang lớn gì cho cam. Nhưng đúng như McCartney nói, The Beatles đã biến ca khúc vô danh này thành hit trên sân khấu, thậm chí khiến The Merseybeats phải thu lại năm 1963 rồi tới The Hollies vào năm 1964. Bản thân Tứ Quái chỉ ghi âm Mr. Moonlight vào cuối năm 1964 cho album Beatles For Sale.Như vậy, dù chẳng phải đứa con ruột của nhóm, Mr. Moonlight vẫn là thành tố không thể thiếu của The Beatles những ngày đầu, và còn cho thấy khả năng bàn tay vàng Midas của họ.

Hồi sinh một ca khúc vô danh

Mr. Moonlight được sáng tác bởi Roy Lee Johnson trong một hợp tác chớp nhoáng với Piano Red khi cùng lập nhóm Dr. Feelgood and The Interns.

Piano Red, tên thật là William “Willie” Lee Perryman, sinh năm 1911 tại George, một người Mỹ gốc Phi bạch tạng, được biết tới là dương cầm thủ có tài ở nhiều bang tại Mỹ. Tuy nhiên, khi mới bước vào con đường âm nhạc, Perryman thường chỉ coi đó là công việc cuối tuần, còn ngày thường, ông vẫn tiếp tục việc buôn bán đã làm bấy lâu. Thời điểm cộng tác với Johnson, ông đã ở tuổi 51 và gặt hái được ít nhiều thành công.

Chú thích ảnh
“Mr. Moonlight” nằm trong album phòng thu thứ tư của Bealtes là “Beatles For Sales”

Ngược lại, Johnson, sinh năm 1938 ở Georgia, mới 24 tuổi khi đó và con đường âm nhạc mới đi được một chặng ngắn. Anh bắt đầu sự nghiệp với nhóm nhạc The Brassettes Of Hoganville, thu âm một đĩa đơn mang tên House In The Alley vào năm 1955. Ngay ở giao điểm thứ hai, anh đã gặp Piano Red. Bài hát đáng yêu kể về lòng biết ơn với mặt trăng khi đã kết nối hai người yêu nhau, đĩa đơn đầu tiên của cặp đôi, chính là Mr. Moonlight. Sau màn cộng tác không tạo nên tiếng vang lớn nào này, Johnson lại rẽ sang con đường riêng, cũng không mấy nổi bật.

Nếu không có The Bealtes, Mr. Moonlight có lẽ đã mất tích từ lâu trên trang sử âm nhạc. May mắn, nhờ bốn chàng trai Anh quốc, nó đã được hồi sinh.

The Beatles biết tới Mr. Moonlight ngay lúc nó mới phát hành vào năm 1964 khi “thó” được ở bộ phận thu âm của Nems Whitechapel sau khi trở về Liverpool từ Đức. Ngay lập tức, họ tập chơi ca khúc và biểu diễn nó tại các tụ điểm ở địa phương. Nhiều lần, nó là ca khúc mở màn, gây được chú ý lớn từ đám đông.

Mr. Moonlight rất đúng với tiêu chí mới lạ cần có của nhóm khi đó. Ca khúc có cấu trúc khá lạ, được tạo thành hoàn toàn từ phiên khúc, không hề có đoạn chuyển, điệp khúc. Hơn nữa, phiên khúc đầu tiên cũng “lạc loài” hẳn so với ba phiên khúc trong bài, không chỉ ở lời ca mà cả ở cấu trúc và độ dài. Tiếng gào đau đớn ngay ở mở đầu của Lennon cực kỳ ấn tượng và ông cũng là người thể hiện hoàn hảo nhất cho phần còn lại. Lennon vô cùng thích thú vai trò này.

Tuy nhiên, khi đi lưu diễn trong nước, do phải cắt ngắn thời lượng, họ đã gạt Mr. Moonlight đi, dường như là mãi mãi. Nhóm cũng không bao giờ nghĩ là sẽ đưa nó vào album Beatles For Sale (có thể do nguồn gốc của nó), nhưng cuối cùng, như định mệnh, họ đã làm vậy. Một quyết định muộn màng nhưng đúng đắn.

Dù vậy, tới nay, Mr. Moonlight vẫn bị nhiều người chê bai, nói rằng nó là “ca khúc yếu kém nhất The Beatles từng thu âm” và “mọi người thích ghét nó”. Nhưng bản thân The Beatles lại tự hào về ca khúc vô danh họ khai quật được, về tính hài hước phô phang trong nó. Tiếng gào thống thiết của Lennon, tiếng trống châu Phi của Harrison, hòa âm một màu và đoạn solo organ “hạng bét”, tất cả đã tạo nên ca khúc mà tác giả Tim Riley viết trong cuốn sách Tell Me Why: “Bằng cách thực hiện tất cả mọi thứ một cách nghiêm túc, họ đã khiến nó trở nên thật sự cuồng loạn”.

Xét cho cùng, đúng như Oscar Wilde nói: “Điều duy nhất tồi tệ hơn việc bị mọi người bàn tán là không còn được ai bàn tán tới nữa”. Giờ đây, người ta sẽ còn bàn tán về Mr. Moonlight cả ở… trên Mặt trăng.

Vài nét về ban nhạc The Beatles

The Beatles là nhóm nhạc rock của Anh, thành lập năm 1960 tại Liverpool. Với đội hình gồm John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr, họ được coi là một trong những ban nhạc có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Âm nhạc của họ, có gốc rễ từ skiffle, beat và rock and roll những năm 1950, kết hợp các yếu tố của âm nhạc cổ điển với nhạc pop truyền thống theo cách sáng tạo riêng. Lừng lẫy trong nước đã lâu nhưng tới chính năm 1964, nhóm mới trở thành siêu sao quốc tế, dẫn đầu “cuộc xâm lược của Anh” vào thị trường Mỹ. Năm 1970, nhóm tan rã dù đang trên đỉnh cao danh vọng.

The Beatles là ban nhạc có đĩa bán chạy nhất lịch sử âm nhạc, với hơn 800 triệu đĩa bán ra trên khắp thế giới. Những giải thưởng danh giá nhất đều đã gọi tên The Beatles. Họ cũng nằm trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX, theo bình chọn của tạp chí Time.

Thư Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm