'Bird On The Wire' của Leonard Cohen: Cuộc đấu tranh không hồi kết của tự do

23/01/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ gạo cội Kris Kristofferson từng chấp bút những ca khúc đáng nhớ bậc nhất lịch sử nhạc đồng quê và rock nhưng bản thân ông lại chẳng muốn dùng chúng để khắc lên văn bia của mình khi qua đời. Thay vào đó, ông muốn mượn Bird On The Wire của Leonard Cohen - một ca khúc bộc bạch về sự bất khả của tự do giữa thế giới đầy những dối lừa.

'So Long, Marianne' của Leonard Cohen: Thời khắc huy hoàng của mối tình bất diệt

'So Long, Marianne' của Leonard Cohen: Thời khắc huy hoàng của mối tình bất diệt

Ở tuổi đôi mươi, nghèo và hoang hoải giữa ngã ba cuộc đời, Leonard Cohen đã gặp được nàng thơ cùng ông sang trang lịch sử. Từ bờ cát trắng rực nắng trên đảo Hydra thời quá xa xôi, rồi những năm đằng đẵng xa cách vì ghen tuông, giờ họ lại một lần nữa bên nhau trên thiên đường.

“Như chú chim trên dây điện/ Như gã say trong dàn hợp xướng lúc nửa đêm/Tôi theo cách riêng phải cố tìm lối để được tự do” - đó là câu trong Bird On The Wire mà Kristofferson muốn người đời nhớ tới ông.

Những chú chim trên dây điện

Marianne Ihlen - người yêu thời đó của Leonard Cohen- cũng nhớ về Bird On The Wire hơn chính kiệt tác viết cho bà So Long, Marianne. Bởi bà cũng góp phần trong ca khúc, là người ngồi bên Cohen khi qua khung cửa sổ, họ nhìn thấy những chú chim tới đậu trên dây điện.

Đó là vào những năm 1960, khi 2 người sống trên hòn đảo Hydra hoang sơ ở Hy Lạp. Thời Cohen mới tới đây, trên đảo không có điện, không có điện thoại và cũng chẳng có dây điện. Nhưng rồi một ngày cột điện xuất hiện, dây chăng qua bầu trời nhà họ. Cây guitar Ihlen tặng Cohen bỗng lặng tiếng. Ông rơi vào trạng thái trầm uất, không thể sáng tạo, viết hay hát trong nhiều tuần.

Chú thích ảnh
Leonard Cohen trước căn nhà ở Hydra

Cohen vốn thích những ngọn đèn dầu và nến mà họ quen dùng. Những sợi dây điện khiến ông đau khổ nhận ra nền văn minh cuối cùng cũng đã bắt kịp mình và rốt cuộc thì ông chẳng thể trốn được nữa. Cuộc sống thiên đường như ở thế kỷ 11 mà ông từng hạnh phúc phát hiện ra đã biến mất. “Chúng ta phải rời khỏi đây ngay, phải tìm một hòn đảo khác mà sống” - ông thảng thốt nói với người yêu. Nhưng vào đúng lúc đó, một chú chim bay tới đậu trên dây điện. “Nếu chim có thể quen với dây điện” - Ihlen nói với Cohen, “thì anh cũng vậy”. Và ca khúc đã bắt đầu đúng như vậy.

Hình ảnh gã say trong dàn hợp xướng lúc nửa đêm cũng tới trong giai đoạn này. Tại nhà ở Hydra, Cohen từng thấy 3 gã say khoác vai nhau lảo đảo bước lên cầu thang, hát vang như một dàn hợp xướng 3 người hoàn hảo, thoát khỏi thực tại. Họ như những chú chim kia, chẳng ai nỡ quát tháo, dù là vào nửa đêm. Còn Cohen, ông lại cũng như họ, mong tìm được tự do giữa những nghịch lý của đời sống. Nhưng thứ tự do đó quá xa vời, quá khó nắm bắt, ngay cả về mặt lý tưởng sau khi đã hiện hữu trên bản nhạc. Và trên tất cả, tự do đó có một cái giá không dễ chịu.

Giai điệu bất hủ như đất trời của “Bird On The Wire”:

Một Sisyphus khác

Cohen cũng từng gặp trở ngại lớn khi thu âm Bird On The Wire vì ca khúc chưa bao giờ nghe đủ “trung thực” với ông. Chán nản, ông bỏ dở buổi thu và về phòng khách sạn. Mãi tới 4 ngày trước buổi ghi âm cuối cùng theo lịch trình, ông mới có được những gì mình muốn. Ông yêu cầu tất mọi người, trừ những nhân sự thiết yếu, rời phòng thu. “Tôi chỉ biết vào thời khắc đó rằng điều gì đó sẽ xảy ra” - Cohen nhớ lại. Và đúng như vậy, khi câu đầu cất lên, đó là sự chân thực và mới mẻ. Có sự lảo đảo trong giọng của Cohen, như gã say. Đến đoạn cao trào, chất giọng trầm khàn của ông kéo giãn hết giới hạn, để lộ sự mong manh thương tổn trong tâm hồn nhân vật.

Ban đầu, David Crosby, qua yêu cầu của Joni Mitchell, là người sản xuất Bird On The Wire. Thế nhưng, nó đã trở thành một trải nghiệm tồi tệ, một viên thuốc đắng khi ông không biết phải làm gì với Cohen. Sau đó, Bob Johnson, nhà sản xuất nổi tiếng với những tác phẩm mang tính bước ngoặt hồi thập niên 1960 được Dylan ví là “phi thực”, phải vào cuộc. Với một ca khúc quá lớn như Bird On The Wire, Johnson bằng sự từng trải của mình, đã có một quyết định khôn ngoan: Nhạc cụ dây lãng đãng trôi chỉ làm nền cho giọng bộc bạch của Cohen.

Nhưng ngay cả khi có được bản thu hài lòng, nỗi niềm của Cohen vẫn chưa thể nguôi. Cohen luôn bắt đầu hòa nhạc bằng Bird On The Wire, giống Pablo Casals với Song Of The Birds, như một nghĩa vụ, như một lần nữa thực hiện lời thề. Theo thời gian, ông cũng thường xuyên thay đổi lời ca khúc, hầu như chỉ giữ lại toàn vẹn cho 3 câu mở đầu. Bởi Bird On The Wire không chỉ là tâm sự của một người tìm kiếm tự do mà còn là những dằn vặt, hối lỗi mà tự do gây ra: “Như con quái thú với cái sừng/ Tôi đâm vào bất cứ ai tiến tới gần”. Để nhận lỗi, “Như chàng hiệp sĩ trong cuốn sách cổ nào đó/Tôi xin dành hết những dải ruy băng cho nàng” và rằng “Tôi xin thề bởi ca khúc này/ Và bởi tất cả những sai trái tôi từng làm/ Tôi sẽ bù đắp cho nàng”.

Nhưng dẫu bao nhiêu thề thốt, Cohen vẫn biết đó là cuộc chiến không có hồi kết, giữa tự do cá nhân và hạnh phúc của người ở bên. Ông cứ lần lữa, qua lại, dàn hòa. Thế nên, các câu hát cũng thường xuyên thay đổi. Ví như câu: “Nếu tôi không thành thật/ Tôi hy vọng em hiểu rằng nó bao giờ cũng dành cho em” được đổi lại trong buổi diễn thành “Nếu tôi không thành thật/Chẳng qua là bởi tôi nghĩ một người đang yêu phần nào là một kẻ nói dối”.

Chú thích ảnh
Leonard Cohen và Marianne Ihlen. Trong cuộc đời mình, ông luôn là một người đào hoa

Ông cũng không giấu giếm tình thế lưỡng nan của mình trong đoạn kết: “Tôi thấy một gã ăn xin người dựa vào chiếc nạng gỗ. Gã nói với tôi: Anh không được đòi hỏi quá nhiều như vậy/ Và một phụ nữ xinh đẹp tựa mình bên cánh cửa tối tăm/ Cô khóc với tôi: Này, sao không đòi hỏi nhiều hơn?”.

“Tôi đã sửa nó nhiều lần nhưng tôi muốn tiếp tục sửa nữa” - Cohen nói trong một lần phỏng vấn. Liệu chăng đây là một việc vô nghĩa khi rốt cuộc, chuyện cứ giằng co mãi quanh một ranh giới mong manh? Không hẳn.

Trong ghi chú lót ở bản tái phát hành năm 2007 của Songs From A Room, Cohen viết rằng ca khúc “đồng thời là một lời cầu nguyên, một thánh ca, một My Way phóng túng”. Nhưng My Way của Frank Sinatra xét cho cùng là về một người đàn ông đơn giản chỉ muốn giành chiến thắng cho mình. Còn Bird On The Wire, đó là chiến thắng bất khả thi cho cả 2 bên. Và mấu chốt ở đây, như Cohen từng nói: “Tôi đã làm rối tung lên như những người khác, nhưng dù sao cũng đã nỗ lực”.

Ta đã nỗ lực cho tự do của bản thân và đồng thời, nỗ lực đền bù cho người yêu. Trên đời vốn có rất nhiều chuyện như thần hoại Hy Lạp về Sisyphus - người bị trừng phạt suốt đời phải đẩy một khối đá lên đỉnh núi rồi đứng nhìn nó lăn xuống và lại xuống đẩy lên trong vòng lặp vô hạn. Hay gần gũi như câu “Đời là bể khổ” nhưng ta vẫn phải sống. Thế nên, vấn đề đôi khi không ở thành quả, mà ở nỗ lực không ngừng.

Âm nhạc của Cohen luôn là điểm tham chiếu của rất nhiều nghệ sĩ lớn khác. Bird On The Wire đặc biệt là giai điệu đàn hồi nhất. Rất nhiều tên tuổi lớn, tới từ nhiều dòng nhạc khác nhau, có thể kể tới như Fairport Convention, Joe Cocker, The Neville Brothers, Tim Hardin, K.D. Lang, Jonny Cash, Willie Nelson hay David Gilmour… đã cover ca khúc. Có cả một bộ phim cùng tên được làm theo ca khúc. Mọi người tìm thấy mình trong chính nó.

Bird On The Wire, như gió, mang mùi day dứt hoài niệm của riêng từng người bay mãi.

Nghi vấn đạo nhạc?

Kris Kristofferson đã kể về lần đầu nghe Bird On The Wire như sau:

“Leonard Cohen có là một người vô cùng khiêm nhường. Để tôi kể cho bạn nghe, tôi lần đầu gặp Leonard Cohen tại phiên thu âm của anh ở hãng đĩa Columbia và tôi hoàn toàn bị thổi bay bởi ca khúc Bird On The Wire.

Tôi có một người bạn, Vince Matthews, cũng là một nhạc sĩ, nói với tôi rằng Leonard đánh cắp giai điệu này từ ca khúc Mom And Dad’s Waltz của Lefty Frizzell. Tôi nghĩ, đời nào, Leonard có khi còn chưa bao giờ nghe Lefty Frizzell.

Nhưng tôi đã nói chuyện này với Leonard ngay khi gặp anh: “Này, có người nói anh đánh cắp giai điệu Bird On The Wire từ Mom and Dad’s Waltz của Lefty Frizzell”. Và Leonard Cohen đáp: “Chết tiệt, tôi yêu Lefty Frizzell. Ông ấy là một trong những nhạc sĩ - ca sĩ yêu thích của tôi. Tôi có tất cả các bản thu của ông ấy và tôi yêu Mom And Dad’s Waltz! Chết tiệt, có khi nào là ăn cắp thật?”.

Anh ấy thật sự khiêm tốn và ngầu. Tôi tự nhủ, người này thật hoàn hảo! Và anh ấy đúng là như vậy. Anh ấy không bao giờ gây thất vọng. Thật tuyệt vì Leonard Cohen và Bob Dylan đã đi trước chúng ta vài năm ánh sáng”.

Kristofferson cũng bồi hồi nhớ lại Lễ hội Isle Of Wight năm 1970, nơi các nhà tổ chức chỉ mong đợi khoảng 150.000 khán giả nhưng đã có tới nửa triệu người đến (nhiều người đi chui). Không khí vô cùng hỗn loạn và chính Kristofferson cũng bị la ó, ném chai lọ khi đứng trên sân khấu. “Họ la ó tất cả các nghệ sĩ, tất cả” - ông nhớ lại - “Trừ Leonard Cohen”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm