25 năm phim 'Goodfellas': Bức tranh chân thực nhất về thế giới tội ác

25/04/2015 13:30 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Goodfellas (Chiến hữu), bộ phim gay cấn về đề tài tội phạm của nhà làm phim Mỹ Martin Scorsese được phát hành cách nay đúng 25 năm. Đối với nhiều người, đây vẫn là tác phẩm điện ảnh mô tả chính xác và thuyết phục nhất về cuộc sống của những tay anh chị trong xã hội đen.

Khi bàn đến Goodfellas, nhiều nhà phê bình nổi tiếng đã dành cho bộ phim này những lời ca ngợi “trên mây xanh”. “Từ trước đến nay, không có bộ phim nào mô tả về tội phạm có tổ chức hay hơn thế” – nhà phê bình (quá cố) Roger Robert nhận định.

Còn nhà phê bình Vincent Canby viết trên tờ New York Times: “Khán giả nín thở khi xem phim. Đây đúng là một tác phẩm xuất chúng”.

Mô tả chân thực về thế giới tội phạm

Có điều ít người biết là phim không được đón nhận nồng nhiệt ngay khi mới ra mắt. Phản ứng của khán giả thậm chí còn khiến các nhà làm phim lo ngại. BBC cho biết nhiều khán giả đã ra về, khi phim vừa chiếu không được bao lâu. Số khác ở lại xem, nhưng cảm thấy khó chịu với lối mô tả rất sát về cuộc sống thực của giới tội phạm ở New York – điều mà họ chưa từng thấy ở các bộ phim mang đề tài tội phạm trước đây.

Vượt qua những trở ngại ban đầu ấy, phim đã nhanh chóng giành được sự ca ngợi của giới phê bình, sự thành công ở phòng vé và mang về 6 đề cử Oscar. 25 năm sau, Goodfellas vẫn được coi là một bộ phim kinh điển. Ngày 25/4, LHP Tribeca đã có buổi chiếu phim Goodfellas đặc biệt, với sự góp mặt của dàn diễn viên tham gia đóng phim.


Dàn diễn viên tham gia phim Goodfellas của đạo diễn Martin Scorsese

Goodfellas được dàn dựng theo cuốn truyện ăn khách Wiseguy (1986) của nhà văn kiêm nhà biên kịch Nicholas Pileggi. Đây là câu chuyện kể về Henry Hill (đã qua đời hồi năm 2012) người bước vào thế giới tội phạm có tổ chức từ khi còn là một cậu bé, sau đó dấn sâu vào các hoạt động của mafia như trộm cắp, bán đồ ăn cắp, cho vay nặng lãi, cướp phá và buôn bán ma túy. Cuối cùng, Hill đã trở thành người cung cấp thông tin cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Ngoài cốt truyện hấp dẫn, các diễn viên trong phim có lối diễn cực kỳ ấn tượng. Đó là Ray Liotta trong vai Henry Hill, tới Lorraine Bracco trong vai vợ của Henry Hill. Đó còn là Robert De Niro, Joe Pesci và Paul Sorvino trong chân dung của những kẻ tội phạm.

Goodfellas tạo được sức ảnh hưởng lớn một phần bởi phim mô tả sự tàn nhẫn của cuộc sống tội phạm, khác hẳn với những bộ phim về mafia ra đời trước đó. Cây bút phê bình Jerry Capeci nhận định: “Godfather (Bố già) đã lãng mạn hóa các băng đảng tội phạm, mô tả họ là những kẻ chỉ giết người vì lý do danh dự. Tuy nhiên, phim Goodfellas đã vạch trần sự thật về thế giới tội phạm: bạo lực, tàn nhẫn, không ngại giết người vì những điều nhỏ nhặt nhất”.

Phim hay nhất của Scorsese

Goodfellas còn vẽ một bức tranh chính xác về những gì thực sự xảy ra trong thế giới mafia trong những năm 1980. Đối với những người từng dính vào mafia, phim mang một ý nghĩa nhất định.

“Hill thích bộ phim này. Ông ấy còn đi tới đi lui khi phim chiếu trên TV để xem khán giả phản ứng như thế nào” – theo Lorcan Otway, đồng sáng lập Bảo tàng tội phạm băng đảng Mỹ ở New York và là người tổ chức một buổi chiếu phim Goodfellas đặc biệt, cho biết.

Đối với nhiều người hâm mộ điện ảnh, phim Goodfellas thể hiện phong cách làm phim xuất chúng của Scorsese, đặc biệt là cách ông lồng các hình ảnh trong phim với nền nhạc pop/rock nhằm kích thích khán giả.  

“Cảm giác khi xem phim cứ như thể bạn bị bóp cổ suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ, không thể thốt nên lời” – nhà phê bình Gary Susman nói. Susman đã xem đi xem lại bộ phim tới 20 lần. Ông cho biết bản thân rất thích thú khi được thưởng thức phim của một đạo diễn đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp”.

Goodfellas là bức tranh mô tả sắc nét về thế giới tội phạm, đồng thời cũng mô tả bức tranh văn hóa, xã hội lớn hơn của nước Mỹ. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi phim đã để lại sức ảnh hưởng lâu dài tới cả nền điện ảnh và truyền hình.

“Tôi có thể khẳng định rằng Goodfellas là phim đầu tiên mô tả một tên tội phạm ‘lắm mồm’. Chúng ta vẫn nghĩ rằng thành viên mafia là những kẻ kín tiếng, ít nói, nhưng tay anh chị trong phim lại không thể ngậm được miệng. Chỉ sau Goodfellas, trên màn bạc mới xuất hiện những tay anh chị nói nhiều” – Susman nhận định.

Hiện tượng này có thể thấy rõ trong các bộ phim đầu tay của Quentin Tarantino cũng như các tác phẩm như The Usual Suspects và bộ phim truyền hình The Sopranos của HBO. Đó đều là những tác phẩm có các tay anh chị ba hoa.

25 năm đã trôi qua, Goodfellas không chỉ là một bộ phim đặc biệt, mà còn được đánh giá là một kiệt tác điện ảnh thực sự, trong số các tác phẩm điện ảnh ra đời vào những năm 1990. Có lẽ, đây còn là bộ phim hay nhất của Scorsese.

Việt Lâm (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm