Giải thưởng Nobel: Vinh danh những cống hiến cho nhân loại

07/10/2019 19:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Như thường lệ, vào tháng 10 hằng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố. Mùa giải năm nay sẽ bắt đầu với việc trao giải thưởng Nobel Y học vào ngày 7-10-2019 và sẽ kết thúc với giải Nobel Kinh tế vào ngày 14-10-2019 tới.    

Nobel 2019: Hồi hộp chờ các chủ nhân giải thưởng lộ diện

Nobel 2019: Hồi hộp chờ các chủ nhân giải thưởng lộ diện

Lễ công bố chủ nhân giải thưởng Nobel Y học vào lúc 16h30 chiều 7/10 (giờ Việt Nam) sẽ mở đầu mùa giải Nobel 2019. Tiếp đó sẽ là các lễ công bố giải Nobel Vật lý vào ngày 8/10, Nobel Hóa học ngày 9/10, Nobel Văn học ngày 10/10, Nobel Hòa bình ngày 11/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 14/10.

Những điều cần biết về giải Nobel

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.   

Alfred Nobel là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, Alfred Nobel đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có. Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc và khó hiểu cho mọi người khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để “khỏi tạo nên những kẻ lười biếng”. Còn gần toàn bộ tài sản ông đã được đem bán thành tiền mặt, tương đương với 70 triệu cuaron Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng “cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại” trên các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Sinh học (hoặc Y học), Văn chương, và Hòa bình.   

Trong các giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y học do Ủy ban Nobel của Viện Carolin quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.  

Vào tháng 9 của năm trước năm trao giải, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học hoặc y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu.   

Giải Nobel, Giải thưởng Nobel vinh danh những cống hiến cho nhân loại
Kỷ niệm chương bằng vàng dành cho những người thắng giải Nobel

Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.   

Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.   

Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.   

Từ tháng 9 đến đầu tháng 10, Ủy ban Nobel đệ trình ý kiến lựa chọn của họ lên Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển và các tổ chức trao thưởng khác. Thực tế, không phải lúc nào đơn vị trao giải cũng làm theo sự tiến cử của Ủy ban này.   

Vào đầu tháng 10, Viện hàn lâm chọn ra người đạt giải dựa trên đa số phiếu bầu, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải. Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót. Hàng năm, trước ngày 15-11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.   

Theo quy định của Ủy ban Nobel, những thông tin liên quan đến quá trình xét tặng giải được giữ kín trong 50 năm.   

Một giải Nobel thường được trao cho tối đa 3 người. Nếu một giải thưởng bị từ chối hoặc không được chấp nhận, số tiền thưởng sẽ được trả vào quỹ. Hàng năm, lễ trao giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế được trao vào tháng 12 tại Stockholm, Thụy Điển và lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra tại Oslo, Na Uy.   

Chủ nhân của giải Nobel sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt. Số tiền phụ thuộc vào thu nhập của Hiệp hội Nobel. Năm 2017, Quỹ Nobel quyết định tăng tiền thưởng cho các hạng mục giải Nobel thêm 1 triệu krona (khoảng 120.000 USD) so với mùa giải đó trước, lên 9 triệu krona (khoảng 1,1 triệu USD). Đây là lần điều chỉnh giá trị tiền thưởng đầu tiên kể từ năm 2012 khi Quỹ Nobel quyết định giảm giá trị tiền thưởng 20% mỗi hạng mục, trong bối cảnh phải cân đối ngân sách trong dài hạn.   

Tuy đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cách xét giải, nhưng phần lớn những người được nhận giải thưởng Nobel đều là những người có cống hiến vĩ đại cho nhân loại. Cùng với giải, tấm lòng cao thượng và nhân đạo của người lập ra nó, Alfred Nobel, sẽ mãi mãi được nhân loại ghi nhận.

Nhiều điều bất ngờ và thú vị đang đón chờ ở mùa giải Nobel 2019   

Mùa Nobel 2019 sẽ được bắt đầu với việc công bố chủ nhân của giải Nobel Y học (ngày 7-10). Tiếp đó lần lượt là Nobel Vật lý (8-10), Hóa học (9-10), Văn học (10-10), Hòa bình (11-10) và Kinh tế (14-10).   

Một điểm đáng lưu ý là năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển sẽ trao giải Nobel Văn học cho cả năm 2018 và 2019. Năm ngoái giải thưởng này đã bị hoãn công bố do những bê bối lạm dụng tình dục liên quan đến một nhiếp ảnh gia có mối liên hệ với viện Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển. Theo báo New York Times, ông Jean-Claude Arnault-chồng nhà thơ Katarina Frostenson, một thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển-đã bị cáo buộc tấn công tình dục nhiều phụ nữ trong các toà nhà sang trọng thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm tại Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) suốt 20 năm qua. Ngoài ra, ông này còn bị cáo buộc làm rò rỉ các thông tin trao giải của Hội đồng tới 7 lần, kể từ năm 1996.   

Vụ bê bối trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển. Bản thân người đứng đầu cơ quan này là bà Sara Danius cũng đã phải từ chức do bị chỉ trích về cách thức xử lý vụ bê bối trên. Chính bà Danius sau này cũng thừa nhận mình là một trong số những phụ nữ bị ông Jean-Claude Arnault lạm dụng tình dục, trong khi nhiều thành viên trong Hội đồng chấm giải Nobel Văn học cũng "rũ áo ra đi". Cũng vì vụ bê bối trên còn làm dấy lên những đồn đoán của dư luận về việc Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển có thể bị tước quyền quyết định chủ nhân của giải Nobel Văn học danh giá, trọng trách mà họ đã đảm đương suốt từ năm 1901.   

Trong khi đó, với giải Nobel Y học năm nay, những cái tên được xem là sáng giá nhất đó là nhà nghiên cứu người Hà Lan Hans Clevers, với nghiên cứu xác định các thành phần chính của đường truyền tín hiệu WNT có liên hệ chặt chẽ với bệnh ung thư và tự kỷ; cặp đôi ứng viên tiềm năng khác là John Kappler và Philippa Marrack tới từ Trung tâm Y tế Quốc gia Do Thái, với nghiên cứu phát hiện ra sự dung nạp tế bào T, cơ chế giúp tuyến ức loại bỏ các tế bào T, cung cấp thêm hiểu biết về các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp và lupus; ngoài ra còn có Ernst Bamberg tới từ Viện Vật lý sinh học Max Planck (Đức); Karl Deisseroth tại Đại học Stanford (Mỹ); và Gero Miesenböck tới từ Đại học Oxford (Anh) cũng là những cái tên sáng giá…

An Ngọc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm