Dự thảo có 'sinh viên bán dâm 4 lần': Lỗi tư duy

31/10/2018 07:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, một Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT có đề cập đến tình tiết sinh viên ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Khuya 29/10/2018, trang thông tin chính thức của Bộ này đã rút Dự thảo xuống, sau quá nhiều ý kiến phân tích, phản biện, bất bình của giới luật sư, giáo dục và công chúng.

Đành rằng Dự thảo là còn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, nhưng riêng với ngành giáo dục nói chung, Dự thảo này cho thấy một vài lỗi về vấn đề tư duy.

Thứ nhất, theo hướng dẫn trong Dự thảo này thì mỗi lần sinh viên vi phạm mại dâm sẽ có cách xử lý công khai khác nhau, điều này là vi phạm nhân quyền và mâu thuẫn với các văn bản luật khác.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Với hành vi dự thảo nêu mà dư luận phản ứng là bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học, các lần vi phạm trước có các hình thức xử lý khác và mỗi lần như thế đều phải công khai thì quy định như thế là vi phạm quyền con người, vì pháp luật cũng không quy định vấn đề đó phải công khai, nhất là trong môi trường trường học”, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội) chia sẻ với báo VnMedia.

Thứ hai, khi đọc Dự thảo này, nhiều người nghĩ rằng chỉ có sinh viên ngành giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy mới bị điều chỉnh bởi quy định nêu trên. Nhiều người cho rằng, dự thảo này vô hình chung chấp nhận việc học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm, điều mà luật pháp hiện hành đang nghiêm cấm. Thực tế, Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp hệ chính quy ban hành từ năm 2007 cũng đã quy định học sinh, sinh viên có hoạt động mại dâm lần thứ 1 sẽ bị đình chỉ 1 năm học, hoạt động lần thứ 2 thì bị đuổi học. Đến năm 2016, Quy chế được sửa đổi quy định hành vi “hoạt động mại dâm” đến lần thứ 4 thì sinh viên mới bị đuổi học.

Nghĩa là quy định này đã có từ trước và được áp dụng rất rộng rãi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, trong quá trình soạn thảo Thông tư này, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh khi ban hành Quy chế mới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản Dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật Dự thảo phù hợp nhất.

Dù Dự thảo đã được rút xuống để chỉnh sửa, nhưng sơ suất nêu trên vô hình trung đã làm dậy sóng dư luận về nghề giáo. Với truyền thống giáo dục của đại đa số các nước, nghề giáo viên cũng đồng nghĩa với nghề trồng người, nghề giáo dục nhân cách, làm gương đạo đức, cho nên với những người có văn bằng sư phạm, dù hạng ưu, nhưng nhân cách, đạo đức, có vấn đề thì cũng không đủ tư cách để đứng trên bục giảng. Và hành vi bán dâm chỉ là một trong vô số vấn đề đó. Đưa ra một Dự thảo Thông tư với khe hở lớn là có thể chấp nhận một giáo viên tương lai từng có lịch sử bán dâm 3 lần là không phù hợp với thực tiễn. Đó là lý do khiến dư luận cho rằng, với Dự thảo Thông tư này vô tình những người soạn thảo đã xem nhẹ khía cạnh tư cách, đạo đức đối với nghề giáo viên.

Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về sơ suất trong dự thảo quy chế công tác học sinh, sinh viên

Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về sơ suất trong dự thảo quy chế công tác học sinh, sinh viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến nhận trách nhiệm về sơ suất trong việc cập nhật nội dung dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.

Chính vì vậy, qua cơn bão dư luận vừa qua, thì tới đây khi chỉnh sửa Dự thảo Thông tư (và cả Quy chế sinh viên nói chung) cần tư duy theo hướng: siết chặt hơn nữa những quy chuẩn đạo đức đối với sinh viên sư phạm nói riêng và sinh viên nói chung. Và các quy chuẩn này có lẽ không chỉ bó hẹp trong chuyện chống mại dâm mà còn rộng hơn nữa, gồm cả những quy tắc về ứng xử, đạo đức, lối sống... Tất nhiên, những hành vi gì đã được pháp luật điều chỉnh rồi thì cũng không nhất thiết phải đưa vào quy chế.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm