Xuất hành đầu năm: Đi, ghi và ngẫm

09/02/2009 12:00 GMT+7 | Du lịch đời sống

Đầu xuân, tôi thực hiện một chuyến “Open tour” rời Hà Nội để tìm đến vùng đất phương Nam đầy nắng, gió và để hiểu thêm con người và cuộc sống trên các  miền đất nước.

Nha Trang khoáng đạt

Người Nha Trang lấy hoa Cúc như là một loài hoa đặc trưng cho ngày Tết giống như người Hà Nội ưa Quất, Đào và người Sài Gòn yêu hoa Mai. Khách sạn, quán ăn, nhà hàng và các dịch vụ cho du khách vẫn bình thản như ngày thường, tôi không nhận ra các chủ kinh doanh ở đây có ý định chém, chặt khách. Nha Trang có lẽ nhỏ hơn nhiều về qui mô, diện tích và tổ chức so với các thành phố trực thuộc trung ương khác nhưng lại có cảm giác rộng rãi và khoáng đạt hơn vì hạ tầng đô thị không phải oằn lưng chịu gánh nặng dân số và các công trình kiến trúc chen nhau.

Đến “Hòn Ngọc Việt”, với 300 ngàn một vé cho tất cả những gì mà khu du lịch này có để khách hàng sử dụng kể như là xứng đáng. Đã chạm đến ngưỡng của tính văn hóa trong kinh doanh, tất cả mọi thứ ở đây chỉ nhằm một mục đích duy nhất là mang lại tiện ích và sự thoải mái nhất cho du khách. Sự tinh tế trong thiết kế và xây dựng thể hiện ở hàng vạn chi tiết trong tổng thể khu du lịch này đều được nghiên cứu và quan tâm trọn vẹn, trong mọi bước đi của du khách, đến đâu cũng nghe thấy tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng, trữ tình như được phát ra từ cây, từ núi. Để ý kỹ mới biết họ đã giấu những chiếc loa trong những hộp đá được gọt dũa nương theo tự nhiên hay ẩn trong những thân cây đang lặng lẽ tỏa bóng. Cả một khu du lịch rộng lớn, bạn khó tìm ra một đường dây điện hay một ống nước chạy nổi bên ngoài, những chiếc đèn chìm vào nền đá và thật kỳ công khi đường dây dẫn cũng lặn chìm trong đá. Yên tâm nhất là bạn không phải loay hoay tìm nơi “giải quyết” những nhu cầu  tự nhiên của cơ thể đòi hỏi, cứ cách khoảng 100m lại có 1 nhà vệ sinh mà nhìn vào nó không hề khác với cái cửa hàng bán đồ lưu niệm sang trọng bên cạnh.

Du khách nghỉ ngơi, ăn uống ở Lạc Cảnh Đại Nam Văn hiến


Sài Gòn, Bình Dương: Chơi mà chưa cảm

Những con đường hun hút dài đầy nắng, ít bóng cây với 2 bên vỉa hè cẩu thả, xám xịt và nhấp nhô dường như làm cho tốc độ chạy xe của người Sài Gòn hối hả hơn bất cứ thành phố nào. Tôi nhận ra sự phát triển của Thành phố này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền đô thị giống như một tấm áo cơ chế, tri thức, công nghệ và kỹ năng quản lý đã quá chật hẹp với 1 cơ thể quá lớn và ngày càng phát triển.

Người dân ở đây thích đi chơi và trong dịp tết cũng không ngoại lệ, vì thế TPHCM được xem là thành phố có nhiều điểm vui chơi hoành tráng nhất cả nước. Để đi hết các điểm vui chơi, thăm thú chắc hẳn phải dành vài ngày, nghĩ về Hà Nội chợt thấy ngậm ngùi cho bà con trong những ngày Tết chẳng biết đi đâu.

Tôi đến “Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến”, công trình do tư nhân đầu tư với qui mô rất lớn không thuần túy chỉ cung cấp dịch vụ thăm quan, du lịch mà còn như là một bảo tàng các sắc thái văn hóa, lịch sử dân tộc Việt. Nhìn công trình này, khó có thể nghĩ rằng nó là của riêng ai. Mùng 3 Tết, khu du lịch này đang trong những ngày cao điểm khách tham quan, cho dù 1/2 người ở thành phố đã về quê nhưng không vì thế mà điểm này và các điểm khác như Suối Tiên, Đầm Sen không nêm cứng là người. Xét về qui mô mặt bằng, kiến trúc, xây dựng thì khu du lịch này không hề thua chị, kém em so với bất cứ khu du lịch nào trên đất nước ta kể cả những khu du lịch có hàm lượng USD chiếm phần lớn gói đầu tư. Tuy nhiên, con đường đôi cỡ vài chục km nối TPHCM và thủ phủ Bình Dương thẳng tắp, chắc chắn đã đưa khu du lịch Đại Nam đến gần người dân thành phố, nhưng suốt dọc con đường này với dòng xe nườm nượp chảy, tôi không hề thấy bất kỳ một biển hiệu quảng cáo nào hay biển chỉ dẫn nào đến với Lạc cảnh Đại nam. Bạn tôi tuy sống ở Sài Gòn nhiều năm vẫn 2, 3 lần phải dừng xe hỏi thăm đường đến đó. Tiệm cận khu du lịch, cũng giống bất kỳ điểm tham quan nào ở cái sự đông và nhốn nháo, ở cái sự vất vả gửi xe và lo lắng giá trông xe cao ngất. Người đi bộ, ô tô, xe máy tạo ra một cảnh hỗn độn, mất an toàn ngay từ những bước chân đầu tiên đến khu du lịch này.

Với 40 ngàn đồng 1 vé vào cửa và với dòng người cứ cuồn cuộn đi,  doanh thu ngày của khu du lịch này sẽ là con số khổng lồ. Những lối đi có mái che khá khiêm tốn như thể nhà thiết kế còn tiếc nuối ánh mặt trời nơi đây và vì thế nó không đủ thoải mái cho những bước chân bộ hành, không 1 băng ghế đá, không một quầy uống nhanh, không thấy khu WC, không ai hướng dẫn và cũng không hề có thông tin gì để đọc trong hành trình ở khu đại nội. Kết cục của quá trình này sẽ phải là chuyện ăn, chuyện uống, chuyện xả rác. Nhiều bà con Nam bộ đã mang đồ ăn, thậm chí cả nồi nấu lẩu hồn nhiên trải chiếu, trải khăn biến nơi đây thành chiếu nhậu, thành bếp nấu và cũng thản nhiên để lại những bao nilon, những thức ăn thừa và giấy ăn tại chỗ khi ra về để biến thảm cỏ, gốc cây thành bãi rác.

Chúng ta có thể xây nên những công trình vật thế như Lạc cảnh Đại Nam, lớn hơn nữa, thậm chí lớn hơn nhiều nữa, nhưng để thổi hồn cho nó bằng cung cách phục vụ, bằng những khát vọng ẩn chứa trong từng đường nét kiến trúc, bằng những tình cảm và văn hóa đồng hành theo mỗi bước chân du khách là việc hình như còn quá xa vời. Có lẽ chúng ta cần học và cần được lớn lên từ từ trong một nền kinh doanh mà văn hóa sẽ giữ chân con người; văn hóa và sự tôn trọng con người mới chính là thứ sang trọng và đáng đồng tiền hơn những công trình kỳ vĩ. Có lẽ chúng ta cần đảm bảo sự hòa hợp, tương đồng giữa đầu tư vật chất với sự lớn lên về tư duy, nhận thức và văn hóa kinh doanh.

Đà Lạt: Thơ nhưng chưa hẳn... mộng

Háo hức trở lại với Đà Lạt sau nhiều năm xa cách, tôi đáp chuyến xe của 1 hãng du lịch từ TPHCM. Những cây thông già xù xì gốc trên con đường dẫn vào thành phố đã được thay thế bằng những cây thông non chắc vài, ba năm tuổi, không còn đồi Cù thuở nào mà nó đã được thay tên bằng sân Golf Đà Lạt. Cảm giác đầu tiên đến với tôi là người quá đông, đường quá chật hẹp và những khách sạn quá nhỏ không khác gì cảnh trí ở những con phố cổ Hà Nội. Nhân viên các khách sạn “Mini” được thiết kế kiểu nhà ống đều lắc đầu hờ hững: Hết phòng. Chúng tôi đành ở căn phòng của một gia đình kinh doanh tranh thủ cho thuê với giá 400.000đ/ đêm, tuềnh toàng, xám xịt nhưng vẫn may chán so với hàng đoàn người đang thất thểu tìm phòng.

Hết bàn ăn, muốn đi xa hơn để ăn uống cho thảnh thơi thì hết taxi. Vẫy được một chiếc xe 4 bánh có gắn cái biển Taxi trên mui, chui vội vào trong xe mới nhìn kỹ thì thấy đây là chiếc xe có thể đã không còn được phép lưu hành, nó nhàu nát, cũ rách đến khó hiểu, nó ì ạch chạy, nó mệt nhọc len lỏi trên những con đường uốn lượn, ngắn ngủn, rất dốc của Đà Lạt với bộn bề xe và người. Bữa ăn chiều của chúng tôi cuối cùng đành gửi gắm ở một quán lẩu Dê dân dã, lúc đó tôi mới thấm thía kết luận của Y học rằng, bản năng ăn uống là một bản năng mạnh nhất của con người. Nhìn mọi người hối hả gọi, hối hả ăn, hối hả uống tôi cảm giác người ta lên đây chỉ để ăn.

Một ngày du lịch nặng nhọc cũng qua đi với giấc ngủ sâu bởi tiết trời Đà Lạt rất phù hợp với sự ngủ, nhất là với dân quanh năm bị mặt trời sưởi nắng như dân TPHCM. Sáng hôm sau, nghe người dân kể lại, đêm trước đó rất nhiều du khách đã ngủ ngoài đường, có gia đình phải thuê Taxi làm phòng ngủ với giá tương đương khách sạn 4 - 5 sao ở Hà Nội hay TPHCM.

Cùng với sự phát triền kinh tế - xã hội, cùng với sự gia tăng dân số nói chung, ngày nay Đà Lạt phải oằn mình gánh trên vai lượng du khách khổng lồ làm quá tải nhất là vào những dịp cao điểm như Tết và mùa hè. Nên chăng, chính quyền thành phố cần chấn chỉnh và có quy hoạch dài hạn để bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng và nâng cao công suất phục vụ du lịch. Rất nên huy động mạnh mẽ hơn nữa sức dân để đa dạng sản phẩm du lịch, mô hình lưu trú trong nhà dân nhất là ở vùng ven để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống tại chỗ là giải pháp dãn khách có thể rất hiệu quả mang lại sự hài lòng cho du khách và nâng cao thu nhập cho người dân thay bằng tập trung một cách tự phát, kém chất lượng ở khu vực nội thành.

Lời kết

Du lịch từ lâu đã được đặt tên là “ngành công nghiệp không khói”. Trong một cuộc nhàn đàm, bạn tôi nói rằng, ở Việt Nam chả cần phát triển công nghiệp, cứ lấy du lịch làm nòng cốt mà phát triển cũng đủ no, đủ giàu. Ý kiến này tất nhiên là cực đoan nhưng cũng có phần có lý. Với địa hình núi sông, biển, hồ, khí hậu đa dạng, đa dân tộc và đa bản sắc văn hóa, vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thế mạnh để đẩy ngành công nghiệp du lịch phát triển tầm cỡ, nhưng lạ thay tất cả những Logo, những Slogan của ngành Du lịch Việt Nam chính thức đưa ra với bạn bè quốc tế đều có vẻ như thiếu tự tin, thiếu khẳng định với thông điệp “tiềm ẩn”, cũng lạ nữa là chúng ta hay lấy con số vài triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 1 năm như là minh chứng cho biểu đồ phát triển du lịch mà quên mất rằng hơn 80 triệu dân là một tài nguyên vô cùng to lớn thúc đẩy ngành du lịch nội địa phát triển.

Cho đến một ngày, mỗi người dân nơi mình đang sống tự thấy hãnh diện và truyền lại sự hãnh diện ấy của mình cho du khách thì lúc ấy du lịch Việt Nam sẽ thật sự phát triển bền vững.

Hòa Minh Tân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm