Divo Tùng Dương: 20 năm miệt mài 'sưu tập' cúp Cống hiến!

19/08/2022 06:00 GMT+7 | Giải trí

Từ một độc giả thân thiết trong những năm tháng sinh viên đến khi trở thành nhân vật chính trong các bài viết, Tùng Dương luôn coi Thể thao và Văn hóa (TTXVN) như một người bạn đồng hành trên chặng đường 20 năm ca hát của mình.

Ca sĩ Tùng Dương: 'Sáng tạo vẫn là tối cao trong nghệ thuật'

Ca sĩ Tùng Dương: 'Sáng tạo vẫn là tối cao trong nghệ thuật'

Như TT&VH đã giới thiệu trong chuyên mục “Nhạc Việt ngày nay” tại số báo ngày 14/6, MV “Hope” của Tùng Dương đang được khán giả đón nhận một cách khá đặc biệt.

Chủ nhân của 13 chiếc cúp giải Âm nhạc Cống hiến, chia sẻ những kỷ niệm và cảm xúc đáng nhớ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Chú thích ảnh
Tùng Dương (trái) chia sẻ cùng ông Lê Xuân Thành, Trưởng BTC, niềm vui đoạt 3 chiếc cúp của Giải Cống hiến 2021. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vỡ òa cảm xúc khi lần đầu là "Ca sĩ của năm"

* Nhắc tới báo Thể thao và Văn hóa, Tùng Dương có còn nhớ những ấn tượng đầu tiên, lần đầu tiên những bài viết về anh xuất hiện trên báo…?

- Thú vị là ngày xưa, Tùng Dương cũng là một độc giả thường xuyên của báo Thể thao và Văn hóa. Từ hồi là sinh viên Tùng Dương đã rất thích Thể thao và Văn hóa với những thông tin văn hóa xã hội cập nhật, cùng đầy đủ hết những Bảng xếp hạng Billboard, MTV… Tôi nhớ như in cả những số báo cuối tuần với những bài viết, bài phỏng vấn rất chất về các đồng nghiệp.

Tùng Dương coi Thể thao và Văn hóa như một người bạn đồng hành. Tôi không thể nhớ hết những mối duyên, những bài viết về mình trên báo với những thành tích và bộ sưu tập Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến.

Chú thích ảnh
Công bố Giải "tiền" Cống hiến 2004 trên báo TT&VH ngày 21/1/2005. Tùng Dương đoạt giải "Ca sĩ của năm"

Bài báo đầu tiên Thể thao và Văn hóa viết cho Tùng Dương có lẽ là năm tôi nhận giải thưởng Ca sĩ của năm tại Giải Âm nhạc "tiền" Cống hiến 2004 (công bố ngày 21/1/2005).

2005 cũng là năm đầu tiên báo Thể thao và Văn hóa tổ chức Giải Âm nhạc Cống hiến, chưa chính thức nhưng là một trong những giải thưởng uy tín được giới chuyên môn ghi nhận, được thiết lập và bình chọn bởi những nhà báo uy tín ở cả hai miền Nam - Bắc.

Tùng Dương cũng vẫn nhớ những tác giả như Nguyên Minh, Thủy Phạm, Cung Huy, Hiếu Son… rất nhiều thế hệ các anh chị nhà báo đã đóng góp, cống hiến rất nhiều cho Thể thao và Văn hóa, có những bài viết thật hay cho Tùng Dương và những nghệ sĩ khác nữa.

Chú thích ảnh

* Lần đầu tiên giành giải thưởng lớn Ca sĩ của năm tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến do báo tổ chức, anh có còn nhớ cảm xúc khi đó ra sao?

- Năm 2005, giải thưởng tiến hành bầu chọn ở TP.HCM còn Tùng Dương thì đang ở Hà Nội. Khi cuộc bầu chọn kết thúc thì nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã gọi điện cho Tùng Dương và bảo: Em đã chiến thắng, em đã vượt qua rất nhiều đối thủ nặng ký khác như Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Thanh Lam để được bình chọn là Ca sĩ của năm. Oách quá, cố gắng nhé!

Tùng Dương vỡ òa trong cảm xúc vì không nghĩ khi đó Tùng Dương còn là ca sĩ trẻ mà được vinh danh ở hạng mục Ca sĩ của năm cùng với các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến khác.

Chú thích ảnh

* Giải Âm nhạc Cống hiến đầu tiên đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh? Đến nay, Tùng Dương đã 13 lần đoạt cúp Cống hiến, cảm xúc và suy nghĩ của anh có thay đổi nhiều so với lần đầu tiên nhận giải?

- Giải Ca sĩ của năm là một trong những kỷ niệm lớn tiếp cho Tùng Dương những năng lượng tích cực, để rồi sau đó 20 năm, Tùng Dương vẫn tiếp tục được nhận giải Cống hiến trong sự nghiệp ca hát của mình (ở lần trao giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 16 năm 2021, Tùng Dương lập cú hat-trick với 3 giải: Ca sĩ của năm, Album của năm Human và Chương trình của năm Con người - PV).

Diva Mỹ Linh có hài hước nói với Tùng Dương rằng: "Giải Âm nhạc Cống hiến cứ như là dành cho riêng Tùng Dương vậy, chị thấy lần nào được đề cử Tùng Dương cũng giành giải" (cười)!

Tùng Dương rất vui trước sự ghi nhận của báo giới. Hơn nữa, mỗi giải thưởng có một tiêu chí riêng, với Giải Âm nhạc Cống hiến tiêu chí là: Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng. Sự sáng tạo của Tùng Dương phù hợp với tiêu chí của giải Âm nhạc Cống hiến chăng? Hay vì mình cũng có sự may mắn chút ít hơn các đối thủ khác? Có thể là như vậy.

Tuy nhiên, những dự án được bình chọn và trao giải Album của năm như Những ô màu khối lập phương, Li ti, Human, liveshow Độc đạo, Con người… đều được Tùng Dương được đầu tư rất kỹ lưỡng. Quan trọng nhất với Tùng Dương không phải bao nhiêu giải thưởng mình đạt được, mà là sự ghi nhận, vinh danh sự cống hiến, miệt mài sáng tạo của Tùng Dương và cả ê-kíp.

Chú thích ảnh

An tâm với sự lựa chọn… độc đạo và sáng tạo

* Đam mê và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho các dự án âm nhạc, ca sĩ Tùng Dương có thường xuyên đọc sách không và anh thích đọc sách lĩnh vực nào?

- So với rất nhiều người bạn của mình, tôi tự nhận thấy mình không phải là người đọc quá nhiều. Tuy nhiên, tôi luôn ý thức gắt gao tầm quan trọng của việc đọc sách.

Tôi sinh ra trong một gia đình có các ông trẻ là nhà thơ, nhà văn Phạm Hổ, Phạm Văn Ký, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ... Bố và bác ruột của tôi đều là nhà giáo giảng dạy bộ môn Văn học Việt Nam và Văn học Nga. Sống trong một “bầu khí quyển” giáo dục và văn chương như vậy, tuổi thơ của tôi cũng có thói quen hoàn thiện kiến thức, tri thức của mình qua việc đọc sách.

Ở thế hệ của mình, chúng tôi được tiếp cận nhiều nhất với văn học và điện ảnh Xô viết thời thơ ấu. Đó là những tác phẩm với tầm ảnh hưởng đến lịch sử của Maksim Gorky, người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội trong văn chương đồng thời là nhà hoạt động chính trị người Nga. Tôi nhớ mãi câu nói của ông: “Văn học là nhân học”.

Các danh tác như: Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoy), Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky), Ruồi trâu (Ethel Voynich)… cũng như gắn bó với tôi, gia đình tôi và rất nhiều thế hệ người đọc Việt Nam yêu văn hóa Nga.

Chú thích ảnh

* Tùng Dương nghĩ sao về văn hóa đọc hiện nay, đặc biệt là văn hóa đọc của giới trẻ?

- Thời đại công nghệ, việc đọc sách giấy sẽ ít hơn so với đọc online đồng thời văn hóa nghe - nhìn lấn át văn hóa đọc. Điều này khiến các bạn trẻ có vẻ như xa dần với thói quen đọc mỗi ngày, thay vào đó là mở rộng các chương trình online.

Việc này có những mặt hiệu quả nhưng cũng mang lại điều đáng tiếc về sự khiếm khuyết hay cảm xúc thiêng liêng thế nào khi ta đọc xong và suy ngẫm một cuốn sách. Sách có thể dạy chúng ta cách giải quyết những khúc mắc, cách nhìn, tháo gỡ dễ dàng mọi vấn đề trong cuộc sống.

Chú thích ảnh

* Chia sẻ về một cuốn sách hay một triết lý từ cuốn sách mà anh luôn tâm đắc?

- Tôi thích triết lý của F. Nietzsche qua những câu nói thú vị tới mức ám ảnh như: “Người chiến đấu với quái vật nên cẩn thận, đừng để bản thân cũng biến thành quái vật trong cuộc chiến”.

Nếu chỉ đọc Kẻ phản Ki-tô, có lẽ tôi sẽ chỉ cảm thấy Nietzsche là một nhà triết học điên. Tác phẩm với tư tưởng của ông như tìm ra đường đi cho loài người, đưa ra con đường mới, những giá trị mới hướng tới cho đời sống, tìm ra ý nghĩa của việc sống và tồn tại.

Vì vậy, tôi luôn quán chiếu về tính triết lý được đưa ra, truyền cảm hứng cho chính mình cũng như hoàn toàn an tâm với sự lựa chọn của mình trên độc đạo và sáng tạo. Điều đó được tôi rút ra từ việc đọc sách.

Chú thích ảnh

* Một điều mong muốn hay nuối tiếc nào đó của Tùng Dương về báo in Thể thao và Văn hóa?

- Tùng Dương vẫn mong một ngày nào đó Thể thao và Văn hóa lại có tờ Cuối tuần, vì đây là tinh hoa của báo. Bên cạnh những tin tức nóng hổi, trong đó còn có những bài viết chất lượng, dài kỳ, bài phỏng vấn sắc sảo của các phóng viên thức thời về thời sự, về văn hóa, có góc nhìn riêng không giống những tờ báo khác…

Hoặc cũng có thể bằng một hình thức khác như chuyên mục cuối tuần trên Online với những bài viết chất lượng để độc giả có thể vừa đọc, vừa cảm nhận, vừa “chill” vào những ngày nghỉ!

* Cảm ơn anh về những chia sẻ! 

Tiểu Phong (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm