Vừa 'vị nhân sinh' vừa 'vị nghệ thuật'

05/12/2018 07:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 25/11/2018 tại Hà Nội, cuộc đấu giá từ thiện của tổ chức Nhà chống lũ (chủ đạo là tranh vẽ) đã thu về khoảng 1,7 tỷ đồng. Tối 29/11 tại TP.HCM, đấu giá từ thiện Vết sẹo cuộc đời 8 (cũng rất nhiều tranh vẽ) thu về gần 10 tỷ đồng. Tối 1/12 tại TP.HCM, đấu giá từ thiện Operation Smile Vietnam (chủ đạo là tranh vẽ) thu về hơn 2 tỷ đồng.

Họa sĩ Trần Lâm Bình đấu giá tranh vì trẻ viêm não

Họa sĩ Trần Lâm Bình đấu giá tranh vì trẻ viêm não

Chiều ngày 17/11, CLB Honda 67 Quảng Nam và họa sĩ Trần Lâm Bình đã tổ chức bán đấu giá bức tranh Hồi sinh của họa sĩ Trần Lâm Bình cho mục đích từ thiện với sự góp mặt của 400 thành viên của hội viên xe Honda 67.

Và tối 7/12 tới đây tại TP.HCM, đấu giá từ thiện Live To Love Vietnam (chủ đạo là tranh vẽ) sẽ diễn ra, dự kiến thu về hơn 3,5 tỷ đồng.

Còn nhiều phiên khác nữa. Ít khi nào tranh vẽ xuất hiện dày đặc trong các phiên đấu giá từ thiện giống như vậy. Nhưng điều đáng nói nghệ thuật không chỉ “vị nhân sinh”, mà còn vị cả “vị nghệ thuật” nữa.

Rõ ràng, với đa số những người thụ hưởng từ các chương trình từ thiện này, thậm chí với số đông ngoài xã hội, nghệ thuật dù làm đẹp cho đời, nhưng chúng khá vô dụng. Một triết gia lẫy lừng như Jean-Paul Sartre, mà có lúc phải thốt lên: “En face d'un enfant qui meurt, “La Nausée” ne fait pas le poids”. (Tạm dịch: Trước mặt đứa trẻ chết đói, cuốn “Buồn nôn” chẳng có ký lô gì).

Chú thích ảnh
Bức sơn mài của Thành Lễ được "Live To Love Vietnam" mua để đưa ra đấu giá từ thiện vào tối 7/12/2018

Bằng phương cách có thể ít tế nhị và chưa nghệ thuật cho lắm - đấu giá - các bức tranh đã làm được việc hữu dụng của mình. Số tiền mà Vết sẹo cuộc đời 8 thu về sẽ giúp được 351 trẻ em khỏi căn bệnh tim bẩm sinh. Điều này với giới làm văn hoá - nghệ thuật có thể ít có tác động về giá trị làm nghề, nhưng với những người lâu nay xem nghệ thuật là vô dụng, sẽ thêm quý mến nghệ thuật. Vậy là dù vị nhân sinh, nhưng nghệ thuật đã có thêm cơ hội để vị chính mình.

Tại phiên đấu của Live To Love Vietnam, nghệ thuật vừa vị nhân sinh vừa vị nghệ thuật càng thể hiện rõ hơn. Với các phiên từ thiện khác, ban tổ chức thường xin tranh để đấu, phiên này thì mua tranh, dù giá mua có thể thấp hơn mặt bằng chung của thị trường đôi chút.

Cách này có gì hay hơn? Đầu tiên, họa sĩ hoặc người sở hữu tranh sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc cung cấp các tác phẩm có giá trị, mà nếu đi xin thì rất khó có được. Thứ hai, người bỏ tiền ra đấu giá từ thiện cũng có cơ hội sở hữu được các tác phẩm có giá trị, thay vì phải “miễn cưỡng” đấu ủng hộ.

Điều này làm cho phiên đấu dễ đạt giá bán cao, giúp đơn vị thụ hưởng từ thiện thêm quyền lợi. Thứ ba, những nhà tổ chức như Live To Love Vietnam sẽ thấy yên tâm và tự hào hơn, vì họ không phải bán những món hàng yếu về chất lượng. Thứ tư, từ ba khía cạnh vừa nêu, thị trường nghệ thuật sẽ có thêm một kênh để định hình, định lượng và phát triển.

Tất nhiên ngày càng có nhiều mô hình hoạt động giống như cách thức của Live To Love Vietnam, nên ở đây chỉ nêu ra như là một ví dụ điển hình cho việc “phối kết hợp” làm sao để nghệ thuật vị nhân sinh và nhân sinh cũng vị nghệ thuật nữa.

Bởi rõ ràng, muốn sở hữu một tác phẩm nghệ thuật - dù tại phiên đấu giá từ thiện - thì các đại diện của nhân sinh cũng phải hết sức nỗ lực và cố gắng, vì số tiền bỏ ra không nhỏ. Một nhà sưu tập kể rằng chị phải dành dụm từ nửa năm lương làm chuyên gia mới đủ đấu một bức tranh tại một phiên từ thiện.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm