'Vênh váo như bố vợ phải đấm'

30/12/2020 09:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ rất ít người Việt ta lại không thuộc “nằm lòng” câu thành ngữ “Vênh váo như bố vợ phải đấm”. “Vênh váo”, một tính từ gợi tả vẻ mặt hợm hĩnh, tinh tướng, ra vẻ ta đây “anh hào”, coi người đời “bằng nửa con mắt”. Chính từ nghĩa này mà câu thành ngữ trên có khá nhiều vấn đề cần bàn.

Chữ và nghĩa: Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng

Chữ và nghĩa: Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng

“Ghen đồng ghen bóng” trở thành một kiểu ghen "lạ đời" nhất trong đời sống tín ngưỡng Tứ Phủ.

Nhưng chúng ta hãy khoan bàn chuyện ngữ nghĩa. Câu hỏi đưa ra một sự tình, có thể nói là không bình thường trong đời sống bình thường: "bố vợ" của ai đó bị (một kẻ nào đó) hành hung (bị đấm). Thử hỏi là ai đã cả gan đấm ông bố vợ kia nhỉ? Cứ theo ý tứ mà suy thì chắc là chàng rể nào đó (chứ còn ai vào đây nữa?) làm cái việc động trời này.

Bố vợ, mẹ vợ (hay bất cứ ai bên nhà vợ) đều phải hết sức trân trọng, kính nể, giữ ý giữ tứ. Việc chàng rể quý thẳng tay đấm bố vợ kể cũng hiếm, rất hiếm. Đó là thứ con “cọc chèo” mất nết, thật hỗn láo quá chừng!

Song chuyện ông bố vợ phải đấm mà sao cứ còn “vênh” nghe ra vô lý… ầm ầm. Có thể ông ta hoặc là nổi đóa (cho thằng con láo lếu kia một trận), hoặc là tuyên bố từ mặt (không nhận “hắn” làm con nữa). Chứ bị đấm tối mắt tối mũi mà mặt lại vênh như “bánh đa nướng”, e rằng thần kinh có chuyện không bình thường.

Chú thích ảnh

Chính vì vậy mà nhiều người đã đặt vấn đề xem xét lại xuất xứ câu thành ngữ này đấy.

Các bạn có thể nghi hoặc một điều là, hình như câu thành ngữ này được xuất xứ từ một nguyên gốc khác, hợp lý hơn. Hiện tại, trong dân gian, còn có thêm 2 cách giải thích về nguồn gốc câu thành ngữ này:

1. “Vênh váo như bố vợ cậu ấm” (cậu ấm: “quý tử”, con quan ngày xưa, rất được cưng chiều). Ai làm bố vợ cậu ấm này hẳn là danh giá, đáng để “vênh mặt” với làng nước. Con gái được gả cho con trai các quan (nhất là quan to) thì danh giá còn gì bằng!

2. “Vênh váo như khố rợ phải lấm” (khố rợ: Dụng cụ dùng để đánh bắt cá ở vùng sông nước. Khi đưa lên cạn, bùn đất bám vào (phải lấm) đó khô đi làm tấm lưới này cong vênh, cứng lại). Nếu ai ở nông thôn, vùng đồng chiêm trũng ngày xưa, hẳn không lạ mấy ông đánh giậm, tát chuôm, hôi cá lấm lem bùn ở khố mặc quanh người. Khi bùn khô cứng thì cái khố kia có khác gì mo nang đâu.

Nhưng bất luận theo xuất xứ nào, nghĩa “trọn gói” của câu thành ngữ này vẫn là chỉ “ai đó kiêu căng, hợm hĩnh, dương dương tự đắc không phải lối, coi thường người khác”, không phù hợp với mọi tình huống ứng xử thông thường.

“Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, NXB Văn hóa Thông tin, 1993) còn thống kê thêm 1 biến thể nữa là “bố vợ phải đấm” và cho rằng câu này có 2 nghĩa: 1. Ấm ức, bực bội mà phải nén chịu; 2. Kiêu căng, hợm hĩnh, tự đắc. Như vậy, dân gian vẫn còn chưa thống nhất về biến thể tồn tại lẫn ngữ nghĩa của câu thành ngữ này.

Hay gì cái thói dương dương

Vênh vang như thế ai thương cho cùng...

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm