Về nước hay không về nước và tư duy 'khó mới vui'

15/12/2015 12:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Chán quá, tao thấy mọi xếp đặt có vẻ tầm thường quá, vì vậy, mình phải tạo ra đủ mọi thứ khó khăn… Nếu như không có ai người ta gây ra những khó khăn ấy thì tự mình phải bày ra những khó khăn ấy” - Tom Sawyer nói với Huck Finn khi hai đứa tính kế giải cứu anh da đen Jim.

Trong truyện Những cuộc phiêu lưu của Huckerberry Finn của văn hào Mỹ Mark Twain, hai nhân vật nổi tiếng Tom và Huck đã có cuộc tranh luận ngắn gọn nhưng kinh điển, với giọng điệu trẻ con nhưng chủ đề có thể nói là vĩ mô. Nguyên nhân tranh luận khá đơn giản: dùng cuốc hay dùng dao để đào đường hầm vào nhà giam cứu Jim.

Huck chủ trương dùng cuốc, nhưng Tom nhất quyết đòi dùng dao, nguyên nhân là “dùng dao mới đúng quy tắc đạo đức như trong các cuốn sách mà tao đã đọc”. Đại loại, đào bằng dao thì khó hơn bằng cuốc và như vậy thì oai hơn.

Sau khi dùng dao đào rã rời mà đường hầm vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu, cuộc tranh luận diễn ra khá chóng vánh. Huck nói: “Đạo đức hay không đạo đức thì dùng cuốc vẫn đúng. Khi tao bắt tay vào việc cướp một người da đen, hay một quả dưa, hay một quyển sách của trường nhà dòng thì tao không cần quan tâm việc đó có đạo đức hay không. Cái tao cần là anh da đen của tao, quả dưa của tao, hoặc quyển sách của trường nhà dòng, và nếu cái cuốc là tiện nhất thì tao dùng cái cuốc”.


Mark Twain phải tỏ ra rằng văn chương của ông toàn đùa cợt, nếu không sẽ bị treo cổ, bởi thực ra ông viết toàn sự thật

Còn Tom vẫn cho rằng dùng dao mới đúng, nhưng cũng chấp nhận dùng cuốc, vì rằng nếu dùng dao thì hẳn phải tốn những 38 năm. Tom lý luận: “Đúng là đúng, sai là sai. Mày không có quyền làm sai khi mày không ngu và có hiểu biết. Mày có thể dùng cuốc thay dao mà chẳng phải suy nghĩ gì cả vì mày không có cách nào khác. Nhưng tao thì khác”.

Tóm lại, chỉ là chuyện giữa hai đứa trẻ ranh ở Mỹ, một đứa ít học nhưng trải đời hơn (Huck) và một đứa nhiều học hơn nhưng lại lậm sách phiêu lưu nên nhất quyết bám vào những quy tắc quái lạ (Tom).

Điều đáng nói là khi đọc sách, chúng ta đều thấy những quy tắc của Tom buồn cười đến mức nào (cố sức leo cột đèn để ra vẻ khó khăn trong khi có thể đi cầu thang), nhưng ngoài đời, có thể chính chúng ta cũng đang sống theo những quy tắc buồn cười của mình, hoặc xã hội, mà không biết. Đọc sách, ta nhiều lần phá lên cười vì Tom. Ngoài đời, chưa biết chừng đời ta cũng như chuyện tiếu lâm.

Ví dụ, cãi nhau về chuyện du học sinh về nước hay không về nước thì ảnh hưởng gì đến Việt Nam chẳng hạn. Khi cãi nhau, chúng ta như mặc định rằng về nước là làm lợi cho Việt Nam, còn ở lại nước ngoài là không làm lợi cho Việt Nam. Một kiểu mặc định mơ hồ đến mức phải đặt câu hỏi: “Chắc không?”.

Các nhóm tranh luận dần chia thành hai phe “về nước - không về nước” mà quên mất mục tiêu chung là cống hiến cho xã hội chứ không phải chứng tỏ phe mình đúng. Đúng xong rồi sao? “Ở đâu cũng có thể cống hiến, ở đâu cũng có thể phá hoại. Vấn đề là sống như thế nào chứ không phải ở đâu” - Đặng Hoàng Giang, một cựu du học sinh từng sống lâu năm ở nước ngoài và về nước lập nghiệp, nói.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm