'Tui là Rác’, 'Sách hóa nông thôn' và sự phán xét vô cảm

01/07/2015 05:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mỗi buổi chiều tại khu vực công viên Long Bình, Biên Hòa (Đồng Nai), có thể bắt gặp nhóm bạn trẻ với hành vi lạ lùng. Họ đứng trong chiếc sọt màu đỏ, tay cầm tấm biển với dòng chữ: “Tui Là Rác”.

Rác trong sọt. Thông điệp tưởng như kỳ cục nhưng lại vô cùng dễ hiểu. Dễ hiểu đến mức, dường như nhiều người đã quên đi điều hiển nhiên ấy.

Nguyễn Quý Tùng, người sáng lập ra dự án nhỏ này là một chàng thanh niên có bề ngoài rất bình thường: dong dỏng cao, đeo cặp kính dày và dáng vóc khỏe khoắn. Ít ai biết rằng Tùng chính là người đã dựng tấm băng rôn “xấu hổ thay cho những ai cướp vài lon bia” trong vụ “hôi bia” ở Đồng Nai năm 2013. Treo băng rôn “xấu hổ” thay cho những người hôi bia, đứng trong sọt rác kêu gọi vứt rác đúng nơi qui định, Tùng hẳn là một người yêu Biên Hòa rất nhiều?


Nhóm bạn trẻ đứng trong chiếc sọt màu đỏ, tay cầm tấm biển với dòng chữ: “Tui Là Rác”

“Nếu chỉ nói yêu Biên Hòa hay Việt Nam không thì không đủ, thậm chí là không đúng. Em yêu cả Trái đất, cả loài người chứ không chỉ có mỗi Việt Nam hay Biên Hòa!”. Đó là một câu trả lời rất cứng rắn, khí phách và đậm màu tuổi trẻ.

Vấn đề môi trường không còn là điều quá mới mẻ nhưng tương đối bế tắc. Làm sao để giải quyết vấn đề này? Quý Tùng nhận xét: “Đa số mọi người không nhận thức hết tầm quan trọng của môi trường. Nếu họ nhận thức được thì chắc sẽ hạn chế được phần nào”. Và Tùng quyết định biến mình thành rác. Mọi thứ không bắt đầu dễ dàng. Em phải đối mặt với nỗi sợ hãi. Tùng hiểu rằng việc mình đang làm là chưa từng có tiền lệ và thật kỳ cục. Nhưng em đã vượt qua...

2. Từ một người, “Tui Là Rác” bắt đầu có những người thứ hai, thứ ba, thứ tư... tất cả đều rất trẻ. Vì sao họ lại chọn đứng vào sọt và cầm biển thay vì đi nhặt rác, quét rác như nhiều nhóm khác từng làm?

“Quét rác để làm gì khi sự thật là vẫn luôn có những công nhân quét dọn đường phố chưa bao giờ hết việc. Một nhóm nhỏ đi nhặt rác sẽ không thể giải quyết được vấn đề, mà câu chuyện phải nằm ở tư duy của người xả rác”. Đó là một suy nghĩ thú vị, liên quan đến chuyện con cá và cần câu. Theo sau nhặt rác không khác gì cho người ta một con cá, ăn rồi hết và lại phải cho thêm. Ngược lại, tác động vào tâm lý của họ rằng cần xả rác vào đúng nơi qui định sẽ là “cần câu”.

Nhiều người ở Hà Nội, Sài Gòn và dĩ nhiên cả Biên Hòa bắt đầu lên tiếng ủng hộ. Dĩ nhiên, không phải tất cả phản hồi đều tích cực. Tìm kiếm từ khóa “Tui là rác” trên Google, có thể dễ dàng thấy mục bàn luận trên một diễn đàn về công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam. Phần lớn ý kiến đều đánh giá thấp dự án “Tui Là Rác”, cho rằng Tùng là kẻ nhàn rỗi muốn tìm cách nổi tiếng. Cũng có một tờ báo giật tít nói về Tùng: “Hot boy Biên Hòa tự nhận Tui là rác”.

Việc này khiến tôi nghĩ tới hình ảnh anh Nguyễn Quang Thạch, người đã đi bộ xuyên Việt hai lần, lăn lộn gần 20 năm trời để quyên góp sách, dựng lên những tủ sách ở nông thôn Việt Nam.

Để thực hiện dự án “Sách hóa nông thôn” nhằm mang tới tri thức cho 10 triệu trẻ em, anh Thạch đã 3 lần nghỉ việc, trong đó công việc cuối cùng anh hưởng mức lương 900 USD/tháng. Anh kêu gọi quỹ theo hình thức “mỗi thành viên xã hội góp 20.000 đồng/tháng, vì sách hóa nông thôn”.

Suốt ba năm trời đi bộ tìm cách khai trí cho trẻ em Việt Nam, anh Thạch sống trong áp lực của chỉ trích. Người ta nói anh là... kẻ ăn bám, là không đi làm kiếm tiền mà dùng tiền của người khác để làm theo mục đích riêng.

Thật mừng khi họ vẫn giữ vững ý chí và niềm tin, vẫn làm được những gì họ nói và cả không nói. Chúng ta sẽ cần ai hơn, những thành viên của những diễn đàn này nọ hay bạn Tùng và anh Thạch?

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm