Từ túi ni- lông vượt suối tới xin kết hôn với tử tù: Tôi sợ lắm 'thuyết âm mưu' mọi ngả

23/03/2014 16:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận đang xôn xao về câu chuyện người phụ nữ 26 tuổi xin đăng ký kết hôn với người đàn ông 57 tuổi bị Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, khi đọc, nghe xong câu chuyện tưởng chừng như cổ tích này, không nhiều người xúc động. Ngược lại, người ta gán cho cô gái trẻ thiệt thòi kia hàng loạt những mưu đồ đằng sau hành động ấy.

1. Cụ thể, ngày 15 tháng 11 năm 2013, ông Đặng Văn Hai 57 tuổi bị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên tử hình trong vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính (ALC2). Một thời gian ngắn sau, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận đơn đề nghị được làm đăng ký kết hôn với ông Đặng Văn Hai của chị Ngô Thị M. L

Trong đơn được công bố trên mặt báo sáng nay, chị M. L viết: "Dẫu biết mọi khó khăn vẫn ở phía trước nhưng chính ở thời điểm này, với tư cách là một người vợ, tôi vẫn mong muốn được thăm nuôi, chăm sóc ông Hai trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm. Đồng thời đó cũng là một phương cách động viên tình cảm với ông Đặng Văn Hai. Các con của chúng tôi còn rất nhỏ cũng sẽ có lúc được nhận cha mình, dù là tử tù đi chăng nữa”.

Còn trong lá đơn của mình, ông Hai viết:  “Đây là nguyện vọng chính đáng và mang tính nhân đạo của hai vợ chồng tôi. Đồng thời cũng là để hai đứa con chung của chúng tôi chính thức được pháp luật thừa nhận cha đẻ hợp pháp của mình”.

Trước khi ông Hai vào tù, hai người đã sống với nhau như vợ chồng được gần chục năm và có với nhau 2 mụn con. Nên ngoài việc an ủi ông Hai, việc đăng ký kết hôn cũng khiến hai đứa nhỏ có cha hợp pháp. Vì vậy, theo lẽ thường, đây là một hành động rất nhân văn. 

Nhưng ngay khi câu chuyện kỳ lạ của ông Hai và chị L được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, phần đông dư luận lại phản ứng ngược. Họ không tin vào tình yêu của chị L, càng không tin những yếu tố nhân đạo với hai cháu nhỏ. Những bình luận sau bài báo hoặc trong các diễn đàn mạng tìm nhiều lý lẽ, lập luận để cuộc hôn nhân đặc biệt này không được thực hiện.

Đa phần dư luận đều nghĩ có những mưu đồ phức tạp khác đằng sau câu chuyện với bề ngoài rất đỗi nhân đạo này. Và con người dần mất niềm tin vào chuyện cổ tích. Tình thương yêu vượt qua song sắt nhà tù và cao hơn cả cái chết lại càng là một thứ xa xỉ. Thay vào đó, họ hướng theo những thuyết âm mưu trúc trắc, ngùng ngoằng có phần tàn độc.

2. Theo từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia: Thuyết âm mưu (conspiracy theories) hay thuyết ngờ vực là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích theo đó buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện hoặc một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn kinh tế chính trị xã hội.

Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm các chi tiết. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận, báo chí thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích.

Trên lý thuyết, thuyết âm mưu được hình thành từ sự phản biện nên về bản chất, thuyết âm mưu là tốt. Nó tôi luyện cho con người sự hồ nghi cần thiết trước những sự vật, hiện tượng (thay vì răm rắp tin theo một giáo điều nào đó). Nhiều nhà báo, chuyên gia, nhân viên điều tra đã thành công với những thuyết âm mưu sau đó được củng cố bằng luận cứ vững chắc rồi phơi bày sự thật.

Song, khi thuyết âm mưu gieo rắc thái quá, vô căn cứ, nó sẽ là thảm họa về tình người. Có muôn vàn ví dụ. Cách đây ít lâu là các giả thuyết về cái chết của chị Huyền trong vụ Thẩm mỹ Viện Cát Tường, những giả thuyết bừa bãi và vô nhân tính. Gần đây là những giả thuyết nghi hoặc chuyện cô trò bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) dàn dựng cảnh quay vượt suối bằng túi ni- lông. Mọi tính toán dẫn đến kết luận của "cư dân mạng" chỉ dựa vào đếm bước chân và tính số giây qua suối trong..clip. Và khi phóng viên quay lại Sam Lang, ghi hình và tường thuật lại mọi chuyện đều rõ ràng.

3. Quay trở lại với câu chuyện xin kết hôn với tử tù của chị M.L và anh Hai. Người viết xin miễn bàn đúng sai. Bởi dù phán xét đúng hay sai cũng sẽ lại dựng lên một thuyết âm mưu khi chưa đủ căn cứ. Và mọi thuyết âm mưu chỉ dựa trên những bằng chứng yếu đều có khả năng làm con người trở nên bất nhẫn vì làm tổn thương đồng loại (hoặc ngược lại sẽ tự làm tổn thương mình).

Nhưng từ câu chuyện cổ tích vẫn đang dang dở và phản ứng dữ dội này của dư luận trong cộng đồng ảo đặt ra những vấn đề của xã hội thực. Rằng không phải ngẫu nhiên đám đông trở nên chai sạn với thứ họ khao khát. Mà hiện tượng này chỉ là bề nổi của tảng băng khi hàng trăm, hàng ngàn lần con người mất niềm tin vào nhau (và cả niềm tin vào bản thân mình) rồi hướng về thuyết âm mưu.

Vậy, con người càng không dám tin vào những điều tốt đẹp từ khi nào?

Con người không tùy tiện ban phát tình thương từ khi biết tin người ăn xin họ cho tiền mỗi ngày đột ngột bị phát hiện có gia sản kếch xù.

Con người cũng hồ nghi vào những chuyện cổ tích khi những đứa trẻ sinh ra từ tinh trùng người cha đã chết đã chào đời nhiều ngày vẫn chưa được mang họ cha.

Hẳn nhiên, chừng nào sự vật, hiện tượng không được gọi đúng tên và thực hiện trọn quy trình, chừng đó, những câu chuyện xin kết hôn với tử tù, vượt suối bằng túi ni- lông để học cái chữ... sẽ còn bị đeo đuổi bởi những thuyết âm mưu.

Và một xã hội luôn nghi ngờ tình thương vô căn cứ còn đáng sợ gấp nhiều lần một xã hội không có tình thương!

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm