Từ biển cấm bằng tiếng Việt, ngẫm lời Trịnh Công Sơn

02/04/2014 09:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Thế giới ngày càng “phẳng”, con người ở các quốc gia đang ngày càng dễ “trộn” vào nhau. Để khẳng định bản sắc, các dân tộc đang ra sức quảng bá văn hóa của mình. Bởi như nhà văn từng đoạt Giải Goncourt André Malraux đã nói: "Văn hóa là những gì còn lại, khi tất cả đã mất đi!".

Thực tế, trong cuộc cạnh tranh này, chúng ta chưa đủ tiềm lực để làm những chiến dịch lớn toàn cầu, giống như trào lưu nhạc Hàn, phim Hàn, phim truyền hình Trung Quốc… Đơn giản, chỉ 1 clip quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam “tươi đẹp”, “thân thiện” ngắn ngủi trên kênh truyền hình quốc tế cũng tốn hàng triệu đô la. Hình ảnh đất nước trông chờ vào những người Việt ở nước ngoài, như những sứ giả.

Nhưng hãy xem một số “sứ giả” ấy đang làm gì?

Trang Jiji Press của Nhật vừa qua đưa thông tin rằng người Việt đứng đầu danh sách các vụ trộm cắp tại các cửa hàng, siêu thị. Đến nỗi “thay vì chỉ nhờ người Việt hỗ trợ ngôn ngữ, cảnh sát Nhật đã phải tiến đến mở liên tục các lớp học tiếng Việt cho nhân viên của mình”. Rồi đến chuyện các tiếp viên hàng không Việt Nam mang “hàng xách tay”…

Trớ trêu, khỏi mất công, mất của, tiếng Việt của chúng ta đã được quảng bá một cách bất đắc dĩ, với những biển cấm: “Cấm ăn cắp vặt”, “Cấm vứt rác bừa bãi”, “Cấm lấy đồ thừa” (trong tiệc buffet), “Cấm săn bắn, buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã”…

Với những điều đó, người nước ngoài nghĩ gì về Việt Nam, tự chúng ta hiểu…

2. Trong ngày hôm qua, hàng triệu người nhớ về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân ngày giỗ lần thứ 13 của ông. Sinh thời, Trịnh Công Sơn thường đi nước ngoài để thăm bạn bè và người thân nhưng ông chưa từng có ý định định cư ở nước ngoài, thậm chí còn hiếm khi biểu diễn ở nước ngoài, dù người hâm mộ ông ở hải ngoại không hề ít.

Tờ New York Times đã trích dẫn lời của cố nhạc sĩ khi trả lời báo chí về đất nước mình rằng: “Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Khi tôi đi ra nước ngoài, tôi không còn nghe thấy tiếng nhạc vang lên trong đầu mình, tôi không còn nghe được ý thơ trong những lời hát mình viết ra. Tôi cũng thích đi ra nước ngoài quan sát, chiêm ngưỡng, nhưng nếu tôi đi xa Việt Nam lâu quá, tôi sợ rằng mình sẽ khô héo và chết. Sự ấm áp của con người Việt Nam giống như suối nguồn mà một bông hoa cần phải có để sống”.

Một dân tộc nuôi dưỡng được những tâm hồn, tạo ra những suối nguồn văn hóa phải là dân tộc có bề sâu, trầm tích của văn hóa, của sự tự trọng.

Chúng ta không thiếu những đại sứ văn hóa như thế. Nhưng tiếc rằng những Ngô Bảo Châu, Nguyễn Hà Đông, Trịnh Công Sơn…, những tinh túy thì ít, những thứ xấu xí thì quá nhiều. Xót xa quá...

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm