Từ 2K đến 1K

11/09/2019 06:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 20 năm (1999), cả thế giới rối loạn và hết sức lo lắng bởi một nguy cơ rất có khả năng xảy ra. Đó là “sự cố Y2K”.

Hàng chục nghìn hành khách Anh lỡ chuyến bay vì sự cố máy tính

Hàng chục nghìn hành khách Anh lỡ chuyến bay vì sự cố máy tính

Sự cố kỹ thuật tại Trung tâm kiểm soát không lưu đã gây ra cảnh tượng hỗn loạn tại nhiều sân bay lớn trên khắp nước Anh trong ngày 7/12 khi có hàng trăm chuyến bay bị hủy hoặc lùi giờ, khiến hàng chục nghìn hành khách bị lỡ chuyến.

Y2K là một từ gồm chữ ghép với số, là viết tắt phổ biến của vấn đề liên quan đến phần mềm máy tính (PC) sẽ diễn ra khi bắt đầu năm 2000. Tổ hợp viết tắt này là kết hợp của: Y: "Year" (năm), và K: “tiền tố đơn vị kilo” có nghĩa là 1.000. Các từ có cấu trúc “kilo+X” đều tạo ra từ mới có nghĩa “nghìn+X”: kilo+gram = kilogram = kg = 1.000g; kilo+watt = kilowatt = kw = 1.000w; kilo+byte = kilobyte = kB/KB = 1.000B v.v…

Y2K = year + 2 x 1.000, có nghĩa là “năm 2000”. 

Sự cố máy tính năm 2000 (còn được gọi là sự cố Y2K, lỗi thiên niên kỷ, hay đơn giản là Y2K) là sự cố máy tính diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000.

Chú thích ảnh
Sự cố Y2K. Ảnh minh họa

Nguyên nhân là do các máy tính thế hệ cũ, các vi mạch đồng hồ điện tử cũ không thể nhận biết được sự khác biệt giữa các năm 2000 và 1900. Cũng bởi chúng được lập trình với 2 chữ số cuối cùng của năm nhằm tiết kiệm dung lượng lưu trữ (khi mà giá cả sản xuất phần cứng máy tính trong giai đoạn đầu còn quá cao). 

Khi những máy này cộng thêm một con số vào sau 99, máy sẽ tự động đặt lại số đếm thành 00. Vấn đề xảy ra là, máy tính nhận dạng ngày 01/01/00 (ngày 1 tháng 1 năm 2000) như là ngày 1 tháng 1 năm 1900. Và thế là “thảm họa Y2K” bắt đầu từ đó. Các số liệu trong máy tính bị đảo lộn, ảnh hưởng đến hàng loạt các dữ liệu thống kê thường niên, thập niên… Thẻ ngân hàng ngừng hoạt động. Toàn bộ vé xe bus điện tử dừng lại lúc nửa đêm. Hệ thống kiểm soát, điều hành các chuyến bay rối loạn. Các thông tin dự báo thời tiết bắt đầu báo cho ngày 1/1/1900… Người ta nói rằng sự cố Y2K là một “thảm họa El Niño” đối với mọi giao dịch điện tử.

Nhưng sau 20 năm, chúng ta lại thấy một “hiện tượng 1k/1K” xuất hiện nhan nhản trong giao tiếp tiếng Việt.

Bây giờ vào chợ, siêu thị, nhà hàng hay bất cứ một cơ sở buôn bán, kinh doanh nào, ta thường bắt gặp các bảng giá ghi số tiền kết thúc bằng chữ K/k: 99k, 100k, 150k, 499k… Cách đây độ dăm sáu năm thì có người còn lạ. Bây giờ thì hầu như ai cũng hiểu chữ “k/K” chính là “ngàn/nghìn”, một đơn vị tính tiền của người Việt.

Có điều, theo thứ tự lần lượt số đếm sẽ là: hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu… Nhưng mọi người nhất nhất quy ra “ngàn”. Bát phở 30.000đ sẽ gọi là “30 ngàn đồng” (chứ không nói “3 vạn đồng”). Đi mừng đám cưới 500.000đ sẽ nói “500 ngàn đồng” (chứ không nói “50 vạn đồng”) v.v…

So với ngày xưa, mệnh giá tiền VN đã thay đổi. Không còn tồn tại đơn vị xu (=1/100đ), hào (=1/10đ) nữa. Ngay cả đơn vị đồng thì cũng không ai mua bán vật dụng, hàng hóa dưới 100đ, thậm chí dưới hoặc bằng 500đ bây giờ hầu như cũng chẳng mua được gì. Một gói tăm tre, một chén nước chè cũng phải 2 hoặc 3 - 4 ngàn đồng. Điều này làm cho đơn vị “nghìn” nghiễm nhiên trở thành mệnh giá quy đổi phổ biến. Đồng tiền 500đ vẫn còn rải rác đâu đây nhưng có lẽ chẳng bao lâu nữa nó sẽ biến mất khỏi thị trường tiền tệ Việt Nam.

Thời kỳ 2K đã đi vào dĩ vãng. Bây giờ là thời đại “1K”, tức là tất cả mọi thứ đều quy đổi, “tính bằng K”. Có câu vè vui vui rằng:

“Chúng mình tranh thủ massage/Đêm nay giảm giá 10K một lần...”

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm