Thư châu Âu: Từ chiếc cốc ở Copenhagen...

10/04/2016 21:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,    

Đây là một câu chuyện bình thường như bao câu chuyện khác tôi đã gặp và ghi nhớ trong những năm sống ở châu Âu, nhưng đáng nhớ và đáng suy nghĩ, về cách mà người ta tái chế rác và khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường.

Hôm ấy, tôi đang ở Copenhagen, Đan Mạch, và khát. Người bán hàng, một anh chàng vui tính đã từng đến Việt Nam chơi, đưa cho tôi chiếc cốc sinh tố thơm tho và mát rượi, bảo rằng, những người mua như tôi sẽ phải trả thêm một khoản phí nho nhỏ bên ngoài giá gốc.

"Tại sao phải như vậy?", tôi tò mò hỏi. "Anh cứ uống xong cốc sinh tố, sau đó ra một cái máy tự động ở ngay gần đây, cho cái cốc vào trong máy theo hướng dẫn, cái máy sẽ trả lại anh đúng số tiền chênh lệch anh đã trả ở đây", người bán hàng trả lời, nháy mắt ra vẻ như vừa tiết lộ cho tôi một bí mật.


Ảnh minh họa

Cái máy ấy nằm ở một góc ở công viên Tivoli, không lớn và có một cánh cửa nhỏ tự động để người mua cốc đặt vào. Một biển báo nhỏ và dễ hiểu bằng mấy thứ tiếng được gắn ở đó, hướng dẫn người ta bỏ cốc vào và rồi sau đó lấy số xu chênh lệch.

Giá gốc của cốc sinh tố vẫn không đổi, và số tiền ta lấy lại cũng không chạy đi đâu được, nhưng bằng cách đặt ra một cái giá xem ra cao hơn giá trị ban đầu của cái cốc rất thơm ngon và hấp dẫn ấy, người ta muốn tạo ra một thói quen cho người tiêu dùng, theo một cách rất thực dụng: để lấy lại số tiền xu ấy, bạn phải bỏ rác đúng nơi quy định.

Làm nhiều sẽ thành thói quen tốt. Ấy là không bỏ rác ra môi trường, nhất là khi số rác ấy có thể tái chế được, sử dụng lại được, như chiếc cốc nhựa kia.

Những chiếc máy như thế xuất hiện ở khá nhiều nơi tại Copenhagen. Nhưng sự tồn tại của nó cũng không phải là một đảm bảo cho việc nơi đó sạch sẽ và ngăn nắp. Bởi đơn giản, thành phố ấy rất sạch. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của họ và của mọi người không tự nhiên mà có.

Nó được hình thành trong một thời gian dài, được khuyến khích bằng những biện pháp khác nhau, từ nhà trường, gia đình cho đến xã hội, trong đó có cả những việc rất đơn giản và chẳng có gì to tát như việc áp thêm một cái giá nhỏ xíu vào chiếc cốc, để người uống bỏ chiếc cốc vào đúng nơi quy định để lấy lại số tiền nhỏ mà người ta mượn của bạn một lúc, để rồi trả lại cho chính bạn vì bạn đã có một hành động đúng. Trách nhiệm đi kèm với quyền lợi được cụ thể hóa bằng những việc giản dị vậy thôi.

Đến Oslo, Nauy, tôi bắt gặp bọn trẻ con vác cả một bao tải vào siêu thị. Chúng mở bao, vui vẻ lấy từ trong đó rất nhiều những vỏ lon bia, chai lọ, rồi bỏ vào cái máy và lấy số tiền xu mà cái máy "thanh toán" cho chúng. Số tiền ấy, có lẽ không lớn, thực ra cha mẹ chúng đã trả khi mua các thứ đồ để tái chế ấy, và bọn trẻ được cha mẹ cho hưởng phần tiền này, do đã làm một việc tốt: mang số chai lọ này đến nơi tiếp nhận. Mà những chiếc máy trả tiền và hành động như trên của bọn trẻ có thể được thấy ở nhiều nước châu Âu khác.

Dù theo cách này hay cách khác, thì việc bảo vệ môi trường theo hướng bỏ rác vào nơi quy định và việc phân loại rác để thực hiện tái chế đã trở thành một phần của cuộc sống nơi này. Ngay phía trước nhà tôi ở Roma cũng có ba thùng rác ghi rõ thùng nào chứa những đồ không thể tái chế được, thùng nào để bỏ nilon và đồ nhựa, thùng còn lại là giấy và bìa carton.

Ragusa, nơi tôi đã đến trong một chuyến đi mùa hè, hiện là một ví dụ tiêu biểu về việc người ta thu gom rác theo hình thức phân loại để tiêu hủy và tái chế như thế nào. Kể từ năm ngoái, chính quyền thành phố đưa ra một kế hoạch mới nhằm nâng số lượng rác tái chế lên đến tầm 80%.

Mỗi hộ gia đình được phát một tờ rơi ghi rõ ngày nào thì người ta sẽ thu gom những loại rác nào và vào những giờ nào. Không ngạc nhiên khi Ragusa, một viên ngọc của kiến trúc Baroque ở Sicilia, là một trong những nơi sạch nhất nước Italy.

Từ việc trực tiếp đi bỏ cái cốc vào thùng, nhìn bọn trẻ ở Oslo đi bỏ chai lọ vào máy, nhìn những con đường sạch sẽ của các nước Bắc Âu và câu chuyện của Ragusa, sực nhớ đến kế hoạch nhỏ mà thế hệ tôi đã làm cách đây nhiều năm. Những đợt như thế, bọn trẻ háo hức thu gom những đồ nhựa và giấy báo trong nhà, buộc lại rồi mang đến trường, nhưng thực ra, cũng chẳng biết mình làm thế để làm gì, chỉ biết là dọn nhà cho đỡ bừa hơn.

Ý nghĩa thực sự của việc đó, là tái chế, phải đến mãi sau này mới biết. Bao nhiêu năm đã trôi qua với những phong trào như thế, để cuối cùng, bọn trẻ, trong đó có tôi, lớn lên và hiểu là mình đã làm một việc rất tốt theo nghĩa chung chung của từ đó, theo đúng phong trào.

Mà phong trào thì có ai là không tham gia, vì nếu không có thể bị phê bình, do làm mất thành tích của lớp, của trường. Chính vì cách làm ấy, mà bọn trẻ không hiểu được chúng làm điều đó thực sự vì cái gì, trừ việc được tiền!

Lại nhớ đến những người đồng nát chuyên thu mua phế liệu và chai lọ. Ngày ấy, bọn tôi cũng đem bán để lấy tiền mua cá vàng, mua kẹo và đồ chơi. Sau cũng biết là họ mua những thứ đó để tái chế, và sau nữa, khi lớn lên rồi, lại biết thêm một điều nữa, khi ý thức xã hội đã ở mức cao hơn: chúng ta đã vô tình tiếp tay cho những kẻ làm hàng giả.

Trong biết bao nhiêu năm qua, người ta gần như buông lỏng quản lý việc tái chế, bởi một phần không nhỏ số chai lọ ấy trở thành hàng giả. Và nữa, nhiều người đã ớn lạnh khi đọc được những bài báo nói về rác thải bệnh viện trở thành thìa dĩa và rất nhiều thứ khác dùng một lần rồi bỏ đi luôn.

Câu chuyện về tái chế và ý thức với môi trường có lẽ còn rất dài, và nói thêm nữa lại thành một câu chuyện so sánh về sự văn minh, dẫn đến những cuộc tranh luận không có hồi kết, mà đường phố thì vẫn bẩn, hoa ở nơi công cộng vẫn bị dẫm và người dân vẫn dùng thìa bẩn tái chế từ bệnh viện để ăn sữa chua...

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm