Thư châu Âu: Cà phê cho người không quen

03/01/2016 06:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Napoli có thể đem đến cho bạn những cảm giác gì: một thành phố lộn xộn, ầm ĩ, đầy huyên náo dường như lúc nào cũng sống trong những hoài niệm về Maradona, một đô thị rộng lớn nhưng hỗn loạn, đầy tham nhũng, bê bối và tội ác, hay là một nơi của những di tích lịch sử, những bãi biển đẹp, và một khu vịnh đẹp mê hồn?

Với tôi, là tất cả những thứ đó, cộng thêm “caffe sospeso” (cà phê cho người không quen). Tôi nhớ có một lần đến đây, dừng xe uống cà phê ở một quán trung tâm thành phố. Nhưng hôm ấy, sự đặc biệt của cái quán rất đẹp, cổ kính và đông người ấy không phải ở yếu tố lịch sử, mùi cà phê thơm phức và những người đứng bar đang nói bằng tiếng Italy theo thổ ngữ địa phương, nghe thánh thót cứ như hát opera.

Tôi không phải trả tiền tách cappuccino hôm ấy, bởi người đứng quầy bảo rằng, đã có một người khác trả cho tôi. “Ai vậy?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Một khách quen của quán này”, cô thu ngân cười, nói. “Anh có biết hôm nay là ngày “caffe sospeso” (cà phê cho người không quen)?”.

10/12 là ngày “cà phê cho người không quen”. Nó xuất phát từ một truyền thống của giai cấp thợ thuyền ở Napoli đầu thế kỷ 20, khi những người đang gặp vận may hoặc đơn giản là may mắn hơn người khác vào một quán bar, trả tiền hai tách cà phê, nhưng chỉ uống một và để tách còn lại cho một người không hề quen biết vào quán sau đó. Phong trào “caffe sospeso” đã lan tới nhiều nước trên thế giới.

Tại Italy, có 61 quán bar đã gia nhập mạng lưới “cà phê cho người không quen”. 195 quán bar cà phê ở 138 thành phố tại 19 nước trên thế giới cũng tham gia trong phong trào “uống một tặng một” cho những người nghèo, những người không quen biết với mình. Ở một số quán cà phê ở Bỉ, Bulgary, Pháp hay Canada, người ta phát triển theo một hướng khác: không tặng cà phê, mà khoai tây chiên.

Ban đầu, người ta thường tặng thứ đồ uống này cho người khác vào dịp Giáng sinh. Truyền thống từng có lúc tưởng như mai một vào thời bùng nổ công nghiệp hậu Thế chiến II này đã hồi sinh mạnh mẽ ở Napoli và châu Âu từ năm 2008, sau khi Italy và châu Âu bắt đầu rơi vào suy thoái kinh tế. Việc tặng ai đó một tách cà phê trở thành biểu tượng của sự chia sẻ và đồng cảm với số phận của những người bị cuộc suy thoái kinh tế làm cho lao đao, suy sụp, phá sản và kiệt quệ.

Ở Napoli, thành phố lớn thứ 3 của Italy, một dạng Rio De Janeiro hay Buenos Aires của Italy, nơi những khu phố nhỏ ngoại ô không khác gì các favella (khu ổ chuột), sự cách biệt giàu nghèo khá lớn. Một phần không nhỏ người dân ở đấy rơi vào cảnh nghèo và thất nghiệp vì cuộc khủng hoảng ấy. Không có gì ngạc nhiên khi người ta nghĩ đến nhau trong lúc gian khó. Từ tách cà phê tặng người không quen, người ta tặng tiếp một phần pizza hay bánh mì, coi như đó là cách giúp đỡ người nghèo.

***

Bạn có thể cười, một tách cà phê sáng thì có gì đặc biệt? Đúng, cà phê không có gì đặc biệt, bởi việc uống cà phê với người châu Âu từ lâu đã là một nét văn hóa, một lối sống, nhưng chính sự chia sẻ từ những điều giản dị ấy lại khiến tấm lòng con người và thái độ sống với người khác trở nên có ý nghĩa.

Uống cà phê với người Italy cũng giống như chúng ta ăn phở mỗi sáng. Các cuộc điều tra cho thấy, có tới hơn 80% người Italy uống ít nhất 3 tách cà phê mỗi ngày. Quán cà phê tôi hay ngồi ở gần nhà mở sớm lắm, và lúc nào cũng đông. Bar cà phê là nơi gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện, tranh luận, tán gẫu.

Người Italy có nhu cầu giao tiếp rất lớn. 10 phút, hoặc 15 phút gặp nhau là đủ. Những ai không ngồi bàn và giở tờ báo đọc thường đứng ngay ở quầy bar, uống một tách cappuccino hoặc espresso, ăn một cái bánh cornetto (bánh sừng bò) và rồi vội vã đi đến công sở. Đấy chính là bữa sáng của họ. Sáng nào cũng diễn ra một điều tương tự, và có một điều đáng chú ý: không có cảnh mọi người ngồi với nhau trong một bàn cà phê sáng và người nào cắm mặt vào smartphone.

Nói dông dài như thế một chút về lối sống của người Italy để trở lại câu chuyện cà phê cho người không quen và ý nghĩa xã hội của nó. Luciano De Crescenzo, một nhà báo có tiếng ở Napoli, đã từng viết cả một cuốn sách về “caffe sospeso”. Trong một chương, ông kể rằng, nhiều năm trước, có một luật sư ở Napoli trúng xổ số, nhưng ông không có nhiều bạn bè, người thân. Thế là ông yêu cầu người bán bar làm một tách cà phê tặng cho bất cứ ai bước vào quán sau ông.

De Crescenzo cũng cho rằng, “cà phê cho người không quen” là một hình thức khiến con người ta trở nên gần gũi với nhau hơn, dù có thể không hề quen nhau và khác nhau rất nhiều về nguồn gốc, thành phần xã hội và cảnh đời. Ta bước vào quán và được mời uống một tách cà phê mà ai đó đã để lại cho mình có thể cảm nhận được rằng, mình đã được mời gia nhập cộng đồng họ, thưởng thức văn hóa của họ và trở nên thân thiết với họ.

***

Từ tách cà phê của nhiều năm về trước ấy, giữa một Napoli sôi động, ầm ĩ nhưng không thiếu tình người, tôi bỗng nhiên thấy mình cũng là một người trong số họ, khi những rào cản vô hình bị phá vỡ. Có gì tuyệt vời hơn thế nữa, khi những người xa lạ cảm thấy được đón nhận và trân trọng bằng những điều rất nhỏ, chẳng hạn như một tách cà phê, có giá chỉ chừng 1 euro?

Lá thư này sẽ kết thúc một năm cũ chúng ta bên nhau mỗi tuần. Đấy là một năm của rất nhiều câu chuyện về cuộc sống và sự sẻ chia. Hẹn gặp lại quý anh chị trong năm mới, với những bức thư khác. Về cuộc sống, và những gì liên quan đến nó.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm