Sự thống trị của đồ chơi

06/06/2015 13:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thường thấy quang cảnh này: Đám trẻ sà vào đống đồ chơi xanh đỏ, chí chóe giành nhau những món đồ ưa thích, nhưng rồi chỉ vài hôm sau, chúng đã vứt lăn lóc, và lại mè nheo đòi mua cái mới...

Nhìn quang cảnh đó, tôi cứ thấy băn khoăn không hiểu vì sao trẻ con bây giờ mau chán thế? Phải, nhiều bậc phụ huynh chúng ta hay so sánh với thời ngày xưa nghèo, khổ, thiếu thốn thế nào. Nhưng riêng về đồ chơi thì dường như lại thuộc một thế giới khác. Có hòn bi tự nặn từ đất, có hòn đáo tự ghè từ mảnh sành, có cái khăng tự chặt từ cành cây, có thẻ chắt tự bẻ từ bờ rào, và đặc biệt có nắm sỏi nhặt từ bờ ao, chả phải “gia công” chút gì.... Thế mà lũ trẻ một thời chơi bi, chơi đáo, chơi khăng, chơi chuyền, chơi ô ăn quan... mê mải từ ngày này sang ngày khác, không bao giờ biết chán.

Tôi cứ băn khoăn về điều đó, cho đến khi đọc được những dòng này:

“Trẻ em ngày nay bị coi là một món hời bởi người ta xem chúng như một thị trường tiềm năng. Các nhà sản xuất đồ chơi chi hàng triệu đô la mỗi năm cho việc nghiên cứu sở thích của những khách hàng nhỏ tuổi, và cũng ngần ấy tiền vào quảng cáo. Họ nhắm trực tiếp vào đối tượng khách hàng là trẻ em và xui chúng mè nheo, bắt cha mẹ phải mua những gì thấy trên quảng cáo hoặc đang được khuyến mãi. Các nhà quảng cáo đang tạo ra nhu cầu đồ chơi, còn các bậc cha mẹ đành phải nhượng bộ bởi vì họ không muốn con em mình là đứa trẻ duy nhất không có những thứ đồ chơi đang thịnh hành”.

(Sức mạnh của vui chơi, TS David Elkind, NXB Thông tấn, 2008).

Là người cổ súy cho các hoạt động vui chơi ngẫu hứng của trẻ em, thậm chí đưa ra một học thuyết giáo dục mới lấy vui chơi làm cơ sở, tác giả cuốn sách - TS David Elkind đã vô cùng đau khổ khi chứng kiến sự thống trị của các đồ chơi điện tử, cùng các trò chơi “có tổ chức” trên ti-vi. Theo ông, xu hướng này giết chết trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ em, đồng thời khiến trẻ em mau chóng trở thành những ông cụ non và nhiễm các thứ bệnh tinh thần của xã hội.

“Hai thập niên trở lại đây, mỗi tuần trẻ em mất đi 12 giờ vui chơi, trong đó có 8 giờ là những trò chơi ngẫu hứng. Các chương trình ti-vi hiếm khi chiếu cảnh trẻ em vui chơi hồn nhiên vui vẻ mà mô tả chúng như những ông cụ non với những khát vọng, hoài bão hoặc là trầm tư suy nghĩ về chuyện trường, chuyện gia đình như bố mẹ ly dị, nghiện ma túy, AIDS, thất nghiệp...”.

Đọc cuốn sách viết năm 2006 này mới thấy, chẳng cứ ở Việt Nam, mà ở ngay trẻ em Mỹ cũng bị biến thành những “đứa trẻ tất bật“ và rằng “tỷ lệ trẻ em học vẹt ngày càng gia tăng nhằm đối phó với các kỳ kiểm tra đánh giá liên miên” và “Thanh niên Mỹ tụt hậu hơn so với những nước khác trong nhiều lĩnh vực học hành”.

Hóa ra, việc giải phóng trẻ khỏi sự tất bật của học hành, thi cử là câu chuyện của cả thế giới. Chỉ có điều đừng để chúng, sau khi được giải phóng, lại bị cuốn vào “gông xiềng” của những trò chơi công nghệ, điện tử, những game show trên truyền hình...

Hè này, không cần mua hay mang theo những món đồ chơi công nghiệp, hay công nghệ, hãy thả lũ trẻ ra sân chơi, và lặng yên quan sát chúng. Hình như hễ cứ có từ hai đứa trẻ trở lên là chúng sẽ biết cách tự vui chơi với nhau bằng những gì chúng nghĩ ra trong đầu hoặc bằng những đồ chơi mà chúng tự tạo. Chúng luôn biết cách để tự bước vào “thế giới tuổi thơ”.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm