Sống chậm Cuối tuần: 'Tiểu hội thảo' về… 'tiểu hổ'

13/10/2018 20:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân ầm ĩ chuyện Hà Nội vận động “từ bỏ thói quen ăn thịt chó mèo”, tôi nhớ lại cách đây đã lâu, vào năm Ất Mão (1975), thầy Vượng (cố GS Trần Quốc Vượng) bảo tôi: Cậu làm nghề sinh học, chắc cậu cũng biết chút ít về mèo. Lấy giấy gạch đầu dòng mấy ý về mèo cho tớ sau ta sẽ viết bài chung nhé.

1. Tôi ngoan ngoãn vâng lời và ghi lại những hiểu biết "thượng vàng hạ cám" của mình về mèo. Ghi lại những gì mà thầy tôi, giáo sư ngành động vật học Đào Văn Tiến, lúc sinh thời đã truyền cho trên lớp hay trong chuyện kể. Ghi lại chuyện thầy Hoán, giáo sư hóa học, dạy cho sinh viên về một hợp chất hữu cơ có mùi tanh cá mà các chàng sinh viên khoa hóa bên Pháp bôi vào gót giày để dụ những cô mèo xinh đẹp đang được các tiểu thư ôm ấp vọt ra khỏi lòng chủ mà lẽo đẽo chạy theo các chàng trai tinh quái...

Sau đó, tôi nộp những cái gạch đầu dòng ấy cho thầy Vượng. Với tài văn chương và hiểu biết uyên thâm về văn hóa của thầy, một bài viết thú vị đã xuất hiện trên mặt báo. Năm ấy, bài viết của chúng tôi là bài độc đáo. Nó khác hẳn những bài viết na ná giống nhau mà đọc ra ai cũng biết tỏng xuất xứ từ đâu rồi. Không từ sách giáo khoa động vật học hay "Hỏi đáp về động vật" thì cũng xào đi xáo lại từ những tờ báo từ 12, 24 năm về trước. Bài viết của chúng tôi là bài viết “liên ngành” nên có những cái hay, cái lạ.

Có lần báo chí nước ngoài đề nghị chúng tôi viết bài về mèo, thế là GS Trần Quốc Vượng và tôi mở ngay một "tiểu hội thảo" về "tiểu hổ" ngay tại bàn tiệc. Lần này thì đúng là liên ngành thật, vì ngoài đối thoại giữa hai chúng tôi còn có đóng góp của anh Ngô Thế Phong (họa sĩ), Đăng Cường (khảo cổ học) và Nguyễn Hữu Thiết (nghệ sĩ nhiếp ảnh - khảo cổ học) cùng các anh em trong trong bàn, tôi xung phong làm thư ký. Nay xin ghi ra đây một phần nội dung của “tiểu hội thảo” này.

Chú thích ảnh
Tượng mèo trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Nguồn: Internet

2. Tại sao người ta lại gọi là mèo là mèo? Ở nước ta và Đông Nam Á, mèo có bao nhiêu tên gọi?

Trong số các vật nuôi ở ta, chó được gọi tên là chó, là cầy tơ, là mộc tồn, là chú vàng, chú vện, chú mực... chứ không bao giờ được mang cái tên “con gâu gâu” cả. Gà thì gọi là gà trống, gà mái, gà con, không ai gọi là con “cúc cù cu”, con “cục tác” hay con “chíp chíp”…. Vịt là vịt không phải là con “cạp cạp”. Dê không phải là con “be be”. Chỉ có mèo, bò và trâu con là được vinh dự đặt tên đúng với tiếng kêu của mình là mèo (từ “meo meo” mà ra), bò (từ “bo ò” mà ra) và nghé (từ “nghé ọ” mà ra).

Tại sao vậy? Có phải là vì mèo là con vật được nhập vào Việt Nam muộn hơn chăng? Vì chúng thường nghêu ngao ca hát trên nóc nhà cả đêm nên người đời mới tặng cho nó cái tên mèo? Hay chỉ là một thói quen của loài người?

Thử tìm hiểu xem con mèo trong tiếng các dân tộc khác nhau ở Việt Nam gọi là gì? May ra sẽ tìm được câu trả lời cho nguồn gốc và tên gọi của con vật này chăng?

Tiếng Tày, Nùng: tua meo. Thái: meo. S’tiêng: meo. Mường: mèo. Xơ đăng: míu. H’Mông: yưk. Raglai: miau.

Liệu bạn có tìm được mối liên hệ gì chăng giữa các tên gọi nói trên?

3. Vì sao loài người phân biệt đối xử giữa mèo với các vật nuôi khác? Mọi vật nuôi đều bị người sử dụng vào những mục đích khác nhau: Bắt làm lụng vất vả như trâu bò, voi, ngựa. Hầu hết vật nuôi đều để thịt. Trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, dê, cừu, thỏ, ngay cả bồ câu, chó hiền lành và trung thành đến thế cũng đều thịt tất! Gần như tất cả mọi vật nuôi đều bị nhốt trong cũi, trong chuồng hay trong lồng. Bị xích cổ, đeo rọ mõm, xỏ mũi... Chẳng có con nào được tự do.

Duy chỉ có mèo là được tự do đi lại, tự do chạy vào hết nhà này đến nhà khác. Tự do ra đồng hay trèo lên tận ngọn cây… Về già, mèo thường bỏ nhà đi hoang. Mèo được tự do vì chuột cũng sống đời tự do. Nếu như mọi giống chuột trên đời đều bị người nhốt vào cũi cả, hẳn là mèo cũng chẳng được cái diễm phúc tự do mà đi bắt trộm chim, cá hay mò vào bếp mà ăn vụng.

Chẳng hiểu tại sao người ta lại có câu “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”? Ngày mồng một Tết mà thấy chó vì sợ pháo mà chạy lạc vào nhà, khối người sung sướng ra mặt vì tin rằng năm nay ắt phải ăn nên làm ra.

Còn nếu mèo vào nhà thăm mà xơi vụng mất khoanh giò lụa trên mâm cỗ cúng thì dù gia chủ muốn vui cũng chẳng vui được. Có lẽ vì thế mà ở nông thôn trước đây, ngoài cái cũi chó, trong bếp còn có cái cũi mèo để tạm giam các chú mèo lại trong những dịp cỗ bàn, giỗ chạp hay để ngừa các chú sang làm bậy bên nhà hàng xóm.

Mèo được tự do là thế nhưng tự do nào mà chẳng có cái khuôn khổ của nó cho dù là tự do kiểu mèo!

4. Bạn có thể thấy được hình ảnh một chú mèo vui tươi ngẩng cao đầu một cách tự tin mà nghệ sĩ nhiếp ảnh - khảo cổ học Nguyễn Hữu Thiết vừa chụp lại trong tủ kính của Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đó là tượng chú mèo làm bằng sứ tráng men từ thời Lý khai quật được trong khu thành Thăng Long cổ gần Quần Ngựa (Hà Nội). Thời Lý nước ta thịnh trị, mọi mặt đều phát triển rực rỡ nên mèo cũng vui vẻ tự tin như khí phách của con người và nghệ nhân Thăng Long thuở ấy.

Chúng ta còn có thể thấy các bức điêu khắc mèo vờn cá trên các đình cổ thuộc thế kỷ XVII mà một trong những điêu khắc đó còn được lưu giữ và bảo quản khá tốt trên một phù điêu trong đình làng (quê của thi sĩ Nguyễn Khuyến - Hà Nam).

Mèo cũng được thể hiện khá sinh động trong bức tranh khôi hài chống tham nhũng: Tranh Đám cưới chuột mà xưa nay, Tết đến bà con ta vẫn mua về treo vui trong nhà.

5. Cả họ nhà tôi, hầu như không ai biết ăn thịt mèo hay thịt chuột. Trong khi, có vùng thịt mèo là một thứ đặc sản như vùng quê Kim Giang (thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương…).

Thế rồi trong cuộc đời nghiên cứu lang thang của tôi với bản tính tò mò của người làm nghiên cứu động vật, tôi cũng đã được thưởng thức một cách bất đắc dĩ món thịt chuột rô-ti do một nhà nghiên cứu chuột, GS Victor người Nga chiêu đãi tại Đồng Tháp trong một đợt nghiên cứu điền dã. Ông mời, tôi không nỡ chối từ dầu rằng tôi rất sợ món của dân Nam bộ. Chưa ăn thịt mèo nhưng thế là đã được thưởng thức món chuột, món khoái khẩu truyền kiếp của loài mèo.

Thế rồi, một ngày kia, nhân chuyến đi thăm đền thờ cụ tổ nghề y, tổ của Việt Y đền thờ Tuệ Tĩnh ở Hải Dương, tôi được chủ nhà ngay gần đền mời cho bằng được bữa tiệc thịt mèo. Tôi tuy không muốn ăn nhưng phần vì tò mò, phần vì nể lòng hiếu khách nên cũng đành nhận dự tiệc đặc sản.

Chủ nhà mua thịt mèo ngoài chợ về chế biến dăm món khá cầu kỳ. Tôi cũng chẳng nhớ nổi họ nấu như thế nào nhưng khi vào mâm, sau khi nhấp mấy ly rượu đặc sản Hải Dương, tôi cũng gắp dăm gắp cho phải phép. Quả thật thịt mèo có vị khác hẳn các loại thịt khác. Thịt khá rắn, thơm và ngọt. Gia chủ bảo tôi, ăn thịt mèo tốt lắm, nhất là những ai bị đau xương đau khớp, bị đau cơ, những anh tập võ hay bị đòn ăn thịt mèo vào thì đau xương đau khớp tiêu tan. Nói vậy biết vậy chứ tôi có đâu võ với ai hay bị đánh đập đâu mà biết. Ăn cho vui lòng chủ nhân và ăn cho biết vậy thôi. Tôi chẳng bao giờ có cái thú sa chân vào quán đặc sản mà gọi thịt mèo dầu rằng cái món tiểu hổ này giờ nhan nhản trong vùng Hải Dương và nhiều nơi khác trên đất Việt.

Thịt mèo, thịt chuột không hợp với cái khẩu vị của tôi nhưng tôi không bao giờ dám có ý nghĩ chê những bà con ăn thịt mèo, thịt chuột là kém văn minh, là phản văn hóa. Tôi tôn trọng sở thích của tất cả mọi người.

Ai ăn gì là quyền của họ. Tôi chỉ cổ vũ cho một phương châm: Đã là ẩm thực thì quan trọng nhất là phải “ngon” và “lành” theo mọi nghĩa của nó. Có vậy thôi.

Đã là ẩm thực thì quan trọng nhất là phải “ngon” và “lành” theo mọi nghĩa của nó.

Vũ Thế Long

Từ bỏ thịt chó thì ăn… 'giả cầy'

Từ bỏ thịt chó thì ăn… 'giả cầy'

Nhân ầm ĩ chuyện vận động “từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo”, tôi bỗng nhớ đến món “giả cầy”. Giả mà tốt! Giả mà rất hay! Thật thế.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm