Sống chậm cuối tuần: Sen của thời thơ ấu và thời nay

22/06/2019 08:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chẳng biết giống sen bách diệp có mặt ở Hồ Tây từ bao giờ. Hồ Tây giờ đây không chỉ có giống sen ấy. Tạm tin rằng những gì quý hóa nhất thường được người ta mang về kinh đô.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Nhiều lý do để chọn hoa sen là Quốc hoa Việt Nam

Nhiều lý do để chọn hoa sen là Quốc hoa Việt Nam

Hiếm có loài hoa nào xuất hiện trong đời sống văn hóa, tâm linh, văn học, nghệ thuật tạo hình cũng như trong tôn giáo của Việt Nam nhiều như hoa sen.

Lũ trẻ Hà Nội những năm 1960 thường được các bà các cô dẫn lên đầu đường Yên Phụ đón người bán hoa sen trăm cánh. Giống hoa này dùng để ướp trà sen thì không có gì sánh bằng. Nhụy sen nhiều gạo lan ra cả những đầu cánh nhỏ gần đài sen lốm đốm trắng tinh. Mùi hương tinh khiết bện chặt vào tóc khi ngồi xích lô cùng hàng trăm đóa sen về phố. Nhà ướp trà sen thơm lừng cả tháng trời.

Rất lạ là người lớn không bao giờ uống trà sen trong dịp ướp hoa. Có lẽ vì hương sen ướp trong trà chẳng bao giờ sánh được với nồng nàn mùa sen chín. Người Hà Nội có lẽ là tằn tiện cả trong thưởng thức. Từ quần áo mặc cho đến các món ăn chơi bao giờ cũng đủ độ. Chưa thấy ai ở Hà Nội hai năm liền đi nghỉ mát ở cùng một nơi.

Bà nội tôi mất từ năm 1970. Trà sen cụ ướp từ ngày ấy vẫn còn mấy chai nút chặt để trong chiếc tủ chè. Tủ bị long cánh, cố giữ mãi chẳng được phải mang cho họ hàng ở quê. Tủ không tiếc nhưng mấy chai chè ướp sen phải giữ lại bằng được. Cho đến gần đây, dịp Tết nhất, con cháu vẫn mang ra uống. Những cánh chè Phú Thọ nhuốm đen khô giòn tỏa hương bát ngát.

Chú thích ảnh
Ðể ướp được 1 kg trà cần phải có 1 kg nhụy sen, có khi phải dùng đến hơn 100 bông hoa sen mới ướp được một lạng trà. Đó là nghệ thuật ướp trà sen truyền thống của Hà Nội. Ảnh: Nhân dân

Tất nhiên, lũ trẻ cháu nội cháu ngoại tôi bây giờ chẳng thiết tha gì với trà sen. Chúng làm sao có được trải nghiệm của thế hệ chúng tôi.

Nhấp ngụm nước chè sen do chính tay bà nội mình làm là thấy hiện lên cả một trời Hà Nội rực nắng. Bác xích lô phải nhắc bọn trẻ xuống bớt để đẩy xe lên dốc đường Thanh Niên bát ngát tiếng ve. Lúc về là người khuất trong hoa nói cười rôm rả.

Lũ trẻ xúm xít bên những chiếc mẹt tre trải giữa nhà giúp bà tuốt gạo sen. Bàn tay nhỏ nhắn khéo léo tuốt hết gạo mà bông sen vẫn còn nguyên vẹn. Có thể cắm chơi thêm vài ngày nữa. Những bông rụng cánh có thể bẻ đài sen ra chơi trò cuốn chỉ. Đứng lên ghế cao thả xuống quay tròn xòe rộng cánh trắng quanh đài hoa vàng rực rỡ.

Sen là loài hoa rất quý của người Hà Nội. Những năm giữa thế kỷ trước, hạt sen bán ở Hà Nội còn đếm chục đếm trăm chứ không cân lạng như bây giờ. Nhưng không phải cứ quý là đua nhau trồng.

Vào quãng những năm 1970 bỗng nhiên thấy có cả sen nở dưới chân cầu Thê Húc trên hồ Hoàn Kiếm. Các danh sĩ Hà Nội băn khoăn ít lâu rồi tất cả đồng thanh phản đối. Những tiêu đề báo chí “Chướng mắt như sen mọc Hồ Gươm” hối hả tràn lan trên tất cả các mặt báo đã trở nên thành ngữ để nói về việc khác. Tất nhiên lúc ấy Hà Nội là nơi có nhiều báo chí nhất nước. Và tất nhiên nhiều nhất thì cũng chỉ có độ bốn, năm tờ quen thuộc với độc giả như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Tiền phong, Thiếu niên tiền phong…

Chú thích ảnh
Sen từng được trồng ở Hồ Gươm một thời và nhận được nhiều ý kiến khen chê

Thực ra đây không phải là lần đầu người ta trồng sen ở Hồ Gươm mà ngay từ đầu thế kỷ 20 đã có lúc sen mọc dày đặc dưới chân cầu Thê Húc. Có lẽ lúc ấy chưa cảm thấy chướng lắm là bởi cây cầu Thê Húc còn là một nhịp cầu thẳng băng mà không cong vắt như bây giờ. Nó có in bóng xuống mặt nước cũng chẳng đẹp đẽ gì.

Vài năm gần đây có người nghĩ ra cách ướp trà sen rất lạ. Hái sen về đổ trà vào rồi buộc túm lại mang bán. Chẳng ra trà mà cũng chẳng phải sen. Bạo đến mức đổ trà móc câu Thái Nguyên thơm lừng vào nhân bông sen thì hỏng cả trà lẫn sen là điều chắc chắn.

Thực ra cách này chẳng có gì mới lạ. Từ rất lâu rồi dân quanh hồ Tây vẫn làm. Đó là vào buổi tối bơi thuyền ra đổ trà vào nhụy bông sen rồi buộc lại. Sáng ra dốc lại trà mang vào nhà pha uống. Trà ướp sen buộc phải là trà bồm Phú Thọ, Hà Giang. Những thứ trà có ít mùi hương tự nhiên nhất mới hòng hút được mùi hương sen.

Cũng vài năm gần đây có phong trào chụp ảnh bên đầm sen ở nhiều tỉnh thành. Những nhà thầu đầm chẳng dại gì bỏ qua một món thu nhập đáng kể khi có đến hàng trăm người mỗi ngày mua vé vào tham quan chụp ảnh. Đầu tiên còn có các thợ ảnh chuyên nghiệp. Giờ thì mọi người đều có thể tự cho phép mình trở thành thợ ảnh chỉ bằng một chiếc smartphone. Thôi thì đủ cả trăm trò vạn vẻ.

Chú thích ảnh
Trào lưu chụp ảnh với sen rất phổ biến những năm gần đây ở nhiều vùng miền. Ảnh: Dân trí

Những sồn sồn núc níc cũng mặc yếm không áo nịt và váy đen thắt khăn màu sặc sỡ, ộ ệ đứng ngồi bên sen. Những thanh tân táo bạo hơn hở hang vải voan trong suốt lả lướt bên sen. Cực điểm của táo bạo là “nhộng cả con” ngâm mình dưới nước với tay lên cành sen mà tạo dáng. Ngạc nhiên hơn cả là không chỉ phụ nữ mà có cả những anh chàng mập mờ giới tính tham gia trào lưu này.

Thật là dại dột hết mức. Sen chỉ làm tôn lên sắc đẹp con người ở những bối cảnh khác. Dù có là hoa hậu đi chăng nữa thì đứng ở đầm sen cũng chỉ như thêm vào một bông trong ngàn vạn khoe sắc đủ đầy ở đấy rồi.

Vài người Hà Nội ngay ngắn lâu đời chẳng khỏi đỏ mặt tía tai khi qua lại vùng hồ sen “nguy hiểm” như thế. Ở Hà Nội vài chục năm là chưa đủ lâu để có thái độ nhã nhặn nhún nhường trước sen.

Dù có là hoa hậu đi chăng nữa thì đứng ở đầm sen cũng chỉ như thêm vào một bông trong ngàn vạn khoe sắc đủ đầy ở đấy rồi.

Đỗ Phấn
(Tháng 6-2019)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm