Sống chậm cuối tuần: Lần đầu cưỡi ngựa

20/04/2019 07:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngựa đỡ đôi chân tôi nửa giờ đường núi cheo leo, nhưng đó cũng là nửa giờ tâm trạng tôi nặng nề nhất trong chuyến leo lên Tiger’s Nest. Vâng, tôi thương xám tro...

Xem chuyên mục "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Sống chậm cuối tuần: Sống chung với... khỉ

Sống chậm cuối tuần: Sống chung với... khỉ

Chi tiết các vụ "giết khỉ" ở Sơn La, Hà Tĩnh còn đang được điều tra xác minh. Nhưng ngần ấy cũng đủ khiến ta phải đặt câu hỏi thay cho loài khỉ: "sống chung với loài người khó thế chăng"?

Du lịch Bhutan, có một điểm không thể bỏ qua, đó là tu viện Tiger’s Nest nổi tiếng.

Tương truyền nơi đây có năng lượng vũ trụ mạnh nhất bên sườn Himalaya. Người tu hành nào có cơ may đến Bhutan đều không thể không qua đây tham thiền. Ngọn núi cao ngất, và ngôi đền bám chênh vênh bên mép núi, gần đỉnh. Đứng xa chừng 4km nhìn vẫn phải ngửa mặt lên. Xa xa lấp lánh mấy chấm sáng, đó là tường của ngôi đền. Độ sáng hòa lẫn vào trời xanh.

Theo đồng hồ đo đường đếm bước thì đường lên Tiger’s Nest từ điểm tập kết, cả đi và về chừng 15km... Tôi đã đi bộ 12,1km với 18.182 bước theo đồng hồ đếm, không kể gần 3km đầu tiên đi ngựa ngược dốc.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết bên chú ngựa thồ

Con ngựa nhỏ xám trắng được một thanh niên Bhutan dắt đến đỡ tôi lên lưng nó. Anh ấy đội mũ nhà sư đen, da ngăm đen và để râu lún phún dưới cằm. Đôi mắt nhạt và lạnh. Không cùng ngôn ngữ nên tôi với anh trao đổi chỉ bằng ra hiệu động tác tay. Anh nhắc tôi cất máy ảnh đi, vì đường hiểm trở, ngồi trên lưng ngựa chụp ảnh sẽ dễ nguy hiểm.

Đường ngược dốc lựa theo thế đất đi nghiêng nên chênh vênh bên vực bên núi. Ngựa cảm nhận được sức nặng của tôi, khi tôi dận cương trèo lên lưng. Chân nó rún ngiêng một chút rồi kịp lắc mình giữ lấy thăng bằng ngay.

Mã phu Bhutan lầm lũi, ngựa lầm lũi bước những bước đầu tiên. Cũng có lúc hơi xiêu hơi vẹo một chút nhưng đây là con đường quen thuộc phục vụ khách du lịch nên một người điều khiển 2 - 3 ngựa.

Chú thích ảnh
Đoàn người ngựa tham quan lên đền Tiger's Nest ở Bhutan

Từ sáng sớm, bãi ngựa đã đầy hàng trăm con chờ khách gọi. Hầu như khách Tây không cưỡi ngựa. Họ cặm cụi leo núi để trải nghiệm. Họ phần lớn là trung niên đang sung sức. Còn tôi với gánh nặng tuổi tác, đã hết thời thử nghiệm vì trải nghiệm mãi rồi.

Ngồi trên yên lắng nghe ngựa bước lúc nhặt lúc khoan, nhưng rồi cảm nhận thấy ngay bước chân nặng nề của nó. Nó bước không đều, có lúc chân nam đá chân chiêu, có lúc bước hụt trẹo trọ.

Tôi ngồi, chân khoặp bàn đạp khép sát bụng ngựa,hai tay nắm chặt mỏ yên giữ thăng bằng mà vẫn đu đưa. Mỗi khi bước chân ngựa chệch choạc vì sểnh bước, mất trụ là tôi cũng chao nghiêng người, cảm giác ớn lạnh. Tôi chỉ sợ nó đột nhiên vấp ngã gãy chân gục xuống!

Chú thích ảnh

Nỗi lo ngầm ấy theo ròng tôi khoảng 3 cây số -chừng nửa giờ đồng hồ. Càng đi, tôi càng cảm nhận rõ rệt thế nào là thân trâu ngựa như người xưa ví von cảnh đời làm thuê, làm mướn. Vâng, con ngựa tôi cưỡi thực ra là giống ngựa thồ. Cổ nó mảnh, chân thấp, khi đi thì đầu cúi gằm. Ngựa ấy có thể đi thồ hàng bền bỉ đường xa hàng tháng. Đầu cúi thì không bao giờ nó bị mỏi cổ, mới đi xa đi bền được. Nhưng nay nó lại được dùng làm ngựa cưỡi bất đắc dĩ để kiếm tiền cho chủ!

Ngồi trên lưng ngựa nhưng lòng thì chia sẻ với thân phận con xám tro đang cưỡi. Muốn nói với nó một câu gì đó chỉ cốt nó nghe hiểu là mình thương nó biết bao nhiêu.

Chú thích ảnh

Cái bụng xám tro bắt đầu hí hóp khi leo qua nửa con dốc, mũi phì phì hơi thở nặng nhọc. Qua chỗ có máng nước bên đường, xám tro chững lại, ghé miệng vào máng liếm những giọt nước núi mát lạnh cho tỉnh táo lại. Đôi lúc xám tro lại đứng ì ra không chịu nhón chân đi tiếp. Nó oải chứ không phải nó lười.

Tôi từng biết gánh nặng cuộc đời như thế nào trong những ngày đau ốm. Lúc đó đôi chân nặng như chì không muốn nhúc nhích. Cái sức nặng mà tuổi trẻ không bao giờ biết được vì chưa từng trải qua, không bao giờ có thể thông cảm được với người tuổi tác. Còn tôi hôm nay thì càng thấm, càng quá thương xám tro ngẫu nhiên gặp nhau ở xứ sở xa lại này, thành ra tri kỷ!

Chú thích ảnh

Hết chặng đường dốc, ngựa quay về, bỏ lại tôi với đoàn du lịch tự đi tiếp vì đoạn tiếp theo ngựa không leo được nữa.

Tôi thở phào vì cuộc chia tay giải thoát cho cả hai bên. Ngựa đỡ đôi chân tôi nửa giờ đường núi cheo leo, nhưng đó cũng là nửa giờ tâm trạng tôi nặng nề nhất trong chuyến leo lên Tiger's Nest. Vâng, tôi thương xám tro. Công nó cõng tôi chừng 3 cây số dốc núi được 10 USD đem về cho chủ. Ngày xám tro đi được mấy chuyến, xám tro làm cho chủ bao nhiêu tiền? Liệu xám tro trụ được bao lâu?

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Buổi chiều khi quay trở về, bãi tập kết ngựa vắng hoe. Khách lên Tiger's Nest chỉ có vào buổi sáng. Tôi muốn gặp lại xám tro, vuốt ve nó một chút cảm ơn cho nhẹ lòng nhưng chắc nó đang được đứng nghỉ trong chuồng chủ nhân. Công việc của xám tro chỉ vào buổi sáng hàng ngày.

Tôi bâng khuâng nhớ những bước chân nặng nề của xám tro trong suốt chuyến đi. Và cả lúc đang viết những dòng này, hình ảnh xám tro là bước chân chệch choạc của nó trên con đường dốc núi vẫn như đang hiện ra trước mặt. Đó là lần đầu tôi cưỡi ngựa, và có lẽ cũng là lần cuối cùng...

Đỗ Đức (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm