Sống chậm cuối tuần: Chính tả, những chuyện cười ra nước mắt

20/06/2020 09:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ tưởng chuyện chính tả, chữ viết không có gì quá quan trọng. Sai gì chứ sai mấy lỗi chính tả vớ vẩn ăn nhằm gì. Thiên hạ, từ trẻ con đến người già vẫn viết sai "hằng hà sa số" có sao đâu. Nhưng, trong cuộc sống, có những lỗi chính tả "chết người" đấy! Chính tôi đã từng mắc và chứng kiến những người khác mắc để cho mình phải rút ra "bài học nhớ đời". Buồn một nỗi, những lỗi này "không ai giống ai".

Nỗi lo chính tả

Nỗi lo chính tả

Sự lẫn lộn trong phát âm và thói quen nói sao viết vậy, dẫn đến chuyện thường xuyên viết sai chính tả, làm đau đớn, xót xa biết bao cho chuyện “chữ nghĩa”!

Nhân sự kiện cuốn Từ điển chính tả (NXB Đại học Quốc gia HN, 2017) đang xôn xao dư luận, tôi xin kể mấy chuyện về “lỗi morasse" để bạn đọc cùng tham khảo.

Sai, nhưng vẫn có nghĩa

Ngôn ngữ thường được biểu thị qua nói năng (kênh âm thanh) và chữ viết (kênh tự dạng). Nói sai, nói nhịu, nói không chuẩn... thì ai chả mắc. Chuyện viết cũng thế thôi. Chả ai nói mạnh được. Ấy vậy mà, chính tôi đã phải "chịu trận" tơi bời khói lửa vì những lỗi mà chính mình "liên đới" chịu trách nhiệm.

Cuối năm 1987, tôi được cử vào TP.HCM để sửa bản in thử cuốn Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) do NXB Khoa học Xã hội ấn hành (1988). Hồi đó, công nghệ chế bản điện tử (rất đơn giản, dễ dàng, chính xác) ở Việt Nam chưa có và chưa thịnh hành như bây giờ. Bản thảo vẫn là dạng đánh máy (loại máy thủ công, gõ tay) trên giấy pơ luya loại xấu, vàng ố. Nhà in phải chia nhỏ các vần của từ điển rồi phân chia cho thợ sắp chữ. Dù theo công nghệ linotif (đánh máy nhặt chữ theo dòng chì nóng chảy chứ không xếp chữ rời) nhưng tốc độ vẫn chậm vô cùng. Nếu bây giờ bản thảo đã xong thì việc lên ma-két (maquette), mise trang (lên khuôn) với dân chuyên nghiệp thì nhanh như gió. Nhưng việc sắp chữ, dập bông (bon: bản in thử), sửa bài... hồi đó mất đứt 1 năm.

Điều đáng nói không phải ở chuyện lâu mà ở chuyện sai do “tam sao thất bản”. Sau đây là mấy ví dụ.

ÁN TỪ thành ÁN TÙ. Trong kho từ vựng tiếng Việt có danh từ án từ (hồ sơ một vụ án). Ấy vậy mà từ này lại bị in là án tù. Đọc "mo" tới 2 lần tôi vẫn chả nhận ra (có lẽ án tù thông dụng hơn nên ít khi để ý mà nghi ngờ). Từ điển in xong phát hành cả ngàn bản trên toàn quốc. Sách mang ra Hà Nội, các tác giả hăm hở mang về cũng chẳng ai nhận ra. Mãi đến khi một vị luật sư bên tòa án tra cứu mới phát hiện ra lỗi chết người này. May đây chỉ là từ điển của cả tập thể mấy chục người chứ không phải chuyện tày đình liên quan tới số phận của ai đó. Bởi các từ “án tù”, “án từ”, “án tử” đứng rất gần nhau.

Đang là tài liệu, giấy tờ

Mà thành ra chuyện “án tù”, buồn thay!

Chú thích ảnh
Những lỗi sai chính tả “vô đối”. Ảnh sưu tầm

HƯ HÓA thành HỦ HÓA. Một sinh viên đọc cuốn Ngôn ngữ học: Khuynh hướng - Lĩnh vực - Khái niệm (NXB Khoa học Xã hội, 1986) có gọi điện hỏi tôi: "Thưa thầy, trong cuốn sách này có câu Hiện tượng hủ hóa của từ. Em thật không hiểu ạ?". Tôi cũng ngỡ ngàng không hiểu nốt. Không hiểu là tại sao lại để lọt một lỗi như thế mới khiếp.

Trong ngôn ngữ có thuật ngữ “hư hóa” (chỉ hiện tượng mất nghĩa của một số từ thực mà chỉ còn nghĩa ngữ pháp (hư từ)), ví dụ "của" (vật có giá trị, như “của cải”) trong quá trình sử dụng đã chuyển thành một kết từ cú pháp, chỉ sở hữu (nhà “của” anh ấy). Nhưng người sắp chữ đã "trông gà hóa cuốc". Dấu râu của chữ cái “ư” trong chữ “hư” trên máy chữ qua giấy than mờ nom na ná chữ “hủ”. Vậy là “hư hóa” thành “hủ hóa”. Cô sắp chữ ở nhà in sau này hồn nhiên nói: "Em chưa nghe nói hư hóa bao giờ. Còn hủ hóa thì quá thông dụng". Thế là từ “hư” (từ rỗng nghĩa) biến thành “hủ hóa” mang nét nghĩa "có quan hệ nam nữ về xác thịt một cách bất chính". Nguy hiểm chưa?

Từ cũng “hủ hóa” như người

Chuyện chữ nghĩa, chuyện cuộc đời khác chi!

CHUYỂN DI thành CHUYỂN ĐI. Có một bài viết trong cuốn trên, nhan đề Giao thoa và chuyển di, nói về hiện tượng hai hay nhiều ngôn ngữ tiếp xúc với nhau và tạo nên hiệu ứng "chuyển di" (transfer) các yếu tố của ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia (về từ vựng, ngữ pháp hay nghi thức giao tiếp). Nhưng nhân viên sắp chữ (chắc ít gặp từ “chuyển di”) đã sắp thành "chuyển đi". "Chuyển đi" là sang chỗ khác, còn gì để hội nhập, hòa nhập để dẫn đến hiện tượng "tiếp biến ngôn ngữ và văn hóa" nữa?

“Giao thoa” bồi đắp cho mình

Chưa tăng thêm đã vội thành “chuyển đi”…

"Tam sao thất bản" trong in ấn là "chuyện thường ngày ở huyện". “Không ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng” được. Tiếng Việt đơn tiết lại có 6 thanh điệu nên sơ suất một chút (có khi chỉ một dấu thanh) là lôi thôi. Phiền một nỗi, nếu lỗi sai mà thành một từ vô nghĩa gì thì đi một nhẽ. Đằng này nó vẫn có nghĩa và kéo người đọc sang nghĩa khác hẳn mới đau chứ. Báo Pravda (Правда) của Liên Xô trước đây dịch sang tiếng Việt là "Sự thật". Nhưng báo ta có lần in nhầm là "Sợ thật".

“Sợ thật”, bó tay chấm com

Chữ tác, chữ tộ thật buồn cho ai.

Chú thích ảnh

Sai một li, đi cả ngàn năm

Đây là nội dung viết trên tấm biển thông báo đặt trang trọng trước cửa Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) hồi nào:

“ĐỘNG NGƯỜI XƯA

Động người xưa là một di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử cách ngày nay 7.500 năm (± 100 năm). Động được khai quật vào năm 1966. Tại đây đã tìm thấy các loại rìu đá mũi nhọn, xương, dao cắt bằng vỏ chai, chày và bàn nghiền bằng đá vỏ ốc và xương động vật...”.

Đọc đến đây tôi hơi ngờ ngợ. Và từ ngờ ngợ tôi thật sự sửng sốt vì một lỗi chính tả “kếch xù”: “dao cắt bằng vỏ chai”. Ai cũng biết, chai là “đồ đựng làm bằng chất liệu thủy tinh hoặc nhựa, cổ dài dùng để đựng chất lỏng”. Đây là dụng cụ nhân tạo do con người phát minh với 2 nguyên liệu cơ bản (thủy tinh, nhựa). Thế mà người Việt cổ đã có thể dùng vỏ chai vỡ để làm dao cắt cách đây tới 7.500 năm hay sao?

Thủy tinh là một chất rắn không định hình. Đó là hỗn hợp của natri silicat và canxi silicat. Khi nấu cát thạch anh, đá vôi và sô đa ở nhiệt độ 1.400oC thì ta có sản phẩm thủy tinh. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4 (NXB Từ điển Bách khoa, 2005, tr. 305) thì người Ai Cập cổ đại là những người lần đầu tiên đã chế tác được thuỷ tinh cách đây 6.000 năm (nhưng chỉ là các vật liệu thô sơ).

Còn nhựa (một hợp chất hữu cơ gồm cacbon, hydro, oxy, nitơ, lưu huỳnh...) thì chắc chắn là còn xuất hiện muộn hơn nhiều. Cách đây 7.500 năm, người Việt tiền sử còn ở dạng “ăn lông ở lỗ” thì làm sao chế tác ra chai thủy tinh được? Vậy thì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn là, thông tin “dao cắt bằng vỏ chai” là không đúng.

Ở đây, người viết đã nhầm “vỏ trai” thành “vỏ chai”. Trai là “động vật thân mềm, có vỏ cứng gồm hai mảnh, sống ở dưới nước”. Đây chắc chắn là động vật thủy sản có từ xa xưa và việc người Việt cổ tận dụng vỏ con trai để làm các đồ dùng (làm muôi để xúc, làm dao để cắt...) là hoàn toàn có thể. Chỉ một lỗi chính tả tưởng nho nhỏ thế mà nếu suy luận rộng ra sẽ có biết bao nhiêu vấn đề đụng chạm tới tri thức (về lịch sử loài người, về khảo cổ học, về văn hóa...).

Một li, đi mấy ngàn năm

Chú trai cũng phải khóc thầm vì… sai!

Hầm của chú thì chú ẩn

Có một giai thoại vui về chuyện sai chính tả “chết người” được truyền tụng. Số là, vào những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ, một lần, có báo động máy bay đến, người ta dẫn GS Nguyễn Lân (1906-2003, nhà khoa học, Nhà giáo Nhân dân) ra hầm tránh bom. Nhưng đến cửa hầm, mặc cho máy bay gầm rú, mặc cho anh cán bộ đi theo khẩn khoản mời, GS Nguyễn Lân vẫn đứng im, kiên quyết không nghe và chỉ vào tấm biển viết sai chính tả “HẦM CHÚ ẨN” rồi nói: Đây là hầm dành cho “chú” chứ đâu dành cho tôi hay cho những người khác? Hầm dành cho chú thì chú vào. Tôi thà chết chứ không chịu vào hầm “chú ẩn”.

Mặc cho bom nổ bên tai

Không xuống hầm chỉ vì sai chữ “tr”.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm