Sống chậm cuối tuần: Chầm chậm đời người

03/08/2019 07:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tình cờ nhìn thấy người bạn thuở ấu thơ đang kéo xe ba gác, ký ức về Hà Nội 50 năm trước ùa về. Nhìn lại mới thấy, những con phố, những ngôi nhà, những con người, những dòng sông… đã có quá nhiều thay đổi. Sống chậm lại một chút để lắng nghe chính đời mình đang trôi đi.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Sống chậm cuối tuần: Nhớ bát canh cua đồng

Sống chậm cuối tuần: Nhớ bát canh cua đồng

Mùa Hè nóng như đổ lửa, chợt nhớ bát canh cua đồng. Bây giờ hàng riêu cua, lẩu cua rất sẵn, nhưng cái hương vị bát canh cua đồng xưa thì còn lâu mới chạm tới được.

1. Cái hôm Hà Nội vừa có gió nồm thổi về, tôi xuống Đầm Trấu đi mua sách ở cơ sở của Nhà xuất bản Trẻ, chợt quá chân xuống mạn chợ bờ sông, định mua ít ngô và mua chùm bồ kết xanh về phơi trên nong nia cho đỡ nhớ quê nhà; không ngờ tôi đã nhìn thấy cậu Len hàng xóm cũ, nhà ở ngay đầu ngõ làng Vân Hồ, đang kéo xe ba gác chất đầy trấu. Cái lưng của Len cũng hơi gù giống ông Lâm cha hắn. Tự dưng tôi dừng xe lại nhìn theo mãi, rồi tạt vào quán cà phê vỉa hè khu Đầm Trấu nghe hóng về Len.

Dễ hơn 50 năm, hồi đó chúng tôi cùng học lớp 1 trường Vân Hồ, bố Len làm nghề kéo xe ba gác đi chở trấu thuê ở Đầm Trấu mạn gần nhà máy xay Lương Yên, mẹ Len làm nghề đan len thuê. Tôi học lớp 1 cũng đã đan len thuê đến khi vào lớp 3. Hồi đó chỉ dám nhận đan gấu áo len, bà mẹ Len đan thành thục thân áo len và thông thạo triết cổ và khâu chân kim cổ áo len.

Chuyện là ông Lâm, bố của Len đi từ sớm đến tối khuya mới về nhà. Mùa mưa ông hay về sớm, rủ bố tôi đi câu cá ở mạn đầm Sét. Đi qua chợ Mơ cũng hay mua chai quốc lủi mấy bìa đậu mơ nhắm với đậu phụ và cá rô đầm Sét rán vàng.

Chú thích ảnh
Nhịp sống phố phường Hà Nội xưa

Ký ức xưa như vừa đánh thức tôi nhớ về những con cá rô đầm Sét ở mạn Đuôi Cá, ở phía dưới phố Trương Định bây giờ. Bao nhiêu ao chuôm đầm cá, là bấy nhiêu mùa sen nở. Và tôi chợt phát hiện ra bố tôi có cái thú là hay đi dưới mưa rào, có hôm mưa rào đi xuống đầm Sét thì tạnh, ngồi câu cá hoặc xuống đầm kéo vó. Bao nhiêu là cá đi ăn mưa. Cá chép, cá mè, cá rô đầy cái chậu tôn lớn, ăn không hết mẹ tôi bảo đem cho ông bà Len rồi mang vào làng Vân Hồ cho bà Ba Được, bác họ tôi ở đó.

Tuổi thơ có bữa mẹ tôi gỡ cá rô và giã xương cá rô lọc nước nấu canh rau cải mơ, vị ngon ngọt ấy mãi thấm ở trong lòng đến giờ chưa tan.

Cậu Len hồi nhỏ học kém, hay hỏi tôi mượn vở tập chép để tối về chép lại bài tập về nhà. Chỉ ít năm sau ông khi Lâm ba gác mất đột ngột do đột quỵ. Nhà bà Len nghèo, hiếm người nên cậu Len ngày ấy nom lơ ngơ, tội lắm. Năm sau, chưa kịp giỗ đầu người bố của mình thì bà mẹ Len cũng theo chồng ra đi, để lại Len bơ vơ, không rõ trong họ có ai nuôi nấng? Rồi những năm chạy đi sơ tán…

2. Thoắt đã hơn 50 năm, giờ đây tôi nhìn thấy Len vừa kéo chiếc xe ba gác qua, cái lưng gù gù ấy ám ảnh mãi hình ảnh ông Lâm ba gác xưa. Tôi nghĩ, không hiểu sao mệnh trời lại để cha con Len làm mãi nghề ba gác khó nhọc, khi tuổi sập chiều, giờ đứa con vẫn nối cái nghề của cha khó nhọc này. Đầm Trấu không còn trấu, nhà máy xay Lương Yên không còn xay xát.

Bà bán quán cà phê vỉa hè vừa pha trà vừa kể: “Ông Len ấy có ngày kéo một xe dừa xiêm đi bán lẻ, trưa về có khi trải tấm chiếu nằm trên xe ba gác ngủ ở dưới cây trứng cá kia, hoa trứng cá nở trắng rơi đầy người mà không biết gì đâu, có hôm mưa mà giời thương, mưa cũng không rơi đến mặt”.

Chú thích ảnh

Nghe nói ông ta ở dưới xóm trọ nghèo dưới mạn dốc Phà Đen. Hàng ngày vẫn đi nhận kéo xi măng bán lẻ, chở hàng đồ chơi cho dân thợ ảnh chụp choẹt ở công viên Tuổi Trẻ mạn đường Trần Khát Chân. Ông Len chịu khó lắm, kể cũng lạ, cực nhọc thế mà không thấy ốm đau chi.

Chỉ sống có một mình, ông cũng hay giúp người chạy chợ, chở hàng rong, khi có người mua buôn bán lẻ vật liệu trong mạn khu nhà khá giả ở Đầm Trấu. Nhiều nhà neo người còn thuê ông đi mua cây cảnh chở về làm vườn trên tầng thượng.

Ông Len ‘‘ba gác’’ biết cả nghề điện nước, ai thuê gì làm nấy, cũng sống được nhờ tài vặt. Tôi ngồi nhấm ly cà phê đen thấy đắng. Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày Hà Nội xưa của tôi vẫn còn có chợ Đuổi, ở bên cạnh khu nhà máy cơ khí, nay đã là những ngôi nhà cao tầng với những shop thời trang thế giới tên tuổi, đèn nhập nháy sáng trưng, xóa sạch những cơ ngơi cũ kỹ của Hà Nội xưa. Chắc Hà Nội chỉ còn trong người chép sử ghi lại một thời bao cấp, một thời đạn bom và một thời tự hào, một thời luôn tràn ngập tình thương quý mến nhau.

3. Tôi đã mua xong bồ kết xanh, mua xong ngô nếp trắng, nắng đã đứng bóng mà không thấy cậu Len ba gác trở về. Bà chủ quán cà phê vỉa hè xởi lởi bảo: “Chắc gặp khách ở chợ, người ta gọi cậu ta đi chở vật liệu thì chả biết giờ nào mới về”. Tôi định nán lại, nhưng lại thôi, hẹn với mình hôm khác trở lại Đầm Trấu gặp Len, để hỏi thăm nhưng chắc gì Len muốn nhớ về cái ngõ có cha và mẹ với tuổi thơ ở gần Công viên Thống Nhất, nơi cậu ấy từng hạnh phúc và từng mất mát, nhưng nhỡ đâu, bạn lại không muốn nhớ lại chuyện cũ thì sao?

Tôi lại thấy hình ảnh cái lưng gù gù kéo xe trong vạt nắng xế, và cơn gió nồm ẩm ướt khó chịu làm người ta muốn nguôi ngoai, buông bỏ đủ thứ, nhưng thành phố đi dọc sông Hồng tôi vẫn tìm thấy sóng ký ức và một phận người chìm dạt?

Ký ức xưa như vừa đánh thức tôi nhớ về những con cá rô đầm Sét ở mạn Đuôi Cá, ở phía dưới phố Trương Định bây giờ. Bao nhiêu ao chuôm đầm cá, là bấy nhiêu mùa sen nở. Và tôi chợt phát hiện ra bố tôi có cái thú nhất là hay đi dưới mưa rào, có hôm mưa rào đi xuống đầm Sét thì tạnh, ngồi câu cá hoặc xuống đầm kéo vó.

Hoàng Việt Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm