Sống chậm cuối tuần: Cây non không bẻ ngọn

02/03/2019 07:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Giờ đây tôi mừng nhất là mình đã trồng cây non, không bẻ ngọn. Tôi đã đứng về sự chân thực và cách cảm của con, dù cuộc sống xô đẩy, cháu sống vất vả.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Sống chậm cuối tuần: Lạ kỳ xôi lúa Hà Nội

Sống chậm cuối tuần: Lạ kỳ xôi lúa Hà Nội

Ngô là thức ăn của người nghèo. À mà tại sao rõ ràng xôi được chế biến ra bằng ngô là chính, chỉ thêm vào chút gạo nếp (lúa), lẽ ra, nó là một thứ xôi độn ngô mới phải. Tại sao gọi xôi ngô là xôi lúa? "Bản quyền" xôi lúa rõ ràng là của người Hà Nội rồi. Xôi lúa chính là sản phẩm được sáng tạo ra từ sự nghèo khó. Nghèo mà không hèn.

1. Hơn 10 năm trước đây con trai tôi thi vào trường đại học ngoại ngữ, thiếu mất nửa điểm so với điểm chuẩn. Khi ấy, tôi có người anh họ đang dạy ở trường đại học, định bụng tính, nhờ bác có cách nào vớt vát được nửa điểm cho cháu hoặc chuyển khoa khác thấp điểm hơn có được không?

Hồi đó lại nghe mấy phụ huynh cũng có con thiếu nửa điểm đang tìm cách “chạy” điểm, hòng mong con vào trường đại học. Về đến nhà, tôi đã hỏi ý con trai, nhưng cháu dứt khoát ngay: “Không cần nhờ bác đâu mẹ ạ. Không mẹ nhé”! Tôi vặn lại: "Tại sao?”.

“Con không muốn sau này, vì nửa điểm của con mà mẹ sẽ luôn phải cúi mặt trước bác và luôn phải tỏ ra biết ơn này nọ” - con tôi nói - “Con cũng không muốn vì nửa điểm, mà phải nói với mọi người khác đi, nói chẻ hoe ra là thiếu chân thực. Con sẽ vào nguyện vọng 2”.

Lần đầu tiên tôi nghiêng về con từ khi bố cháu mất sớm. Tôi vào vai vừa làm mẹ vừa làm cha, thật khó sao.

Dù nguyện vọng 2 vẫn đủ điểm cho cháu trú chân ở một trường đại học, nhưng cháu vẫn không vào, mà nộp đơn xin học nấu ăn ở trường Cao đẳng Du lịch. Đành phải nghĩ thuận theo con, tôi chấp nhận thỏa hiệp.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

2. Nhà chỉ có hai mẹ con, tôi không có việc làm ổn định, mới tập tọng viết báo ít năm kiếm sống. Nhiều khi ký hợp đồng ngắn hạn, phải luôn đi rất xa viết bài cho tờ báo ngành để nuôi con. Lúc bố mất, con mới 11 tuổi.

Có lần đang ở Hòa Bình thì hay tin con sốt; may sao có cô bác sĩ láng giềng đưa con đi viện chăm nom cho; sau này tôi hẹn với lòng mình không cố đi xa nữa, đợi con khôn lớn trưởng thành.

Học đến năm thứ 3 cháu đi thực tế ở một công ty du lịch, đó là đơn vị anh hùng của ngành du lịch bấy giờ. Khi thực tập về, phải viết báo cáo nộp cho cô giáo thì bị trả lại với dòng chữ “bài viết sai sự thật, yêu cầu em viết lại”.

Đấy là đơn vị anh hùng, là ngọn cờ đầu của ngành, hãy chỉ nêu thành tích. Nhưng trong bài, con trai tôi đã nêu ra 3 điểm non yếu cần khắc phục thì bị gạch xóa, phải viết lại.

Khi hỏi con, cháu buồn bã đáp: “Con bỏ học rồi mẹ ạ, cô đã giáng vào học bạ, điểm hạnh kiểm kém; huơ tay trước mặt con khiến con sợ, nói con chống đối cô”.

“Mẹ đã viết nuôi con, mẹ biết rồi đấy. Viết dối trá rồi nó ám vào người, con không làm được”.

Tôi mất ngủ nhiều đêm, nhà tôi không có ai để mà chia sẻ. Đời người, ai trồng cây cũng trông chờ đến ngày ăn quả, trồng cây non bẻ ngọn thế này; làm sao con kiếm việc để sống, nếu không bằng cấp ở thời buổi này?

Không thể tính hết gieo neo kiểu chạy chợ trên vài cánh cánh đồng chữ nuôi con. Tôi viết từng đổ đi đến một rổ bút bi, con vẫn chưa nên người. Sau này mới có máy vi tính, cố viết như điên để bù lại những trang bản thảo viết tay, mà tòa soạn yêu cầu gửi bài qua E-mail.

Thế rồi tâm trạng u ám kéo dài trong lòng người mẹ không nuôi nổi con ăn học đại học. Thắp nén hương trên bàn thờ chồng, tôi vẫn đối thoại với anh khi bối rối: “Rằng em kém cỏi, không thay anh, nuôi con học đại học nữa rồi. Thôi đành theo chữ thuận với con”.

3. Ngày con bỏ học, nó làm ở quán cà phê phố cổ. Đi chạy bàn, rửa cốc chén, khuya khoắt mới về nhà. Trời rét thấu xương, nhìn bàn tay, mười ngón bợt bạt, da nhăn nheo do nhúng nước lâu, tôi cúi xuống và quay đi.

Rồi xoay chuyển đi bán điện thoại thuê, va đập với đủ hạng người giàu có và nghèo khó. Ít lâu sau, làm nhân viên đánh máy ở văn phòng luật và nó cặm cụi tự học tiếng Anh; có tháng mưa ngâu đi xé vé ở rạp chiếu phim; khi làm bảo vệ cho một phòng tranh sơn dầu kéo dài có hai tuần lễ. Cứ thế con vẫn tự học tiếng Anh lặng lẽ không nói gì với mẹ.

Đến một ngày, bác Ngọc Trai, bạn của bố cháu đứng ra xin việc cho cháu dạy ngoại ngữ, dù cháu không bằng cấp. Cháu chỉ nói thông thạo tiếng Anh và đọc được tiểu thuyết bằng tiếng Anh.

Đã 5 năm dạy học. Học trò ở lớp cháu luôn tặng thầy những cái bức tranh có bông tím, hoa nâu. Có phụ huynh còn viết thư tay cảm ơn thầy giáo. “Vì ở nhà mẹ dạy con không nghe lời, chỉ dám nhờ thầy dạy đỡ một tiếng là nếp học của cháu đâu vào đấy”.

Cũng từng có học sinh hay nói dối, có đứa bướng bỉnh cũng dần dần đổi tính đổi nết, sống ngay thẳng trở lại với bạn. Thi thoảng, có đứa trẻ hồn nhiên, đợi thầy ở cuối cầu thang để hỏi xem em có cần nói thật điểm kém với mẹ, em sợ ăn roi? May sao, con trai tôi đã biết truyền cảm hứng từ sự chân thành của trái tim mình. Và thầy trò coi nhau như tình bạn.

4. Tôi đã từng đọc bản báo cáo đi thực tập của cháu, từng đến tìm hiểu đơn vị anh hùng nơi cháu đã đi. Từng đóng cửa tranh biện một mình, từng vừa làm thẩm phán vừa làm luật sư vừa là bị cáo. Và tôi chọn đứng về phía cháu, phía cảm nhận chân thành của đứa trẻ khi mới sang 21 tuổi, chấp nhận con bỏ học giữa chừng, để kiếm sống chật vật, để tự học một thứ mà mình say mê.

Giờ đây tôi mừng nhất là mình đã trồng cây non, không bẻ ngọn, đứng về sự chân thực và cách cảm của con, dù cuộc sống xô đẩy, cháu sống vất vả. Và tôi cân bằng được cuộc sống của riêng mình. Tránh xa được bệnh danh vọng, thành tích, bắt con phải có bằng đại học theo ước muốn của mình. Thôi, con hãy tìm một việc bình thường để sống bình thường. Nếu có xin với trời xanh, tôi vẫn xin hai chữ bình yên. Bình yên để làm người bình thường, giữa muôn vàn xô dạt của đời sống.

Hoàng Việt Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm