Sau hô hào là phải đánh thuế túi nylon!

12/11/2009 15:37 GMT+7

(TT&VH) - Mỗi ngày, trên đường đi làm, có một hình ảnh quen thuộc của một số người dân Hà Nội vẫn thường đập vào mắt tôi: xe thu gom rác vừa đi qua đã lại thấy có người mang rác đặt ở lề đường. Đó là những túi nylon, to có, nhỏ có đựng rác sinh hoạt, phế thải xây dựng tràn ngập trên các góc phố...

1. Cách đây đúng hai tháng (10/9) tôi có dịp ghé thăm Cù Lao Chàm, thành phố Hội An. Đó cũng là ngày diễn ra hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện chương trình “Nói không túi nilon”. Và theo kết quả sơ kết, sau ba tháng “tuyên chiến với túi nilon” đã có hơn 500kg túi nilon chưa qua sử dụng được trả về đất liền. Thay vào đó, hơn 500 hộ dân xã đảo chuyển sang dùng giỏ xách tay. Tại các bến cảng, mỗi đợt tàu cập bến, du khách được khuyến cáo dùng các loại túi sinh thái thay thế túi nilon, không mang túi nilon lên đảo. Bên cạnh đó, người tổ chức còn xây dựng chương trình phát thanh để tuyên truyền người dân không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày kết hợp với Trung tâm Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành hướng dẫn bà con phân loại rác. Rác hữu cơ thì ủ làm phân để bón cây, còn rác vô cơ thì nhất quyết phải chở về đất liền để xử lý, đặc biệt là với “giặc nilông”. Nếu là các chai nhựa, bà con sẽ được nhắc nhở có thể giữ lại, tận dụng chính nó cho những nhu cầu của mình hàng ngày.


Có hàng trăm khẩu hiệu “nói không với túi nilông” được treo khắp nơi
 ở Cù Lao Chàm từ tháng 5 đến cuối tháng 9 vừa qua.

Vậy thì người dân Cù Lao Chàm “tuồn rác” đi đâu, bằng cách nào mà vẫn giữ được vệ sinh môi trường cho biển, đảo? Xin thưa: họ dùng thuyền để chở rác vào đất liền. Chiếc thuyền làm bằng innox, có bộ lọc không cho nước bẩn của rác thấm ra biển trong lúc vận chuyển. Mỗi tuần, thuyền thực hiện “công vụ” ra đảo chở rác 2 lần, mỗi lần hầm thuyền chứa được khoảng từ 10 đến 12 m2.

2. Thủ đô Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhiều cuộc “tuyên chiến” với khói bụi, rác thải đã được phát động như “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và chống bụi trên địa bàn thành phố” do Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức (5.2009), “Ngày không túi ni-lông - The Nature Day” diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam)...

Đã có nhiều phương án được đưa ra để ngăn chặn “thảm họa túi nilon”. Có người cho rằng để giảm tình trạng sử dụng túi nilon, chúng ta nên thu phí sử dụng túi nilon tại các siêu thị, các cửa hàng bán túi nilon trên toàn quốc. Song song với việc đó, chúng ta cũng nên đầu tư cho nghiên cứu sản xuất sản phẩm thay thế thân thiện môi trường giúp người dân tiếp thu về ý thức và sử dụng. Đây cũng là phương án đã được thông qua ở một số nước và lãnh thổ trên thế giới như tại các vùng ở Nam Phi, Ireland và Đài Loan, bằng cách đánh thuế vào người đi chợ sử dụng chúng hoặc tính phí cho các công ty phân phối sản phẩm này. Năm ngoái, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm dùng các túi nhựa làm từ dầu mỏ trong các cửa hàng tạp phẩm lớn. Ở Đức, chuỗi cửa hàng, siêu thị buộc phải trả một khoản phí tái chế nếu họ muốn cung cấp chúng...

Nhưng đó là những giải pháp của “người Tây”. Còn với người Việt, mà cụ thể là những người dân Thủ đô, những cuộc phát động không đủ là nguyên nhân “cấm chỉ” thói quen dùng túi nilon của họ. Trước hết, có lẽ họ phải tự “chiến thắng thói quen” dùng túi nilon của mình để chuyển sang dùng một loại túi khác vừa tiện lợi, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường...

Phạm Phú Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm