Quỳ gối cầu hôn trên sân khấu lễ trao bằng tốt nghiệp: Mạng xã hội và những nạn nhân dự bị

20/06/2018 07:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một cặp đôi đang bị gièm pha không tiếc lời trên mạng xã hội chỉ bởi clip quay lại cảnh anh này đã quỳ gối cầu hôn cô gái kia trên sân khấu trong lễ trao bằng tốt nghiệp.

Trả lời báo chí, cô gái (người nhận bằng tốt nghiệp và cũng nhận lời cầu hôn) bảo rằng mình cực kỳ hạnh phúc, dù bất ngờ. Xem clip, ai cũng thấy nụ cười của mọi người, tiếng ồ lên và tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. Kể cả âm thanh cũng là bản tình ca nổi tiếng “A thousand years”, có lẽ là đã được sắp đặt sẵn cho màn cầu hôn này. Người giới thiệu nữ sinh lên nhận bằng tốt nghiệp cũng đã chúc mừng hạnh phúc cho họ.

Nghĩa là, mọi chuyện tưởng chừng như rất tuyệt vời với những người trong cuộc, cho đến khi clip được lan truyền trên mạng xã hội.Và, với quan điểm và cách nhìn của nhiều người, câu chuyện bỗng bị đẩy đi một chiều hướng khác.

Chú thích ảnh
Anh chàng quỳ gối cầu hôn cô gái trên sân khấu trong lễ trao bằng tốt nghiệp. Ảnh: cắt từ clip

Đa phần, họ dành cho cặp đôi những lời như: “Giảng viên không có nếp nhăn ở hai bán cầu não”; “Hỏi tại sao (sinh viên) điểm toàn tự động A, A+”; “Thích thì đi chỗ khác thiếu gì chỗ, muốn chơi trội chắc”... Thậm chí, có cả những lời nhận xét mang tính thóa mạ.

Nực cười ở chỗ, chàng trai xuất hiện trong clip không phải là một thầy giáo, mà chỉ là một cán bộ công tác trong trường ở vị trí Phó bí thư Đoàn, nhưng những “cư dân mạng” kia không quan tâm đến sự thật này.   

***  

Đồng ý rằng cầu hôn là việc của 2 cá nhân. Nhưng từ trước tới nay thiếu gì màn cầu hôn và tỏ tình đã nhờ tới sự giúp sức của người khác để khiến nó trở thành những kỷ niệm đáng nhớ và ý nghĩa?

Đồng ý rằng không khí của một buổi bế giảng rất trang nghiêm và ý nghĩa, nhưng việc cầu hôn vốn là chuyện trọng đại của một đời người chẳng lẽ không đủ ý nghĩa và trang nghiêm?

Có thể hành vi quỳ gối cầu hôn tại một buổi lễ tốt nghiệp như vậy trước giờ chưa có tiền lệ và có phần kỳ cục. Nhưng, dù bỏ qua những tràng pháo tay, hò reo, nụ cười trong clip... của những người xung quanh, chẳng lẽ chúng ta không đủ bao dung, gạt cảm giác "kỳ cục" sang bên để chia sẻ về thời điểm quan trọng trong cuộc đời của 2 con người.

Và, nếu không đồng tình, chúng ta hãy phân tích lý lẽ để đưa ra quan điểm. Bởi, những lời chửi bới theo kiểu "đấu tố" không thể thay đổi người khác theo chiều hướng tích cực hơn. 

***

Có một thực tế đang chi phối một lượng lớn những người dùng mạng internet: họ thích phá hủy thay vì suy nghĩ, họ sẵn sàng nghe theo tình tiết đồn thổi, bịa đặt - chỉ cần hợp ý mình - và thường bị ảnh hưởng tiêu cực từ những người khác. Đó là lý do chúng ta thường nhìn thấy nhiều vụ việc bị mạng xã hội đẩy đi quá xa. Và ở đó, đám đông trên mạng xã hội dễ bị dẫn dụ bởi những thứ tiêu cực để rồi thể hiện thái độ thiếu nhân văn trong hành xử.

Bài học đối với mỗi chúng ta: hãy thận trọng với sự nguy hiểm đến từ cộng đồng mạng mà trong đó mỗi chúng ta sẽ là một nạn nhân dự bị. Họ sẵn sàng dành những lời độc địa nhất cho bạn ngày hôm nay, nhưng chỉ vài ngày là sẽ quên ngay để tìm những nạn nhân mới.

Hãy ý thức điều này để học cách phòng tránh, học cách đối diện và vượt qua nếu trở thành nạn nhân, học cách bảo vệ người khác, và học cách để không trở thành một phần của đám đông nguy hiểm ấy!

Người dùng mạng xã hội cần 'like và share có trách nhiệm'

Người dùng mạng xã hội cần 'like và share có trách nhiệm'

Nhằm thiết thực kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018), ngày 13/6, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội), Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học “Truyền thông trên mạng xã hội.”

Hạ Hồng Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm