Oan cho Tiến sĩ giấy ngày xưa

18/08/2012 14:20 GMT+7

Ở các đô thị miền Bắc ngày trước, hàng năm vào dịp rằm tháng tám âm lịch, tức Tết Trung thu, trong các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em, có bày bán một món hàng đặc sắc là hình ông Tiến sĩ bằng giấy. Ông Tiến sĩ mặc áo thụng xanh, mang hia, đội mũ cánh chuồn nạm bạc, ngồi bảnh chọe trên ghế tréo, che lọng, trông thật danh giá. Nhà thơ Nguyễn Khuyến mượn hình ảnh ông Tiến sĩ, đồ chơi cho trẻ em vào dịp Tết Trung thu để viết bài thơ trào phúng "Ông Nghè tháng tám" mang một nội dung, ý nghĩa về xã hội, thời cuộc lúc bấy giờ.

Người Việt Nam chúng ta, ai đã từng trải qua thời học sinh phổ thông, đều đã được học bài thơ "Ông Nghè tháng tám" của Nguyễn Khuyến:

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.


Ở các đô thị miền Bắc ngày trước, hàng năm vào dịp rằm tháng tám âm lịch, tức Tết Trung thu, trong các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em, có bày bán một món hàng đặc sắc là hình ông Tiến sĩ bằng giấy. Ông Tiến sĩ mặc áo thụng xanh, mang hia, đội mũ cánh chuồn nạm bạc, ngồi bảnh chọe trên ghế tréo, che lọng, trông thật danh giá. Người ta làm ra món đồ chơi này nhằm đề cao sự thành đạt khoa bảng, kích thích tinh thần học tập cho các em thiếu nhi. Nhà thơ Nguyễn Khuyến mượn hình ảnh ông Tiến sĩ, đồ chơi cho trẻ em vào dịp Tết Trung thu để viết bài thơ trào phúng "Ông Nghè tháng tám" mang một nội dung, ý nghĩa về xã hội, thời cuộc lúc bấy giờ.

Bài thơ này, được người đời sau bình luận nhiều. Tựu trung từ trước đến nay, có hai cách cảm nhận về nội dung bài thơ:

Cách hiểu thứ nhất, rất phổ biến, là bài thơ nhằm đả kích hạng người học hành dốt nát, bất tài nhưng chạy chọt, đút lót để đỗ đạt, mục đích có mảnh bằng ra làm quan nhằm "vinh thân phì gia". Ông Nghè là tên dân gian gọi những người đỗ Tiến sĩ. Ông Nghè tháng tám là Tiến sĩ làm bằng giấy. Tiến sĩ giấy là Tiến sĩ giả, không thực chất. Có người còn tán rộng thêm là vào cuối thời đại Nguyễn Khuyến, thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta; Nho học bắt đầu bước vào buổi chợ chiều, nên thi cử bát nháo, xuất hiện ngày càng nhiều những "Ông Nghè tháng tám".

Cách hiểu thứ hai, là Nguyễn Khuyến tự cười mình và các ông Nghè cùng thời đại với mình. Tiếng là những ông Tiến sĩ, thuộc hàng ngũ tinh hoa của dân tộc, chữ nghĩa đầy người, mà không giúp ích gì được cho đất nước trong giai đoạn lịch sử nguy biến, kẻ thù từng bước xâm lấn Việt Nam. Nguyễn Khuyến dùng tiếng cười để phê phán nền giáo dục Nho học cũ kỹ, lỗi thời, không thể đào tạo ra được những con người có tri thức mới (kinh tế, kỹ thuật, quân sự…) đáp ứng nhu cầu của thời đại, mà chỉ "cho ra lò" những ông Nghè, ông Bảng thạo văn chương, thi phú để rồi bó tay bất lực trước tàu đồng, súng sắt của thực dân Pháp xâm lược.

Vậy Tiến sĩ ngày trước có dốt thật không? Ở đây tôi không bàn rộng về khoa cử thời phong kiến nói chung qua các triều đại trong lịch sử, mà chỉ nói riêng về khoa cử thời Nguyễn, kể từ khi vua Gia Long mở khoa thi Hương đầu tiên vào năm 1807, đến khoa thi Hội cuối cùng vào năm 1919 dưới triều Khải Định. Danh từ Cử nhân, Tiến sĩ có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo chữ Nho thì Cử nhân là chọn người có năng lực, Tiến sĩ là tiến cử kẻ sĩ tài giỏi lên cho vua sử dụng. Và việc tiến cử người tài ra giúp nước này, bắt đầu từ thời nhà Hán, Đường được tiến hành thông qua khoa cử. Nước ta, áp dụng nền giáo dục khoa cử theo Nho học của Trung Quốc, khởi điểm từ thời nhà Lý. Thời nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX, nền giáo dục khoa cử rất chặt chẽ và quy mô. Triều đình quy định 3 năm mở một khoa thi, năm trước thi Hương ở các địa phương để chọn Cử nhân, Tú tài; năm sau thi Hội ở kinh đô Huế để chọn Tiến sĩ, Phó bảng.



Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh.


Thi Hương, thí sinh hàng nghìn, nhưng đỗ cử nhân chỉ hàng chục. Ví dụ: Khoa thi Hương tổ chức tại trường Nghệ (chung cho Nghệ An, Hà Tĩnh) năm Tân Mão (1891), có 1.600 thí sinh dự thi, nhưng triều đình chỉ quy định lấy đỗ 20 cử nhân và 60 tú tài (nhất cử tam tú - một cử nhân thì ba tú tài). Trung bình ở các khoa thi, từ 80 đến 100 thí sinh dự thi thì có một người đỗ cử nhân. Vì vậy, ngày trước, muốn đỗ cử nhân phải học thật sự giỏi. Năng lực, tư chất bẩm sinh Cử nhân thời trước tương đương học sinh giỏi nhất, nhì hàng tỉnh hiện nay.

Thi Hội, có hàng trăm Cử nhân dự thi, nhưng số người đỗ Tiến sĩ chỉ hàng chục (tính luôn cả Phó bảng là những Tiến sĩ lấy thêm). Ví dụ: Khoa thi Hội năm Tân Mùi (1871) là khoa Nguyễn Khuyến đỗ đầu thi Hội và thi Đình, có gần 200 cử nhân dự thi, nhưng chỉ đỗ 3 tiến sĩ và 5 Phó bảng. Đỗ thi Hội, sau đó vào thi Đình để sắp xếp thứ bậc Tiến sĩ, do nhà vua trực tiếp ra đề.  Những người thi đỗ Tiến sĩ, Phó bảng phải có học lực xuất sắc. Năng lực, tư chất bẩm sinh của Tiến sĩ, Phó bảng thời trước tương đương học sinh giỏi nhất, nhì quốc gia hiện nay.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Pháp xâm lược và thống trị nước ta, từng bước áp dụng giáo dục mới của phương Tây, nền giáo dục Nho giáo bắt đầu suy tàn dần và chấm dứt vào năm 1919. Ở buổi chợ chiều của Nho học, yếu tố tiêu cực xuất hiện trong khoa cử; nạn thi hộ, mua điểm… thỉnh thoảng xảy ra. Tuy vậy, hiện tượng tiêu cực cũng chỉ xảy ra lác đác ở cấp thi Hương, chứ thi Hội thì khó xảy ra tiêu cực. Bởi vì đỗ thi Hội là những người học giỏi nổi tiếng ở các địa phương, số lượng đỗ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy những kẻ học dốt không bao giờ dám chạy chọt đỗ đạt ở cấp này vì sẽ bị phát hiện ra ngay.

Như vậy, Tiến sĩ thời Nguyễn là những người học hành xuất sắc, trải qua những kỳ thi cam go, khắc nghiệt mới có thể giật được những mảnh bằng danh giá; tại sao họ lại bị Nguyễn Khuyến mỉa mai là Tiến sĩ giấy? Thực ra, Nguyễn Khuyến chế giễu các ông Nghè đương thời, trong đó có bản thân mình; nói rộng ra cụ Nguyễn chế giễu cả một nền giáo dục Nho học thời bấy giờ. Vì nền giáo dục Nho giáo với chương trình học chỉ gồm kinh sử của Trung Quốc, ngoài ra người học phải tập làm thơ, phú, câu đối. Học để thi đỗ ra làm quan - đó là con đường tiến thân duy nhất, dù muốn hay không cũng phải theo. Và nền giáo dục đó tạo ra những ông Nghè, ông Bảng chữ nghĩa đầy người, múa bút nên văn; một số ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn học có giá trị. Tuy vậy, vào cuối giai đoạn lịch sử cận đại, phương Tây đã trải qua cuộc đại cách mạng công nghiệp, trở thành các cường quốc kinh tế, tổ chức xâm lược những nước phương Đông lạc hậu, làm thuộc địa. Nhu cầu xã hội bấy giờ là phải tiến hành canh tân để đất nước trở nên hùng mạnh, đủ sức chống ngoại xâm. Muốn làm được điều này, đòi hỏi tầng lớp quan lại phải có tri thức mới. Hầu hết trí thức xuất thân Nho học đều bất lực trước yêu cầu này. Nguyễn Khuyến - người đã từng ba lần đỗ đầu thi Hương, Hội, Đình - đã cay đắng than thở:


Đã không thực học phù đời loạn
Uổng chút hư danh đỗ đại khoa

(Tự thán)

Hoặc cười nhạo bản thân mình:

Nghĩ mình mà gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!

(Tự trào)

Như vậy, các "Ông Nghè tháng tám" này óc thừa tư chất thông minh, bụng đầy kinh sử văn chương, nhưng do không được đào tạo tri thức mới, trở nên bất hữu dụng trước thời cuộc bấy giờ. Ông thì ngồi im, khoanh tay bất lực (Nguyễn Khuyến, Dương Khuê…); ông thì đứng lên chống Pháp quyết liệt nhưng cuối cùng thất bại (Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích...)… v.v… Đất nước rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp gần một thế kỷ.

Ngày nay, trong xã hội ta có những hạng người yếu kém về tư chất, dốt nát về học vấn, nhưng cũng tìm mọi cách kiếm được mảnh bằng Tiến sĩ nhằm tiến thân. Dư luận dùng chữ "Tiến sĩ giấy" của Nguyễn Khuyến ngày trước để mỉa mai những Ông Nghè dỏm ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này. Tuy vậy, sự đánh đồng giữa Ông Nghè giấy thời xưa và Ông Nghè giấy thời nay, xét ra oan cho những Ông Nghè giấy thời xưa lắm, vì các ông đó mà sinh vào thời nay thì với tư chất thông minh như vậy, các ông thừa sức du học, đỗ tiến sĩ ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới, chứ làm gì có chuyện các ông phải hạ mình đi mua mấy mảnh bằng dỏm cho nhục nhã.

Vì vậy, để chỉ các ông Tiến sĩ dỏm ngày nay, ta nên thay từ "Tiến sĩ giấy" dễ gây ra ngộ nhận, bằng danh từ khác là "Tiến sĩ ruồi". Vâng, "Tiến sĩ ruồi" tức là loại vớ vẩn, ruồi bu, nghe cũng hay hay vậy

Theo Văn Nghệ Công An
 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm