“Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ”

15/08/2012 15:59 GMT+7

(TT&VH) - Chiều 13/8, trong vòng 4 giờ liền, nhà thơ Đàm Chu Văn - chuyên viên cao cấp của Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai phải có cuộc “đối thoại” với những người quan tâm đến bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân in trên báo Văn nghệ số ra ngày 16/4/2011. Nguyên do của cuộc đối thoại này vì có bạn đọc và cả thư nặc danh gửi đến Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai tố cáo nhà thơ Đàm Chu Văn có ý đồ xấu khi làm bài thơ này.

Trong khi trước đó, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN trong công văn gửi Ban Tuyên giáo trung ương thì khẳng định: “Ban thường vụ Hội Nhà văn VN khẳng định bài thơ có tư tưởng lành mạnh, tình cảm trong sáng có ý nghĩa khao khát vươn lên tới sự trường tồn của thiên nhiên, của dân tộc”. Còn ông Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, thì đánh giá rằng: “Đây là một bài thơ có tứ tốt, nhưng đôi chỗ còn hạn chế như cách đặt tên bài, cách diễn đạt chùm câu cuối và vài chỗ trong bài dễ khiến người đọc hiểu theo hướng không có lợi”... (nguồn Tuổi trẻ).

Vậy là nội dung bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân đã rõ theo sự đánh giá của những người có chuyên môn (nhà thơ Hữu Thỉnh) và người có thẩm quyền (ông Hồng Vinh). Thế nhưng cuộc “đối thoại” với nhà thơ Đàm Chu Văn do Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai tổ chức vẫn diễn ra sau đó.

Tạm bỏ qua câu chuyện ở Đồng Nai, thì thời gian gần đây, một số địa phương cũng có những “vụ án văn chương” tương tự. TT&VH Cuối tuần phát hành tháng 9/2009 từng có hẳn một chuyên đề phản ánh tình trạng này trong sinh hoạt văn học nghệ thuật ở một số địa phương. Chẳng hạn như lối suy diễn của một vài người đọc rồi kết tội các nhà thơ ở Phú Yên. Tiêu biểu là bài thơ Nếu không muốn đi hết con đường của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt từng in trên báo Phú Yên. Các nhà thơ uy tín đánh giá đây là bài thơ tình thuần túy, nhưng không hiểu sao nó vẫn bị “đội nón” là “có vấn đề về tư tưởng”.

Tiêu biểu hơn là việc nhà thơ Trần Huiền Ân với hai lần bị suy diễn thơ. Trần Huiền Ân in trên báo tỉnh này bài thơ Khúc hát ngày về, với câu: Ta trở về bên dòng suối rách/ Vóc nước lên kỳ cọ mặt mày. Lập tức có người suy diễn hai từ “suối rách” là nói xấu quê hương. Kỳ thực, “suối rách” ở đây là chỉ dòng suối mùa Hè khô cạn chỉ còn lại những vũng nước nhỏ. Trần Huiền Ân in trên báo bài thơ Ngọn cỏ tịch điền cũng bị suy diễn “tịch điền” nghĩa là ông nhà thơ ám chỉ quê hương giống “đất chết” theo lối chiết tự “tịch = chết”, “điền = đất”. Trong khi “tịch điền” là lễ hội truyền thống để vua xuống ruộng cày vào đầu năm mới vừa được Nhà nước cho phục dựng trở lại.

Đọc một bài thơ hay thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật có nhiều cách cảm nhận khác nhau tùy vào trình độ mỗi người, nhưng cảm nhận theo kiểu suy diễn có cần thiết không? Ngay như văn xuôi, tác phẩm Cánh đồng bất tận từng khiến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị “suy diễn” tơi bời ở tỉnh Cà Mau.

Nhà thơ Nguyễn Bính từng viết: Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con. Rất nhiều nhà thơ xứ ta vẫn đang sống rất nghèo, hẳn nhiên là nghèo vì làm thơ bán ai mua mà giàu?! Nhưng thỉnh thoảng lại có trường hợp bị đối xử “bạc”, trong lúc họ nỗ lực làm thơ cống hiến cho đời…

Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm