'Ngứa ghẻ hờn ghen' - thôi đành trách cụ Nguyễn Du

18/06/2016 07:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong một tuần, dư luận nổi sóng bởi ít nhất 3 vụ việc được cho là liên quan đến đánh ghen. Vụ thứ nhất là 4 phụ nữ đánh dã man một cô gái giữa phố vì cho rằng cô này cặp bồ với chồng của một trong số họ.

1. Vụ thứ hai là cô gái nhảy lên nóc capo chiếc xe Mercedes giữa phố, khóc lóc, chửi bới đập vào cửa kính vì cho rằng, cặp đôi bên trong xe phản bội hoặc cướp người yêu của mình. Vụ thứ 3 là sự ghen tuông của đàn ông. Cho rằng người tình của mình phản bội, anh ta đã hẹn gặp rồi dí dao vào cổ cô gái, hòng đưa lên taxi, bắt phải trở lại với mình.

Nói chung, chẳng có đòn gì cuồng loạn và khủng khiếp như đòn ghen, nhưng cái giá phải trả cho những người "ra đòn" không hề nhẹ. Tiếc rằng họ thường không nhận ra cái giá đó.Và có lẽ từ thời Hoạn Thư trong Truyện Kiều đã có cái lối nghĩ ấy rồi.

"Rằng ghen tuông thì cũng người ta thường tình". Vì câu nói đó mà Hoạn Thư được tha bổng. Nhưng giờ thì không...


Cô gái trèo lên nóc capo trước sự chứng kiến của nhiều người

2. Sự thực, trong tâm lý chung của nhiều người, ngay từ khi yêu, người ta đã nghĩ rằng mình có quyền chiếm hữu, cho nên khi bị mất, người ta liền cho rằng mình có quyền giành lại bằng bạo lực, hoặc trả thù bằng bạo lực.

Người đàn ông dí dao vào cổ người tình hòng kéo ra taxi ở Đền Lừ, hẳn nghĩ rằng, vì anh ta yêu người phụ nữ kia, và hai người đã sống với nhau như vợ chồng, nên giờ đây, khi biết người tình của mình "bắt cá hai tay", bằng cách đe dọa vũ lực, anh ta có thể kéo người phụ nữ về với mình.

Chưa nói hành vi đe dọa người khác bằng hung khí (dí dao vào cổ kéo đi) sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào, mà ngay trước đám đông thôi, anh cũng đã bị rơi vào "thế yếu". Thông tin trên các báo cho hay, vì tưởng anh đe dọa phụ nữ, nên nhiều người đã lao vào "tẩn" cho anh một trận khiến anh bị thương tích.

Tất nhiên, hành động đánh người này của đám đông cũng là sai, nhưng nó bắt nguồn từ cái sai trước của chính anh ta: đe dọa tính mạng của người khác, dẫn tới bị hiểu nhầm. Giả sử như người phụ nữ kia, thực sự là vợ anh (có hôn thú) thì anh cũng không được quyền hành xử theo cách đó.

Còn ở vụ việc thứ nhất, thông tin cho tới thời điểm này  cho thấy, 2 trong 4 phụ nữ đánh người dã man trên phố được cho là vì ghen tuông, đã bị công an đưa về phường.

Thường thì những người đánh ghen có suy nghĩ rằng, hành vi của mình là "quang minh chính đại", để bảo vệ đạo đức và hạnh phúc gia đình, cho nên thường chọn ra tay ở chỗ đông người (giữa đường, giữa chợ), khiến cho đối phương không những no đòn mà còn phải chịu nhục nhã, ê chề.

Có một sự thực là không ít người, nhất là các bà mẹ bỉm sữa luôn tỏ ra "thông cảm" với những phụ nữ đi đánh ghen. Cái tâm lý ngầm ủng hộ chuyện đánh ghen ấy, có lẽ đã có ngay từ thời Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, khi Hoạn Thư được trắng án nhờ lời tự bào chữa trong buổi Thúy Kiều "báo ân báo oán.

3. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, khi quyền của con người được đảm bảo thì mọi hành vi đe dọa hay xâm phạm đến thể xác, tinh thần của con người đều là phạm pháp. Đánh ghen không phải là ngoại lệ.

Điều nguy hiểm nhất của hành vi đánh ghen là có xu hướng hạ nhục đối tượng cho bõ ghét. Nhưng sự hạ nhục ấy, trong xã hội văn minh, bị cho là xúc phạm đến nhân phẩm của con người, nên rất dễ bị xử lý.

Thôi thì đành trách... cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều đã không "xử nghiêm" Hoạn Thư từ ngày ấy, dẫn tới bây giờ, một số người, đa phần là các chị em, đã không nhận thức đầy đủ được hành vi đánh ghen của mình, dẫn tới từ chỗ nghĩ mình là nạn nhân của sự phản bội, đã trở thành thủ phạm của các vụ đánh ghen có thể bị quy vào tội hình sự.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm