Ngọn cờ đại nghĩa, nhân văn

21/02/2015 10:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Trong nghiên cứu về giao lưu văn hóa, người ta thường nhắc đến các khái niệm “dung hợp”, “tích hợp”, “tiếp biến” hoặc “đồng hóa” văn hóa, coi đó là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người (cộng đồng, dân tộc) có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cả hai nhóm. Lợi ích căn bản và lâu dài mà giao lưu, tiếp biến văn hóa đem lại là thúc đẩy sự phát triển của mỗi nền văn hóa.

Lịch sử cho thấy, không một nền văn hóa nào có thể phát triển nhanh hoặc vượt bậc mà không có sự giao lưu, tiếp biến, tích hợp với các nền văn hóa khác. Giao lưu văn hóa là một nhu cầu bắt buộc cho sự tồn tại và phát triển của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc.

Việt Nam nằm ở “ngã tư của các nền văn minh và các dân tộc”. Văn hóa Việt Nam ngay từ khởi nguồn đã có tính chất đa nguyên và phát triển theo con đường dung hợp từ những nền văn hóa khác nhau. Bởi vậy “giao lưu” và từ đó là “tiếp biến” là một mảng đậm, một nhịp mạnh trong dòng chảy lâu bền của văn hóa Việt Nam. Từ giao lưu, các lớp phủ văn hóa hình thành, các thời đại văn hóa ra đời.

Lật lại các trang sử của dân tộc, chúng ta nhận thấy rất rõ điều này khi mà nhờ năng lực tiếp biến đặc biệt, sức sống đặc biệt, trong suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, dù quân xâm lược phương Bắc dùng muôn vàn mưu sâu, kế độc “Mã lưu nhân”, “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, văn hóa Việt vẫn không thể bị đồng hóa. Sau này, trong hành trình mở cõi về phương Nam, người Việt đã chung nhịp bước với cư dân bản địa, văn hóa Việt cũng có sự tiếp nhận, dung hợp và tiếp biến nhiều yếu tố văn hóa Chăm, Khmer và sau đó là những người Hoa di cư để từ đó hình thành một vùng văn hóa đặc trưng Nam bộ.

Nói như thế để thấy rằng, trong nghiên cứu văn hóa, nếu cho rằng “hòa hợp dân tộc về mặt văn hóa” là một cách tiếp cận có phần khiên cưỡng và xa lạ. Tuy nhiên, có một điều hoàn toàn không xa lạ với văn hóa Việt Nam, đó là truyền thống hòa hợp dân tộc với nghĩa là sự đùm bọc, cưu mang, vị tha, nhân ái, khoan dung với nhau trong nếp nghĩ, nếp cảm, cách ứng xử của các dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dù ở trong hoàn cảnh lịch sử nào, ông cha ta luôn giương cao ngọn cờ đại nghĩa, nhân văn, nhân đạo, biến nó trở thành đạo lý trong cư xử và là nguyên tắc trong đường lối chính trị.

Đặc biệt hơn, truyền thống này không chỉ thể hiện đối với người trong cùng quốc gia, dân tộc mà còn được thể hiện cả với kẻ thù. Trong bản hùng ca Bình Ngô đại cáo bất hủ của Nguyễn Trãi gần 600 năm trước, tinh thần khoan dung, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam được thể hiện rất rõ: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo”. Và cũng chính lòng nhân ái, khoan dung cao cả đó kết hợp với tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên lũy thành vững chắc, trường tồn nhất để bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ nền văn hiến nước nhà”.

            PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm