Nghĩ về chuyện tưởng niệm

28/07/2012 15:06 GMT+7

Tính từ ngày 31.8.1858, ngày thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta, qua các cuộc khởi nghĩa yêu nước chống thực dân xâm lược trước cách mạng tháng 8.1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ trước 1975, hàng triệu người dân đã ngã xuống cho nền độc lập và thống nhất của đất nước.


Những hàng nến trên mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn

Từ khi có Đảng Cộng sản, nhiều đảng viên trung kiên đã dấn thân và hy sinh trước nhất trong các cuộc đấu tranh của dân tộc, vì vậy được nhân dân tin cậy, nuôi dưỡng, chở che. Dưới mưa bom, bão đạn, trong ngục tù tra tấn, các thương binh, liệt sĩ hy sinh thân thể, tính mạng, không ai mơ tưởng sẽ được vinh thân, phì gia sau ngày chiến thắng. Chủ nghĩa xã hội, với nhiều cán bộ kháng chiến, là đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất, nhân dân được ăn no, mặc ấm, học hành, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không hề là sự giàu có của bản thân mình. Khi giải phóng Sài Gòn, không ít người không nhận nhà riêng, xin được ở tập thể như thời chiến khu, thậm chí từ chối nhà lầu, xe hơi do họ hàng đem cho.

Tiếng Việt gọi người thoát chết qua một nguy nạn là “sống sót”, tức là có người khác đã chết thay cho mình. Không ít người sống sót qua chiến tranh hiện đang nắm quyền lực ở những cấp khác nhau, cùng với quyền lực còn trở nên giàu có, thậm chí cực giàu.

Một chân lý xuyên suốt từ cổ chí kim: quyền và tiền dễ làm con người thoái hoá, biến chất, điều này không miễn nhiễm với bất kỳ ai. Căn bệnh “quan cách mạng” mà Hồ Chí Minh chỉ ra từ rất sớm (đành rằng khó tránh trong điều kiện đảng cầm quyền), tiếc thay, ngày càng nặng hơn. Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 khoá 11 đã xác định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức… phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí...”

Dưới mưa bom, bão đạn, trong ngục tù tra tấn, các thương binh, liệt sĩ hy sinh thân thể, tính mạng, không ai mơ tưởng sẽ được vinh thân, phì gia sau ngày chiến thắng.

Con số thống kê chính thức về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam năm 2011 là 9,2 lần, đó là bình quân toàn xã hội. Nếu tính cả số lượng tài sản mà nhiều người giàu còn chưa kê khai, cách biệt chắc phải hơn nhiều. Trong kinh tế thị trường, nhờ tài năng, sức lực và cả may mắn, người dân được làm giàu hợp pháp và không hạn chế; có người giàu, cực giàu, kẻ nghèo, cực nghèo là tất nhiên, dù không ai muốn. Điều đáng phê phán là sự giàu có bằng cách lạm dụng chức vụ và kết bè cánh để trục lợi trên tài sản và lợi ích quốc gia, che chắn nhau khi phạm tội, vô cảm với dân, bất chấp vận nước. Trong khi đó, ở nhiều vùng miền, nhất là ở nông thôn, còn hàng chục triệu người nghèo, trong đó không ít gia đình thương binh, liệt sĩ. Và nhân dân, với vô vàn tai mắt và va chạm trong cuộc sống hàng ngày, luôn chứng kiến và biết rõ hơn ai hết những ông, bà “quan cách mạng” dùng chức quyền để vun vén tài sản ra sao, kiêu căng, hống hách, ức hiếp dân như thế nào.

Tháng 5.1965, đến thăm Khổng miếu ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh nhắc lại lời Khổng Tử: “Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hoà mục thì không thiếu. Lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”. Người còn kể: Khổng Tử thường nêu “dân vi bang bản” (dân là gốc của nước) và “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc). Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội năm nay, nhà sử học Dương Trung Quốc đã dẫn một câu đối của danh tướng nhà hậu Lê – Hoàng Ngũ Phúc: “Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác”.

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, chợt nghĩ: những buổi lễ hoành tráng, những bài diễn văn thống thiết, những phong bì và túi quà, dù chỉ vài trăm ngàn đồng, sẽ thực sự có ý nghĩa đối với nhân dân, trong đó có những gia đình thương binh, liệt sĩ, nếu trong 364 ngày còn lại, họ được chứng kiến những kết quả cụ thể, thực chất, bằng hành động của những cán bộ, đảng viên lãnh đạo ở mỗi cấp, mỗi ngành trong việc “tu thân, tề gia, trị quốc”, đúng như lời văn của nghị quyết hay điều lệ Đảng và quy định của pháp luật. Không làm được như vậy thì việc tưởng niệm các thương binh, liệt sĩ chỉ còn là hình thức, thậm chí là sự báng bổ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm