'Nghĩ khác'

17/09/2018 08:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục... Một trong các đổi mới quan trọng là cho các em ngay từ bé ý thức được thế giới tương lai sẽ khó đoán định trước, để thay vì chỉ học một cách thụ động, một cách vâng lời, thì bây giờ phải biết nghĩ khác đi”, đó là một trong những nội dung Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN sáng 13/9 mà báo chí đưa tin mấy ngày qua.

Bài viết này tôi không đi sâu bàn về vấn đề “nghĩ khác” là nghĩ cái gì ? Tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ về chuyện “nghĩ khác” giữa ta và nước ngoài.

Một chủ đề mà ai trong chúng ta cũng gặp hàng ngày, trong nước cũng như nước ngoài, nhiều vấn đề rắc rối phát sinh đó là dịch vụ.

Ở Việt nam, nói đến dịch vụ mọi người hay nhắc câu “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” hoặc câu “khách hàng là thượng đế” hay là “khách hàng luôn luôn đúng”… Nhưng đấy chỉ là nói, và cũng chỉ là ghi ra cho mọi người nhìn thấy, còn hành động thì có khi lại khác hẳn. Người Nhật thì hay dùng câu “Omotenashi” để nói về dịch vụ, và quan trọng họ làm được, thậm chí làm rất tốt. Vậy có gì khác biệt ở đây?

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên thảo luận Tương lai việc làm ở ASEAN. Ảnh: Báo Dân Trí

Tra trên Google nghĩa của từ Omotenashi trong tiếng Nhật, có nghĩa là “sự phục vụ khách hàng hết lòng”. Cũng có thể hiểu đơn giản là việc quan tâm, lo lắng hay để ý đến tâm trạng của người khác. Người ta thường hay ví dụ như việc chuẩn bị trà đá cho khách vào mùa Hè, trà ấm vào mùa Đông, làm sao để khách hàng cảm thấy vui vẻ, cảm thấy hài lòng là điều vô cùng quan trọng. Việc luôn luôn suy nghĩ như vậy cũng được gọi là Omotenashi, là đẳng cấp cao nhất của sự quan tâm, lo lắng cho người khác.

Omotenashi là sự chia sẻ từ ánh mắt đến trái tim và sự ân cần. Điểm chính của nó là lường trước những khả năng có thể xảy ra, làm việc gì đó mà không cần toan tính sẽ nhận được gì và có suy nghĩ xa hơn khách hàng. Ví dụ cho việc này có thể nhận ra khi bạn đi ăn trong nhà hàng Nhật Bản, nhân viên thường đưa ra nước và khăn nóng cho khách.

Còn ở ta thì sao? Không cần phải kể thêm chắc nhiều người đều biết chất lượng của nhiều loại hình dịch vụ ra sao? Tại sao lại như thế nhiều năm không có sự thay đổi?

Nhiều năm làm việc với người Nhật, cá nhân tôi để ý thấy họ rất chú trọng vào việc đào tạo nhân viên cho phù hợp - một việc làm tương đối tốn kém, thậm chí cực kỳ khó khăn và gặp không ít rủi ro, nhưng họ vẫn kiên quyết làm. Suy nghĩ của họ là cái quan trọng vẫn là con người chứ không phải các thứ khác quyết định đến chất lượng dịch vụ, hình ảnh thương hiệu. Trong khi chúng ta thì lại cho rằng việc đó không là yếu tố chính, không coi thường nhưng cũng hời hợt, quản lý phía trên có thể trình độ này kia nhưng nhân viên phía dưới, những người trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với khách hàng thông qua dịch vụ thì lại yếu kém về nhận thức hoặc chuyên môn tay nghề.

Cái suy nghĩ “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” có thể ai cũng thuộc thế nhưng làm thế nào để “vừa lòng khách đi” thì ít người chịu suy nghĩ, nghiên cứu hay là nâng cấp bản thân cho phù hợp.

Ví dụ trên cho thấy rằng việc “nghĩ khác” rất quan trọng nhưng cái cần hơn trước khi có hành động “nghĩ khác” lại nằm ở chính từng người, ở hệ thống giáo dục, chúng ta có dám thay đổi chính mình hay không? Có dám có những hành động khác so với các loại hình đang có không? Và có dám chấp nhận rèn luyện để nâng cấp bản thân mình lên hay không? Trả lời được những câu hỏi trên có lẽ chúng ta cũng đã tiến được một bước trong việc “nghĩ khác”.

Đào Quốc Thắng

Đi tìm đích đến của nền giáo dục

Đi tìm đích đến của nền giáo dục

Việc lùm xùm sửa điểm thi ở Hà Giang và nghi vấn tương tự ở một số địa phương, với nhiều người có tâm huyết trong ngành giáo dục là chuyện không xa lạ, vấn đề là có lộ ra hay không mà thôi.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm