Nghệ thuật có nên miễn phí?

10/10/2019 07:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từ cuối tháng 9 vừa qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) bắt đầu một cuộc chơi đặc biệt: mở miễn phí 2 suất diễn mỗi tháng với hi vọng tạo cho khán giả thói quen đến rạp, cũng như duy trì để Nhà hát sáng đèn.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Học viên tung hoành ở các giải thưởng

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Học viên tung hoành ở các giải thưởng

Có thể nói năm 2011 là một năm thành công của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở công tác đào tạo trẻ khi nhiều học viên của Nhà hát đã gặt hái được thành tích khả quan ở các cuộc thi lớn.

Cách làm ấy đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều: trong khi khán giả hào hứng với ý tưởng được xem biểu diễn miễn phí thì đa phần giới nghệ sĩ cải lương lại buồn, thậm chí lại lên lời chê rằng làm vậy thấy nghệ thuật sao quá... rẻ rúng.

Được biết, việc diễn miễn phí này sẽ được thực hiện thí điểm đến cuối năm 2019, sau đó phía Nhà hát sẽ cùng cơ quản quản lý đánh giá, điều chỉnh để có cách làm hợp lý, bền vững.

Thật ra việc miễn phí hoặc thu phí với nghệ thuật là hành trình giống như đi một chiều, đã đi thì khó quay trở ngược lại. Chứ thuở xa xưa đa số nghệ thuật, trong đó có sân khấu, là miễn phí, lúc đó mà nói tới chuyện thu phí là đi ngược chiều, sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Cải lương miễn phí, Xem Cải lương miễn phí, cải lương
Nghệ sĩ Thanh Ngân và Lê Tứ trong vở "Giấc mộng đêm xuân". Ảnh: Gia Tiến/Báo Tuổi trẻ

Ví dụ dễ thấy, đa số triển lãm mỹ thuật tại Việt Nam hiện nay là miễn phí, ngày khai mạc còn có thêm đồ ăn thức uống nữa, nên khi có một đơn vị như The Factory (TP.HCM) muốn bán vé vào xem triển lãm - trừ ngày khai mạc, tự nhiên gặp khó khăn. Nhưng khó khăn này cũng nhanh chóng được vượt qua, bây giờ đến The Factory mua vé là đương nhiên, không mua vé mới là khó khăn.

Sân khấu cũng vậy thôi, giai đoạn phôi thai là diễn miễn phí, gánh hát, đoàn hát được các thủ lĩnh, vua quan, nhà nước bao thầu, nhưng dần dà khái niệm tư hữu và tư nhân xuất hiện, việc thu phí, bán vé đã ra đời. Việc bán vé không chỉ nuôi sống nghệ sĩ, bộ môn, phát triển nghề nghiệp, mà còn giúp tìm kiếm những nhân tố mới, vì thu nhập, danh tiếng là những hấp lực rõ ràng. Bán vé cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự chuyên nghiệp, sức hút của tác phẩm và nghệ sĩ.

Chưa nói việc bán vé cũng nằm trong một “vòng đời chung”. Ngày nay việc đào tạo nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng, thường có thu học phí, vậy thì tại sao học ra trường, thành nghệ sĩ lại đi diễn miễn phí? Mà muốn diễn miễn phí cũng đâu có dễ, phải là những tên tuổi đã khẳng định được tài năng hoặc danh tiếng thì mới có nhiều khán giả đến xem. Bảo nghệ sĩ danh tiếng đi diễn miễn phí dễ bị hiểu lầm là rẻ rúng nghề nghiệp.

“Danh - lợi - tình” là bộ ba khó tách rời, nghệ sĩ có tài năng thì thường dễ có danh tiếng, dễ có thu nhập. Xu thế mới là đa phần nghệ sĩ sẽ “tự sinh tự diệt”, không có lương cố định và không có tiền hưu, bảo họ diễn miễn phí cũng là một thiệt thòi cho họ.

Việc bán vé cũng là một trong các thành tố quan trọng giúp người làm nghề tự điều chỉnh hướng đi của mình. Phim do nhà nước sản xuất thường rất ít khán giả, dù chiếu miễn phí, trong khi phim tư nhân thì thường bán được vé nhiều hơn, bởi vì phim tư nhân biết điều chỉnh theo xu thế, nhu cầu. Thậm chí, nếu không bán vé thì không có được nền điện ảnh năng động và tăng trưởng mạnh mẽ như điện ảnh Việt Nam hiện nay. The Factory bán vé, không phải vì thế mà ít người xem, bởi họ luôn nỗ lực tạo ra những triển lãm có chất lượng, mới mẻ, giá vé dần dần không thành vấn đề.

***

Tuy nhiên, cái gì cũng có quy luật và ngoại lệ của nó. Nếu muốn miễn phí, việc bao thầu phải đủ mạnh để nghệ sĩ yên tâm làm nghề, thì chất lượng mới ổn định, mới phát triển được. Vài bộ môn cổ truyền như hát chèo, hát tuồng… đang cần sự bao thầu, bao cấp đúng nghĩa thì mới đủ sức duy trì, phát triển theo thời gian. Giống như, ta vẫn nghe chuyện Nhật Bản bao thầu nghệ thuật rèn kiếm để lưu truyền, nếu không đã mai một từ lâu rồi.

Như thế, rất cần có những khảo sát, đánh giá khách quan. Cải lương vốn sinh ra từ các gánh tư nhân, gần như ngay lúc đầu đã sống bằng tiền vé, nay những vở diễn hoặc chương trình có chất lượng thì vẫn cháy vé, vậy cần gì phải miễn phí. Muốn miễn phí phải có khảo sát và phải có lộ trình đủ dài để “đi ngược chiều”.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm