Ngẫm từ nghi án 'tiền âm phủ'

19/07/2018 06:51 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Clip về những tờ tiền âm phủ trên tay 2 du khách người Pháp với vẻ mặt ngơ ngác đang liên tục lan truyền trên không gian mạng. Kèm theo đó là sự phẫn nộ và bức xúc của cộng đồng.  

Như những gì được chia sẻ, chiều 16/7, 2 du khách này có thuê xe xích lô từ khu vực Hàng Da về hồ Hoàn Kiếm và phụ cận với mức giá 600 ngàn đồng. Cuối hành trình, họ đưa cho người đạp xích lô 1,5 triệu đồng và được trả lại 900 ngàn đồng chẵn. Để rồi, khi định bắt taxi đi tiếp bằng số tiền ấy, 2 du khách mới biết: 900 ngàn đồng vừa được trả lại là những tờ tiền âm phủ không thể sử dụng.

Ở thời điểm hiện tại, trước sức ép của cộng đồng, người đạp xích lô (được ghi lại trong một bức ảnh của 2 du khách) cũng đã lộ diện.

Chú thích ảnh
Ba tờ tiền âm phủ được cho là của người xích lô trả lại cho vị khách du lịch. Ảnh: Dân Trí

Như lời khẳng định của anh, chuyện lừa đảo du khách nước ngoài bằng tiền âm phủ là không có. Thay vì vậy, anh chỉ thừa nhận rằng mình có lấy mức giá tiền cao hơn bình thường (theo lời những người đạp xích lô khác, hành trình này chỉ hợp với mức giá 200 - 300 ngàn đồng, thay vì 600 ngàn trên thực tế). 

Kêu oan, nhân vật chính nói rằng anh tuy nghèo nhưng không bao giờ làm chuyện "thất đức", lừa khách bằng tiền âm phủ. Còn việc đưa giá cao với du khách đến từ chuyện anh thấy họ là "khách sộp, rộng lượng, và vừa bo cho người bán nón lưu niệm 100 ngàn đồng." 

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, nghi án "tiền âm phủ" vẫn còn là một dấu hỏi. Nhưng với cách lý luận của người đạp xích lô nọ, độc giả thấy một vấn đề khác...

Bởi, cách "hét giá" ấy không phải là cách "nói thách", đưa đẩy mức giá trong một biên độ hẹp với hình thức mua bán truyền thống – mà ở đây là mua bán một... cuốc xích lô.

Ngược lại, như những gì mà người đạp xích lô nói, cách ra giá của anh gắn liền với việc tận dụng một cơ hội tốt để kiếm tiền nhiều hơn so với bình thường – khi người đi xe không có kinh nghiệm về mức chi phí ở Việt Nam, cũng như có phần.... hào phóng.

Gì thì gì, về bản chất, chúng ta vẫn phải gọi cách làm ấy là "chém khách".

***

Thực tế, ở những điểm du lịch tại Việt Nam, chúng ta cũng đã được nghe quá nhiều câu chuyện về nạn chặt chém khách du lịch nước ngoài như vậy.

Không đâu xa, ngay tại Hồ Gươm, công an địa phương cũng đã phải xử lý nhiều đối tượng từng lừa ép khách với mức giá trên trời: 80 ngàn đồng để mua một túi bánh rán, hoặc 850 ngàn đồng để đánh và dán đế cho một đôi giày.

Hoặc, cũng là xích lô, chỉ hơn một tháng trước, các cơ quan chức năng tại Huế đã phải vào cuộc để xử lý vụ việc 2 Việt kiều Mỹ phải chi 1,5 triệu đồng cho một chuyến xích lô dài gần một giờ đồng hồ.

Tất nhiên, so với những vụ việc vừa kể, câu chuyện của anh chàng xích lô tại Bờ Hồ có chút... nhẹ nhàng hơn – nhất là nếu anh chủ động ra giá trước khi mời khách lên xe.

Nhưng xét cho cùng, đó vẫn là hệ quả của một tư duy mà chúng ta đang nói đến rất nhiều trong việc làm dịch vụ và du lịch: tư duy ăn xổi và chụp giật.

Lấy mức thù lao vượt quá mặt bằng chung, cách làm ấy ở một tình huồng có thể chỉ là kiểu khôn lỏi, khôn vặt, mang tính cá nhân và nhất thời. Nhưng, khi nó đã đi sâu vào tiềm thức và mặc định chi phối cách nghĩ của người làm dịch vụ, đó thực sự là vấn đề lớn.

Giống như anh chàng đạp xích lô có thể không "thất đức" trả tiền âm phủ cho khách như lời chia sẻ trên báo chí. Nhưng, cách suy nghĩ tự nhiên khi "hét giá" của anh mới là nỗi lo cho phía quản lý. Bởi, việc giải quyết tư duy ấy xem ra phức tạp hơn nhiều, so với việc xử lý một vụ lừa đảo thông thường.

Mà nói rộng hơn, tư duy ăn xổi, chụp giật hình như không phải là nỗi lo độc quyền của ngành du lịch.

Đà Nẵng: Ỡm ờ bản báo cáo doanh nghiệp chặt chém khách dịp lễ

Đà Nẵng: Ỡm ờ bản báo cáo doanh nghiệp chặt chém khách dịp lễ

Nhiều phóng viên ngỡ ngàng khi đọc bản báo cáo kết quả thanh tra bình ổn giá tại cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế- DIFC 2015 của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đà Nẵng.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm