Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện buôn cá giống

18/12/2016 20:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày bé tôi thấy có một người trong xóm vay mẹ tôi hai đồng để làm vốn buôn cá giống. Cái thời tiêu tiền xu, hai đồng to lắm. Ông mua cá bột cách đó 15 cây số, gánh vã một năm thì mua nổi xe đạp. Và sau  một năm nữa thì ông có tiền mướn ba bốn người gánh thuê. Ông đi xe đạp để tìm mối bỏ hàng.

1. Ông vay mẹ tôi đến kỳ hạn hàng tháng thì ông lại vay người khác để trả. Ông được tiếng giữ chữ tín mà vốn hàng ông còn nguyên dù đó không phải tiền của ông. Ông căn cơ vay trả đúng hạn với lãi tí chút nên rất có uy tín, hỏi đâu cũng được cho vay.

Tôi biết ban đầu trong túi chẳng có một trinh. Vậy mà sau ba năm ông xây được nhà khang trang, thời dân toàn đi bộ thì ông mua nổi xe đạp. Chiếc xe đạp thời ấy, còn giá trị  hơn ô tô thời này.

Cái cách vay tiền đáo nợ mang tính phổ biến thời nay thì người làng tôi đã làm từ những năm 60 thế kỉ trước, dù ông ấy chẳng có bằng cấp gì  về kinh tế.


2. Nhưng là nông dân, tầm nghĩ của ông vẫn không vượt qua lũy tre, dùng vốn cũng chẳng to hơn gánh cá, nên sau khi xây xong nhà, mua xong xe, có tí dư dật ông bắt đầu ghé vào sới bạc. Trước là chắn cạ tổ tôm, sau sang xóc đĩa lúc nào không biết.

Cờ bạc, được một mất ba, đó là thứ kinh tế “nhà đòn đám ma”, tiến một lùi hai. Chả mấy kiệt vốn và rất nhanh thành con nợ. Thế rồi mang đồ đi cầm cố mong cơ hội gỡ.

Như muôn thuở, canh bạc của kẻ khát nước gỡ ra thì ít, gỡ vào thì nhiều. Rồi tất cả vốn liếng ra đi, kể cả cái xe đạp rất quý thời đó. Ông chẳng khác gì vợ chồng ông lão đánh cá và con cá vàng trong cổ tích Nga, cuối cùng lại trở về với cái máng lợn sứt mẻ.

Thế là từ đấy ông lại “xác xơ mướp” mà không có cơ hội làm lại. Khi chữ tín đã mất thì con người ông chẳng còn xu giá trị. Những năm sau ông sống nghèo trong cô đơn vì chẳng ai chơi với.

3. Xã hội hôm nay đã khác nửa thế kỉ trước rất nhiều, sự hiểu biết về kinh tế, cách làm ăn, các ngành nghề có rất nhiều, nhưng câu chuyện kia bây giờ vẫn lặp lại, không hề cũ, chỉ khác tầm cỡ nó lớm lên gấp trăm nghìn lần, và mối di hại của nó cũng lớn ở tầm cao đó.

Cuộc sống thì thay đổi nhưng quy luật chỉ có một. Quy luật đó nó xuyên suốt mọi xã hội khi còn loài người, khi còn phải kinh doanh kiếm kế sinh nhai. Bài học ông buôn cá cho đến giờ vẫn mang ý nghĩa thời sự lớn lao.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm