Ngẫm ngợi cuối năm: 'Đi chợ' cuối năm, nhớ Tô Hoài

12/02/2015 08:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy năm trước, vào tầm Tết, ngồi hầu trà cố nhà văn Tô Hoài ở phố Đoàn Nhữ Hài, hay được nghe ông tâm sự: “Năm nào vào đận này mình cũng “đi chợ”, năm nay cũng vậy”. Nghe chưa hiểu ra sao. Tôi nghiêng đầu như anh điếc nhìn sang ông có ý hỏi lại thì ông nhận ra, cười hiền: “Đi chợ là viết bài Tết cho các báo ấy mà. Năm nào giáp Tết các báo cũng tìm đến xin bài”.

Tôi nói như hỏi ông: “Con tằm có cái kén mấy nghìn vòng tơ, kéo mãi rồi cũng hết. Sao bác viết khỏe thế”?

Nói với ông như vậy vì tôi nghĩ mỗi bài viết nó như những món đồ được sắp ra từ đống của nả tích tụ trên đường đời của nhà văn, tất cả đều có những giới hạn, cái kén kéo mãi rồi cũng phải hết tơ. Đâu ngờ ông trả lời: “Cuộc sống là một câu chuyện không hồi kết. Nó diễn biến liên tục bên cạnh mình, làm gì có chuyện cạn chuyện vơi hả Đức”.

Hà hà, thật bất ngờ! Câu nói của ông làm tôi ngộ ra đời sống nhà văn. Nó vừa giản dị, lại vừa huyền bí. Cái chốn lao xao trong cảm xúc của nhà văn luôn luôn lấp lánh ánh sáng cuộc sống dọi vào…

***

Nhân nghe ông nói tôi lại nhớ đến K.Paustovsky viết về Andersen, đánh giá rằng: Ông có thể mò được ngọc ngà châu báu ngay trong cống rãnh trước nhà…

Để dỗ một đứa trẻ đang hờn dỗi, Andersen có thể nhìn chiếc guốc gẫy, một món đồ chơi của trẻ nhỏ vứt lăn lóc và lập tức có thể kể được luôn một câu chuyện cổ tích về đồ vật đó. Thì ra con người, cây cỏ, mọi đồ vật đều có một lịch sử hình thành và đi vào đời sống, có cuộc sống riêng của nó cho đến lúc lụi tàn.

Đó là một quy luật. Nắm được quy luật đó, và khi viết văn là nghề rồi thì nhà văn có thể làm những việc mà người ngoài nghề không thể hiểu được là làm sao lại viết được hay thế, sao viết mãi mà không hết chuyện!…Như thế để biết nhà văn Tô Hoài mà còn thì Tết năm nay ông vẫn thừa vốn “đi chợ Tết” cuối năm!

Thũng thẵng các phiên chợ tết, những câu chuyện phố phường,  với cái tươi tốt của cuộc sống cũng như những nhố nhăng của dòng đời cứ hóm hỉnh nhả xuống từ ngòi bút của ông. Nhưng ông đặc biệt dành sự trìu mến cho rẻo cao.

“Tây Bắc mùa này đã dứt những cơn mưa rừng. Cái nắng miền tây khi vào Đông dù trắng lóa nhưng vẫn có cái lành lạnh lẩn quất vá vào da thịt người ta. Những trảng ruộng bậc thang chạy vòng đuôi cáo tựa như những dải sóng xô vào chân núi rồi bị chặn đứng lại dưới bóng râm lờ mờ vách đá. Lại có những vòng sóng đẹp như nét vẽ com-pa khoanh lấy triền núi, leo tót lên tận mỏm. Nom xa có chỗ lại thấy tựa vành khăn có sắc vàng rực của người con gái quan họ Kinh Bắc quàng lên đó. Mùa này, lúa đang chín vàng, là mùa thu hái. Người ra đồng đông như kiến, như đi họp chợ…”.

***

Năm nay “chợ báo Tết” vắng bóng ông. Một cây bút kì cựu về Hà Nội với bao nhiêu chuyện kì thú về đường ăn nết ở đất Thăng Long chả biết đến bao giờ cạn. Bên cạnh đó, tôi còn nhớ ông với một mảng sáng Miền Tây chưa bao giờ tắt dù trong nhiều “phiên chợ” ông chưa dùng đến những đồng vốn đó, nhưng nó vẫn luôn đầy ắp trong ngăn viết của ông.

Tôi biết điều đó vì trong nhiều lần trò chuyện thì phần kết của hai bác cháu bao giờ cũng về với người trên núi. Nơi ấy có sắc nắng trong trẻo của những gương mặt hoa ban vẫy gọi…

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm