'Món nợ' với chiến thắng Bạch Đằng

24/12/2019 07:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực khảo cổ đã diễn ra vào tuần qua, khi Viện khảo cổ học Việt Nam công bố kết quả khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Theo đó, một bãi cọc lớn, có niên đại thuộc quãng thời gian diễn ra trận thủy chiến Bạch Đằng năm 1288, đã được phát hiện.

Nhiều phát hiện và thành quả nghiên cứu mới về khảo cổ học

Nhiều phát hiện và thành quả nghiên cứu mới về khảo cổ học

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thông báo khảo cổ học lần thứ 54-năm 2019. Tham dự có đông đảo các nhà khoa học chuyên ngành trong cả nước; đại biểu các cơ quan hữu quan, các tổ chức Trung ương, địa phương và đại biểu quốc tế.

Cần nhắc lại, trong 3 trận thủy chiến từng diễn ra trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288, chiến thắng của quân dân nhà Trần trước đạo thủy quân Nguyên Mông của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp… được cho là có quy mô lớn nhất - và cũng có niên đại muộn nhất so với 2 cột mốc còn lại. Thế nhưng, đến nay, việc “giải mã” toàn bộ trận đánh này còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, các sử liệu hiện có cho thấy, trận đánh này diễn ra trên đoạn sông Bạch Đằng nằm giữa huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Hải Dương). Tuy nhiên, với các biến đổi địa chất sau hơn 7 thế kỷ, đoạn sông này hiện đã mở rộng và sâu hơn trước rất nhiều bởi tình trạng xâm thực và chuyển dịch dòng chảy, từ đó gây khó khăn lớn cho nghiên cứu thực địa.

Ngoài ra, với sự sơ lược từ sử liệu, việc tìm hiểu đầy đủ mọi chi tiết của trận đánh cũng chưa làm thỏa mãn các chuyên gia.

Hiện tại, giả thiết được nhắc đến nhiều nhất cho rằng trận thủy chiến năm 1288 chủ yếu diễn ra gần các cửa sông Chanh, sông Rút, sông Kênh bên phía Quảng Yên – trong khi các nhánh sông đối diện bên Thủy Nguyên là nơi nhà Trần “giấu” lực lượng mai phục để dồn thuyền giặc vào bãi cọc. Giả thiết này tương đối phù hợp với việc kể từ năm 1958 đến nay, khoảng 800 cọc cổ đã được tìm thấy trong các đợt khai quật rải rác tại Quảng Yên và có vị trí gắn với ở 3 cửa sông nói trên.

Chú thích ảnh
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa to lớn trong lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh mang tính minh hoạ: Vietnamtrongtoi.net)

Tuy nhiên, phát hiện vừa qua về bãi cọc Cao Quỳ - với các cọc có kích thước lớn hơn bên phía Quảng Yên - cho phép đặt ra những câu hỏi theo hướng khác. Chẳng hạn, trong một thời điểm nhất định, nhánh sông Giá phía Thủy Nguyên cũng là một chiến trường quan trọng của trận đánh. Hoặc, giống như một giả thiết từng được nhắc tới nhiều lần, có thể vai trò của các bãi cọc không phải “đâm thủng thuyền” mà là tạo chướng ngại vật, để hệ thống thuyền chiến của Ô Mã Nhi bị kìm lại và bị tiêu diệt…

Phần nào, những gì vừa tìm thấy giúp ta đến gần hơn với việc trả một “món nợ” cần thiết cho lịch sử: tái hiện trận thủy chiến năm 1288 theo cách đầy đủ và khoa học.

***

Sự thực, nằm ở một trong hai bờ sông Bạch Đằng, người Hải Phòng có ý thức tự hào từ rất sớm về chiến thắng gắn với quê hương mình. Đó là lý do để 2 chữ “Bạch Đằng” được đặt cho khá nhiều địa điểm và công trình trên thành phố - trong khi, theo khảo sát, lượng truyền thuyết liên quan tới chiến thắng này cũng vô cùng phong phú tại Thủy Nguyên.

Rồi, trong 3 năm kể từ 2008, người Hải Phòng đã tái dựng hẳn một khu di tích Bạch Đằng Giang nằm trong quần thể danh thắng Hàng Kênh với đầy đủ đền thờ, quảng trường và tượng đài các danh tướng gắn với 3 trận thủy chiến Bạch Đằng trong lịch sử. Tuy nhiên, khi mà những trận đánh này đều được “định danh” bằng hệ thống cọc nổi tiếng, khu vực này phải sử dụng một hệ thống cọc gỗ lim mang tính chất “mô phỏng” và từng gây nên những nhận xét trái chiều.

Kể chuyện cũ, để thấy việc phát hiện quần thể bãi cọc Cao Quý chính là điều mà người dân Hải Phòng mong đợi từ lâu với tâm nguyện tôn vinh chiến thắng Bạch Đằng một cách trọn vẹn và đầy đủ. Và, như đề xuất của các chuyên gia, sau khi tiếp tục khai quật mở rộng trong tương lai, bãi cọc này hoàn toàn có thể tôn tạo, để trở thành một “công viên khảo cổ”, kết nối với khu di tích Bạch Đằng Giang để tạo nên một quần thể di tích phục vụ du lịch, văn hóa, giáo dục.

Nhưng rộng hơn thế, dường như cũng đến lúc, các phần di tích của chiến thắng Bạch Đằng bên phía Quảng Yên (Quảng Ninh) cũng cần được tôn tạo và khai thác một cách hợp lý, để câu chuyện về chiến thắng Bạch Đằng có thể ượt khỏi ranh giới hành chính và kết nối 2 bờ sông lại. Giống như, nhiều chuyên gia lịch sử từng khẳng định, chiến thằng Bạch Đằng, xét cho cùng, không chỉ là niềm tự hào riêng của Hải Phòng, Quảng Ninh hay bất cứ địa phương nào.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm