Làm gì khi chuyến bay bị delay?

07/06/2018 07:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/6 vừa qua, do bức xúc khi chuyến bay bị huỷ, một hành khách tại sân bay Đà Nẵng đã ném chiếc điện thoại của mình vào mặt một nữ nhân viên, khiến cô rách mí mắt trái, phải nhập viện.

Cho đến nay, đã có không ít trường hợp hành khách bị cấm bay. Đó là điều dễ hiểu, khi những trường hợp cư xử thiếu văn minh hàng không trong vài năm gần đây ngày một nhiều.

Có điều, bên cạnh việc lên án những hành vi thiếu văn minh và lịch sự, cộng đồng vẫn thường hướng sự chú ý vào việc trễ chuyến, huỷ chuyến của các hãng hàng không, cũng như cách ứng xử khi xảy ra tình huống đó.

Khoa học hiện đại giúp người ta chỉ mất hơn 2 tiếng để vượt hàng nghìn cây số từ Hà Nội vào Sài Gòn trên những chuyến bay. Đánh đổi lại sự nhanh chóng đó là vận tốc cực lớn khoảng 1.000 km/h và không gian di chuyển là ở giữa bầu trời bao la. Nếu rủi ro xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng...

Chú thích ảnh
Hành khách vật vạ khi chuyến bay bị delay. Ảnh: Internet

Chính bởi thế, người ta luôn phải hạn chế một cách tối đa những rủi ro có thể đối với từng chuyến bay. Để một chiếc máy bay được cất cánh, là nỗ lực của cả một tập thể từ việc kiểm tra máy móc, kiểm tra đường băng, vận chuyển hành khách, làm thủ tục ở sân bay…

Vì thế nên ngành hàng không xưa nay luôn ưu tiên việc đảm bảo an toàn cho hành khách. Và thẳng thắn, điều này được đặt ra cao hơn so với việc đúng giờ.

***

Tất nhiên, khi thay đổi giờ bay, các hãng hàng không cũng có trách nhiệm của mình. Vấn đề là chúng ta đón nhận điều ấy như thế nào?

Chẳng phải tự nhiên mà những hành vi như: gây rối, phát ngôn mang tính đe doạ,… lại đưa hành khách có tên trong diện cấm vận chuyển bằng đường hàng không. Bởi một trong những rủi ro lớn nhất đến với một chuyến bay chính là từ các hành khách.

Cứ thử tưởng tượng xảy ra một cuộc ẩu đả trên một chiếc máy bay cách mặt đất hàng cây số thì nguy hiểm xảy đến sẽ lớn đến thế nào. Chính những phản ứng thiếu văn hoá đã khiến hành khách tự biến mình thành mối đe doạ cho an toàn của người khác.

Chửi bới, miệt thị, cư xử quá khích và bạo lực khi sự việc không như ý muốn đều không giải quyết được gì và đem lại hậu quả tiêu cực cho hành khách, trong một bối cảnh đặc thù như ở sân bay.

Một khi hãng hàng không có chuyến bay trễ hoặc huỷ, họ sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm với hành khách, theo quy định. Thậm chí việc trễ và huỷ chuyến kéo dài mà vì lý do chủ quan của hãng bay thì cũng đã có những quy định về bồi thường cho hành khách. Chúng ta có quyền đòi những bồi thường ấy. Trong thời gian chờ đợi, hãng bay phải phục vụ ăn uống cho hành khách tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến...

Rồi, sau khi phản ánh và kiến nghị một cách hợp lý trên cơ sở hiểu biết các quy định về việc này, hãy chuẩn bị những cuốn sách, những bộ phim hay tham gia những hoạt động mà bạn có thể làm trong thời gian chờ chuyến tới.

Hãy chấp nhận một sự thật rằng kể cả hãng hàng không đúng giờ nhất thế giới là Japanese Airlines, thì cứ 10 chuyến bay họ vẫn sẽ bị trễ 1 chuyến.

Hãy chấp nhận rằng hàng không Việt Nam mới chỉ thực sự bùng nổ trong vài năm gần đây, về quy mô, cơ sở vật chất cũng như quy trình sẽ còn cần hoàn thiện rất nhiều.

Và, hãy chấp nhận sự thật rằng sẽ có lúc chúng ta phải chờ đợi để được đổi lấy sự an toàn.

Những lý do khiến hơn 13.300 chuyến bay bị 'delay' tại Tân Sơn Nhất

Những lý do khiến hơn 13.300 chuyến bay bị 'delay' tại Tân Sơn Nhất

Trước việc trang web “The Guide to Sleeping in Airports” xếp hạng Tân Sơn Nhất đứng thứ 4 trong danh sách sân bay tệ nhất Châu Á, chiều 20/10, Cảng vụ hàng không Miền Nam đã họp tìm giải pháp tháo gỡ.

Hạ Hồng Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm