'Kỷ vật' sổ hộ khẩu

06/11/2017 07:25 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Đây là quyết sách làm nức lòng người dân, vì trên thế giới, số lượng đất nước quản lý công dân và xã hội bằng sổ hộ khẩu chưa đếm đủ trên một bàn tay.

Vào một ngày nào đó của chục năm sau, lục các giấy tờ gia đình, bất ngờ cuốn sổ hộ khẩu (và chứng minh nhân dân) rơi ra. Con cái bạn ngạc nhiên hỏi, cái gì đó bố? Bạn sẽ tủm tỉm cười mà giải thích: đây là những "chứng nhân" thời đại của bố mẹ, tựa như giờ đây giới trẻ ngỡ ngàng với những kỷ vật thuộc về thời bao cấp…

Không cần phải dài dòng, trong chúng ta, ai cũng từng nhiều lần “điêu đứng” liên quan đến cuốn sổ hộ khẩu. Nhất là những người muốn lập thân, lập nghiệp ở các thành phố lớn. Sổ hộ khẩu mỏng tang nhưng sức nặng nghìn cân, là bùa hộ mệnh cho mọi công dân, mọi gia đình, liên quan đến hầu như tất cả các quyền lợi, việc lớn việc bé đều phải cần đến nó.

Chú thích ảnh
Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu. Ảnh: Internet

Tất nhiên, hiểu rõ tầm quan trọng của sổ hộ khẩu, không ít cán bộ công quyền đã nhũng nhiễu. Nói theo ngôn ngữ bình dân, mỗi lần làm các thủ tục liên quan đến hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng…, nhiều ngườiphải kẹp theo cái phong bì mới nhanh xong chuyện.Cơ chế thế nào đẻ ra thái độ phục vụ dân thế đó. Một chính sách lạc hậu mà người dân bao năm trời phải gánh chịu.

Tôi không tin là một chính sách bất cập như quản lý bằng sổ hộ khẩu, đã tồn tại hơn 60 năm mà các cấp không nhận ra, để đến bây giờ mới gỡ bỏ.Chẳng qua, có muốn làm hay không mà thôi?Nhưng dù sao, muộn cũng hơn không.

Đến đây, chúng ta cùng tự hỏi: liệu có còn những chính sách quản lý hành chínhnào lạc hậu tựa như quản lý sổ hộ khẩu, đang tồn tại và hàng ngày “hành hạ” người dân, làm trì trệ sự phát triển của đất nước?

Chắc chắn là có, thậm chí nhiều.

***

Trong từng giai đoạn cụ thể, việc ban hành chính sách và mức độ cải cách hành chính phải có những chuyển biến phù hợp hoàn cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển đất nước.

Ban hành chính sách hành chính đúng đắn đã là khó, nhưng, các bộ phận thực hiện các thủ tục hành chính tốt càng khó hơn, thậm chí quyết định. Ai cũng biết, thủ tục hành chính là phương tiện chuyển tải chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân. Thủ tục hành chính liên quan không chỉ đến công việc nội bộ của một cơ quan, một cấp chính quyền, mà còn liên quan đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của công dân có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào, về cơ bản, đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền quy định, trực tiếp hoặc ủy quyền giải quyết.

Thế nên, ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết trước toàn dân về một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Công cuộc cải cách các chính sách lẫn cải cách thủ tục hành chính trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt trong chương trình công tác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua.  

Đấy là những tín hiệu lạc quan bởi sự nghiệp phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay gắn liền với sự thay đổi căn bản vai trò Nhà nước và phương thức hoạt động ở mức độ nào của nền hành chính quốc gia.

Việc nào có lợi cho dân, thì nên làm hết sức, đấy mới là chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Chỉnh phủ đồng ý bãi bỏ 'Sổ hộ khẩu', sẽ quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân

Chỉnh phủ đồng ý bãi bỏ 'Sổ hộ khẩu', sẽ quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân

Đặc biệt, về nhóm thủ tục đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã), Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm